Lời tòa soạn: Nguyên Chủ tịch nước, đại tướng Lê Đức Anh đã từ trần hồi 20 giờ 10 phút ngày 22.4.2019. Hơn 80 năm hoạt động cách mạng, ông đã có nhiều đóng góp to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Báo Thanh Niên xin trân trọng giới thiệu bài viết của thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, cảm nhận về tính cách, khí chất Lê Đức Anh.
Ngày đầu hạ - 35 năm được gặp ông
Tối 22.4.2019, tôi đứng cạnh giường để chào lần cuối trước khi ông về cõi vĩnh hằng. Chào ông rồi, tôi cứ dùng dằng mãi dưới sân Trạm 66/Hà Nội, nhớ lại đúng 35 năm trước, cũng tại ngôi nhà này, cũng một đêm đầu hè oi bức, trời chuyển gió, lá sấu rụng đầy sân... Khi đó, tôi mang quân hàm trung úy, vừa tốt nghiệp trường sĩ quan, lần đầu tiên được gặp ông - Tư lệnh Mặt trận Tây Nam 719, vị tướng chiến trận lừng lẫy, vì một lý do rất riêng và rất nhỏ bé - đó là xin đi chiến đấu ở chiến trường Campuchia.
Tôi không thể quên nụ cười của ông, hiền hậu và bao dung. Ông hỏi: “Trung úy à? Theo bộ đội vậy là tốt đấy...”. Tôi lúng túng chưa kịp nói gì thì ông lại hỏi: “Mẹ cháu thế nào, nhà cửa cháu ra sao?”. Khi tôi kể chuyện gia đình, gương mặt ông trầm lại, im lặng một lát, ông nói: “Chú đồng ý cho cháu thực hiện nguyện vọng sang chiến trường Campuchia. Nhưng đi là để công tác và chiến đấu, mà chưa tiến bộ là chưa về đâu đấy!”, ông cười cười: “Chịu được không?”. Tôi đáp thật nghiêm túc: “Thưa chú, cháu sẽ cố gắng công tác, chưa thành người, cháu chưa về!”. 35 năm rồi, nghĩ lại thấy mình phần nào đã thực hiện được lời hứa lần đầu gặp ông. Và đến hôm nay, ngày vĩnh biệt, tôi vẫn nhớ như in từng giây phút đầu, chỉ vài câu đó thôi của ông, mà tôi đã định hướng được cả cuộc đời, cho đến tận hôm nay...
Những danh xưng để lại
Ông là đại tướng Lê Đức Anh, với rất nhiều chức vụ, người chỉ huy nhiều trận đánh, có biết bao công lao với đất nước, đã được ghi trong sử sách. Ở miền Nam, người dân gọi ông là Sáu Nam. Có nhiều người thứ Sáu, tên Nam, nhưng ở chiến trường miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ và sau này ở chiến trường K, ai nấy đều hiểu, đó là tướng Lê Đức Anh.
Tên ông gắn liền với hàng loạt trận đánh kiên cường để giành dân, giành đất sau Hiệp định Paris 1972, với một khẩu hiệu ai cũng biết: “Giải phóng đến đâu, cắm cờ đến đó!”. Với khẩu hiệu đó, chỉ sau một vài đêm đã thấy cả xã, cả huyện, thậm chí cả tỉnh rợp một màu cờ cách mạng.
Tuy nhiên, để làm được việc đó, ông đã phải vượt qua rất nhiều khó khăn, nguy hiểm với kẻ địch trước mắt, và cũng có người bên ta nói rằng nếu làm như vậy là vi phạm hiệp định, thậm chí dọa đưa ông ra tòa án binh. Ông đáp ngay: “Ra tòa án binh cũng được, nhưng cứ để tôi đánh xong trận này đã!”. Với ông, giữ được đất, bảo vệ được dân, giành được thắng lợi trên chiến trường là mục đích cao nhất.
|
Thời chiến trường K, để tỏ lòng kính trọng, người ta gọi chỉ huy trưởng các đơn vị, thường là những cán bộ “3 thời kỳ”, bằng danh xưng: “Ông già”, còn với ông Sáu Nam, người ta gọi là “Ông già lớn”, “Ông già mặt trận”. Danh xưng đó ngoài ông, không ai khác có được. Từ anh lính tân binh tới những cán bộ cao cấp đều hiểu rằng ở đây - Mặt trận 719 Campuchia này - đó là ông, người mà họ đặt niềm tin cao nhất, niềm tin tuyệt đối.
Với chúng tôi, những sĩ quan trẻ làm gì có điều kiện được nhìn, được gặp trực tiếp, được nghe ông nói. Nhưng danh xưng, tính cách và những câu chuyện về ông cứ thế lan truyền rất tự nhiên, từ người này đến người kia, từ lớp chiến sĩ trước đến thế hệ sau. Còn đối với cán bộ, tướng lĩnh Campuchia lúc đó và cho đến tận bây giờ, ông luôn được gọi là “Ông Sáu Lê Đức Anh”, hay “Ông Sáu Việt Nam”. Hồi đó, cán bộ, tướng lĩnh Campuchia nói với nhau: “Ông Sáu Lê Đức Anh quyết thế! Ông Sáu Việt Nam lên đây rồi... Ông Sáu nói thế này, Ông Sáu bảo thế kia...!”. Đối với họ, Ông Sáu Lê Đức Anh không chỉ là một biểu tượng của Việt Nam, mà còn là biểu tượng cho niềm tin, sự vững vàng của cách mạng Campuchia mà ông là một trong những người đóng góp công lao to lớn.
