(TNO) Tại TP.HCM và Hà Nội có khoảng 200 km cống vòm dưới lòng đất có độ tuổi hơn 100 năm, được xây dựng từ thời Pháp thuộc. Trong đó, hệ thống cống vòm tại TP.HCM được xem là cổ nhất, gần 150 năm tuổi, có chiều dài khoảng 100 km, được người Pháp xây vào năm 1870.
10 giờ sáng ngày 10.6, chúng tôi khám phá hệ thống cống vòm cổ nhất Sài Gòn, nằm dưới lòng đường Đồng Khởi và Nguyễn Du (Q.1).
Khi vừa đặt chân xuống miệng cống vòm tại góc ngã tư Nguyễn Du – Đồng Khởi, khí metan nồng nặc sộc vào mũi. Theo lời của các công nhân thuộc Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM, người có sức khỏe yếu nếu hít phải loại khí này có thể ngất xỉu, thậm chí là tử vong.
Tại TP.HCM có khoảng 932 km cống cũ, trong đó có gần 100 km cống vòm, tập trung nhiều nhất tại Q.1, 3, 5 và Q.6. Đường cống vòm đoạn lớn nhất có đường kính gần 2 mét rưỡi, cao gần 2 m; nhỏ nhất có đường kính và chiều cao vào khoảng 0,5 m.
Riêng đường cống vòm dưới lòng đường Đồng Khởi, Nguyễn Du... có đường kính khoảng 1 m, cao khoảng 1,5 m. Mực nước dưới cống khoảng từ 5-10 cm, nơi sâu nhất khoảng 20cm.
Đường cống từ nhà thờ Đức Bà, dọc đường Đồng Khởi đến ngã tư Lê Thánh Tôn – Đồng Khởi có chiều dài khoảng 100m. Sát 2 mép đáy cống loang lổ, có chỗ bị nước khoét sâu vào hai bên. Bề mặt phía trong đường cống được gia cố bằng một lớp xi- măng.
Có những chỗ gạch đã bị bong tróc. Đặc biệt, có nhiều thanh sắt đã gỉ sét, nhọn bén lú ra, nhấp nhô xung quanh đường cống này.
Bên trong hệ thống cống vòm này có 2 loại sinh vật phổ biến, là: dán và cá. Nếu dán bám trụ ở bề mặt đường cống, các hóc thì dưới nước có khá nhiều cá trê.
Hệ thống cống vòm này cách mặt đường khoảng 3m, nếu áp tai vào thành cống có thể nghe tiếng động của xe cộ đang lưu thông. Hệ thống cống này đang là con đường thoát nước chính của khu vực.
Bình luận (0)