Khát vọng ầu ơ: Phận bạc

22/05/2020 05:39 GMT+7

Bất chấp sức khỏe , tiền bạc, tìm mọi cách để sinh cho chồng đứa con nhưng đổi lại họ đều nhận được kết quả buồn...

Lấy chồng, sinh con suôn sẻ nhưng tới đứa thứ năm vẫn là con gái. Chị Đặng Thị Vy (40 tuổi, quê Thái Bình) bị gia đình chồng gán cho cái tội không biết đẻ con trai. Vì bị coi là người có lỗi trong chuyện sinh con một bề nên chị Vy buộc phải một mình vào Nam chạy chữa sinh cho bằng được đứa con trai, nếu không thì chồng chị sẽ tự “kiếm” ở ngoài.

Được con, mất chồng

Trừ ngày vào bệnh viện lấy tinh trùng, chồng chị xuất hiện chớp nhoáng, sau đó là chuỗi ngày dài chị Vy vò võ một mình trong khu trọ mà không hề có chồng hay gia đình chồng tới thăm nom. Chị muốn lấy nước, ăn cơm gì thì sẽ đập tay vào tường để phòng bên cạnh biết mà đi mua giúp. Có hôm người trong xóm trọ không thấy chị Vy ăn uống gì, gặng hỏi mới biết hết tiền mà chồng không gửi cho. Dù gia cảnh không đến nỗi nghèo nhưng cả tuần đó chị Vy phải ăn nhờ những người trong khu trọ.
“Mình năm mụn con rồi, giờ chồng không bỏ thì thôi chứ bỏ chồng thì biết lấy ai”, chị Vy tâm sự. Vậy mà khi cái thai ổn định, chị về quê thì chồng đã có bồ. Dù không muốn nhưng chị vẫn buộc phải ký đơn ly hôn: “Chồng tôi dọa sẽ cho người đánh tôi sẩy thai nếu như tôi không chịu ký đơn”.
Chẳng may mắn gì hơn, chị Nguyễn Minh Huê (38 tuổi, ở Gia Lâm, Hà Nội) cấy phôi được 5 ngày thì bị đuổi khỏi nhà mình. Chị Huê làm đám cưới ở cái tuổi đẹp nhất, do ám ảnh từ cuộc hôn nhân không hạnh phúc của bố mẹ nên chị không đăng ký kết hôn. Mười mấy năm lao đầu vào làm kinh tế, gom tiền để cùng nhau mua nhà tới khi chị muốn sinh con nhưng... khó quá nên chị cùng chồng làm thụ tinh trong ống nghiệm.
Khi phôi được cấy vào người, chị nằm nhà một mình với đủ thuốc thang thì chồng chị đang hạnh phúc bên tình mới. Áp lực từ người yêu mới, chồng chị đập phá đồ đạc, chửi bới và yêu cầu chị ra khỏi nhà. Sợ ảnh hưởng thai nhi, chị Huê bỏ trốn khỏi ngôi nhà mình từng tích góp tiền bạc mua. Sau khi chị đi, chồng đưa người yêu mới về ở cùng và chối bỏ đứa con...
Khát vọng ầu ơ: Phận bạc1

Ngôi nhà của bà Trần Thị Năm giờ được người con nuôi trông nom

Lấy chồng 39 năm vẫn là... trinh nữ

Mọi chuyện được giấu kín và tưởng chừng sẽ không ai biết đến nếu như cuốn nhật ký ấy không vô tình rơi ra sau ngày bà Năm mất vào năm 2019...
39 năm kể từ ngày cưới, bà Trần Thị Năm (60 tuổi, quê Thái Bình) vẫn chưa một lần ân ái bởi chồng bà là ông Nguyễn Viết Chiến (62 tuổi, cùng quê) bị... liệt dương.
Khi cuộc hôn nhân của bà Năm bước vào năm thứ 10, nhà ông Chiến tổ chức họp gia đình: “Không đẻ được thì cô để cho chú Chiến đi kiếm con. Chú Chiến là con trưởng nên không thể tuyệt tự”. Đứng giữa cuộc đấu tố với tội danh không biết đẻ, bà Năm chỉ im lặng, giấu kín chuyện chồng liệt dương, bà muốn giữ cho ông chút uy phong của đấng nam nhi và không nguôi hy vọng một ngày ông sẽ được chữa khỏi.
Hơn ai hết, từ ngày được cưới, bà Năm vẫn luôn ao ước có một đứa con để ấm nhà. “Nếu giờ mình có một đứa con thì sẽ thế nào nhỉ? Nó sẽ bi bô chạy lui chạy tới. Nó sẽ gọi bố gọi mẹ, gọi ông gọi bà. Hằng đêm mình sẽ có con để ôm, ẵm...”, bà Năm viết trong nhật ký.
Để lấp khoảng trống, bà Năm cùng chồng nhận con nuôi. Dù vậy, gia đình chồng vẫn không hài lòng. Bà tự mình đi khám thì không có vấn đề gì, bà hoàn toàn có thể sinh con.
Đúng lúc này, nhà bà Năm có nuôi cơm một đội thợ mộc. Trong đội có Nguyễn Văn Trường (lúc đó hơn 30 tuổi, cùng quê Thái Bình) tỏ ra quan tâm đặc biệt tới bà Năm. Chồng bà Năm mở lời: “Năm có muốn có con không? Năm nhờ anh Trường giúp. Tôi sẽ coi nó như con ruột. Sẽ không ai biết chuyện này ngoài vợ chồng mình”.
Khát vọng ầu ơ: Phận bạc2

