Khai thác cát trong lòng hồ Dầu Tiếng: Cần minh bạch khi chọn thầu

02/05/2017 20:37 GMT+7

Chiều 2.5, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường và Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà đã có buổi làm việc với Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa tại Tây Ninh.

Với đề xuất điều chỉnh lại quy trình vận hành liên hồ chứa cho phù hợp với tình hình thực tế, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà cho rằng Bộ này sẽ có chỉ đạo xem xét điều chỉnh lại dựa trên nhu cầu thực tiễn và dựa trên các mục đích đã thay đổi.
“Bộ TN-MT sẽ sẵn sàng điều chỉnh lại cho hợp lý, cân đối với các bên. Tôi sẽ đứng ra với tư cách là Bộ quản lý đầu mối của Nhà nước về tài nguyên nước sẽ cùng với các địa phương có liên quan để bàn”, Bộ trưởng Hà nói.
Về vấn đề khai thác cát trong lòng hồ Dầu Tiếng, Bộ trưởng Bộ TN-MT cho rằng : “Quá trình khai thác cần được kiểm soát, minh bạch trong đấu thầu chọn đơn vị tham gia nạo vét theo đúng kế hoạch. Đối với khoáng sản liên quan đến nhiều Bộ nhưng riêng đối với quan điểm của Bộ TN-MT, tôi đồng tình với tỉnh cho tạm dừng khai thác để thanh tra toàn diện đối với 11 doanh nghiệp được tỉnh cấp phép. Sắp tới tôi sẽ đề xuất Thủ tướng Chính phủ tiến hành rà soát lại ở các khu vực khác chứ không để tình trạng tự phát như hiện nay”.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường hoan nghênh tỉnh Tây Ninh cho tạm dừng các hoạt động khai thác cát trong lòng hồ Dầu Tiếng để chấn chỉnh ẢNH: GIANG PHƯƠNG
Bộ trưởng  Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cũng hoan nghênh lãnh đạo tỉnh Tây Ninh đã kịp thời cho tạm dừng hoạt động khai thác cát sỏi trong hồ Dầu Tiếng để chấn chỉnh, đánh giá khách quan, khoa học để đưa vào quản lý có hiệu quả, bảo đảm an toàn hồ đập.
Cũng theo Bộ trưởng Cường, hồ Dầu Tiếng đảm bảo tốt chức năng trong đó có nguồn tài nguyên nước quý giá với trữ lượng 1,5 tỉ m3 nước, diện tích mặt nước 270 km2 cấp nước trực tiếp cho 100.000 ha đất nông nghiệp tại 3 tỉnh Tây Ninh, TP.HCM và Long An, cấp nước cho công nghiệp…Thế nhưng, công trình đưa vào sử dụng đã 32 năm nay xuất hiện nhiều bất cập các hạng mục đập chính, đập phụ, cống tràn xả lũ...xuống cấp; hoạt động khai thác tài nguyên (sử dụng nguồn nước, khai thác cát, sỏi...) trong hồ chưa được quản lý chặt chẽ, gây thất thoát lớn nguồn tài nguyên thiên nhiên trong hồ; việc vận hành, điều tiết nguồn nước trong hồ trong điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay đã lạc hậu, không kịp thời...
Theo đó, Bộ trưởng Cường cho rằng sắp tới Bộ NN-PTNT và TN-MT sẽ cùng các ngành, địa phương liên quan sẽ đánh giá tổng quan, toàn diện lại công trình hồ Dầu Tiếng, để có cơ sở quy hoạch, đầu tư, khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên trong hồ đạt hiệu quả theo hướng khai thác đa mục tiêu, trong đó có mục tiêu phát triển du lịch, nhưng bảo đảm không gây ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước và an toàn của hồ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.