Mãi sau này, kể cả khi đã nghỉ, nhiều lãnh đạo cấp cao Campuchia vẫn muốn gặp ông, mong được chỉ bảo, hướng dẫn, vì ông quá hiểu thực tiễn sinh động của Campuchia, và thực sự toàn tâm, toàn ý với sự nghiệp của người dân, của cách mạng Campuchia. Có lần, một lãnh đạo cao cấp của Đảng Nhân dân Campuchia sang thăm và trao đổi về một số tình huống khó khăn của bạn. Ông nói rằng mình đã nghỉ, nhưng với kinh nghiệm thì chỉ có thể khuyên một số việc nên như thế nào... Khi kết thúc cuộc gặp, vị lãnh đạo đó hỏi đồng chí Việt Nam đi cùng: “Anh có ghi chép hết nội dung Ông Sáu Lê Đức Anh nói không?”. Trả lời: “Dạ, ghi đủ. Có việc gì không anh?”. Vị lãnh đạo kia mừng rỡ nói: “Anh đọc lại để tôi xem có ghi thiếu việc gì không? Chỉ sợ sót, làm không hết những gì Ông Sáu dặn!”.
Nhà vua Campuchia Sihanouk gọi ông là “Vị tướng của Đạo quân nhà Phật”. Vua Sãi Campuchia chúc phúc cho ông: “Trời phật sinh ra ông để cứu giúp nhân dân Campuchia, cầu mong ông sống lâu, khỏe mạnh để lo cho nhân dân Campuchia và Việt Nam có được hạnh phúc và hòa bình!”... Những tên gọi, danh xưng đó không chỉ nói về cá nhân ông, mà đó là biểu tượng, đại diện cho một tinh thần Việt Nam, hình ảnh Việt Nam, cho sự hy sinh, xương máu của cán bộ chiến sĩ Việt Nam tại Campuchia.
Và chỉ với những cái tên đó thôi, chỉ bằng cách người ta ứng xử trân trọng vậy thôi cũng cảm nhận được những gì ông đã làm được cho nhân dân, cho quân đội trong kháng chiến chống Mỹ, cho người dân và cách mạng Campuchia; cho đất nước ta sau này.
Tính nguyên tắc của ông sáu
Ông Sáu Nam là người rất nghiêm khắc, thậm chí đôi khi khe khắt, nhất là với công việc. Phó phòng Quân báo Miền trong chiến tranh chống Mỹ kể lại: Khi đó ông là Phó tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Miền, có lần nhận được thông tin tình hình khẩn, Trưởng phòng II vì sốt ruột nên điện báo cáo thẳng Tư lệnh, trong khi theo nguyên tắc phải báo cáo Bộ Tham mưu. Biết chuyện, ông Sáu gọi lên báo cáo, nghe xong ông nói: “Anh nắm tình hình như vậy là tốt, nhưng không báo cáo cho Bộ Tham mưu là sai nguyên tắc. Giờ anh về, mang mùng mền sang Bộ Tư lệnh mà ở!”. Trưởng phòng II tái mặt, năn nỉ mãi ông mới bỏ qua và dặn thêm: “Báo cáo ai không quan trọng. Vấn đề là cơ quan nào sẽ xử lý thông tin này!”.
Ông đòi hỏi cao, khắt khe, không có bất kỳ sự “thông cảm”, dù chỉ một lỗi nhỏ, gây hại cho công việc chung. Nhưng, tính cách khắt khe không làm mọi người xa lánh, mà ai cũng muốn được gặp ông, được báo cáo những gì khó khăn, phức tạp, được nghe ông căn dặn, chỉ bảo, cả khi đương chức hay khi đã nghỉ.
Đứng trước ông, nhiều người không giấu được sự ngập ngừng. Cấp dưới thường lo lắng khi báo cáo, bởi trí tuệ chiến lược sắc sảo của ông, bởi cá tính “thủng thẳng” ít nói, ít vồn vã, nhưng lại rất tập trung, chăm chú lắng nghe và vô cùng “nhạy bén” với những cái mới, cái tôi sáng tạo của cấp dưới. Ông không chỉ chịu nghe, mà còn rất biết nghe, nghe những điều ông cần biết và có ích cho công việc chung. Vậy nên, gặp ông rồi, ai cũng thấy thu nhận được nhiều điều bổ ích và thấy tự tin hơn, mình có ích hơn khi trở về với những điều mà ông chỉ bảo, căn dặn. Ông đặc biệt dị ứng với những người, những biểu hiện dối trá, cẩu thả, thiếu trách nhiệm... Gặp phải những chuyện như vậy là ông bực mình nhất, ông coi đó là những người không đáng nói chuyện, không cần lưu tâm.
(còn tiếp)
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh
Bình luận (0)