Anh Nguyễn Văn Tiến (35 tuổi, con nuôi của bà Trần Thị Năm và ông Nguyễn Viết Chiến) ngồi cạnh ngôi nhà cha mẹ nuôi từng ở

Lạ là sau đó, mấy lần ông Trường vào tận nhà tìm bà Năm. Ông biết bà Năm thích ăn củ sắn, thích uống trà sen, chuyện mà lâu nay chỉ chồng bà biết. Cuối cùng, ông Trường cũng thẳng thắn với bà rằng ông thương bà thật sự nên muốn tặng bà một người con. Từ chối tất cả, bà nói với chồng: “Em khát con, nhưng là con của em với anh. Là để mình trở thành một gia đình thật sự”. Suốt thời gian dài sau đó, vợ chồng bà Năm cùng nhau chăm sóc người con nuôi và gần như từ bỏ ý định có một đứa con của riêng mình.
Một ngày, bà Năm có những biểu hiện đau nhức xương chậu nên đi khám. Ở bệnh viện, bác sĩ quá ngạc nhiên vì một phụ nữ đã kết hôn mấy chục năm nhưng màng trinh chưa rách.
“Hôm nay, bác sĩ hỏi mình lấy chồng năm nào? Sao lấy chồng bao nhiêu năm mà vẫn còn nguyên màng trinh? Thật ra mình đã bao giờ là đàn bà đâu. Lấy chồng nhưng chẳng cách nào để trở thành đàn bà được. Cay đắng nhỉ”, bà Năm viết trong nhật ký.
Cuốn nhật ký được cất sâu nơi đáy hòm, có lẽ bà định sẽ mang nó sang thế giới bên kia nếu như bà không bất ngờ bị tai biến, mất ý thức vào năm 2019. Hơn một tháng sau, bà Năm mất. Thu dọn đồ đạc của vợ, ông Chiến vô tình tìm được cuốn nhật ký. Đọc đến đoạn bác sĩ hỏi bà Năm lấy chồng bao nhiêu năm sao màng trinh vẫn còn nguyên, ông Chiến như người chết đứng. Ông từng chấp nhận việc vợ mình có thể xin một đứa con từ người đàn ông khác, nhưng lại không thể ngờ rằng 39 năm sống cùng ông, ông không thể cho bà một cảm giác làm chồng thật sự nhưng bà vẫn luôn son sắt thủy chung.
Suốt 49 ngày kể từ khi vợ mất, ngày nào ông cũng lững thững ra nghĩa địa ôm mộ vợ khóc. Ông chỉ ước kiếp sau ông sẽ là một người đàn ông, sẽ gặp lại bà Năm để cho bà một hạnh phúc thật sự. Và vào hôm tròn 50 ngày vợ mất, ông tự kết liễu đời mình như để kết thúc những day dứt suốt những năm tháng đã qua...
(còn tiếp)

Bác sĩ điều trị cũng “nhức đầu đau tim”

Là người điều trị hiếm muộn và đỡ đẻ thành công cho ca sinh năm duy nhất ở Việt Nam, Th.S - bác sĩ Cao Hữu Thịnh (chuyên về sản phụ khoa tại Bệnh viện Từ Dũ, TP.HCM) cho rằng chi phí điều trị hiếm muộn, vô sinh khá cao so với mặt bằng thu nhập của người Việt Nam hiện nay. Thông thường, một ca thụ tinh trong ống nghiệm ở Việt Nam dao động từ 60 - 100 triệu đồng.
Bác sĩ Thịnh trăn trở: “BHYT vẫn chưa chi trả cho việc điều trị như các nước phát triển nên hiếm muộn vẫn là cái khổ, cái khó của nhiều cặp vợ chồng. Có những ca không chịu nổi chi phí, đành bỏ cuộc. Ngay cả bác sĩ điều trị cũng nhức đầu đau tim do phải cân nhắc, tính toán sao cho tiết kiệm tối đa chi phí mà tỷ lệ có thai cao nhất”. 
Như Lịch
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.