Khô cạn nguồn nước

15/03/2011 00:01 GMT+7

Không chỉ bốc mùi hôi, nước sông Hồng đang cạn dần, dòng sông bị thu hẹp đáng kể. Không còn vóc dáng của một “dòng sông mẹ” mà trông yếu ớt đến buồn lòng…

 

 Một đoạn sông Hồng chảy qua địa phận xã A Mú Sung (H.Bát Xát) - Ảnh: Q.D

Ý định ngược dòng sông Hồng từ TP Lào Cai lên nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt (xã A Mú Sung, H.Bát Xát) để “soi” kỹ cảnh quan sông nước và “hỏi thăm” sức khỏe dòng sông lớn này của chúng tôi đã bị dội tới… “2 gáo nước lạnh”. Đại tá Lương Văn Sơn, Chính ủy Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Lào Cai cảnh báo, nước sông cạn lắm, nhiều đoạn cạn tới mức thuyền nhỏ cũng không thể đi qua được, muốn đi tiếp chắc phải lội xuống bùn nước hò nhau đẩy thuyền. Trong khi đó, anh bạn đồng nghiệp đang thường trú ở địa phương lên tiếng can ngăn ngay lập tức: “Đoạn sông Hồng từ TP Lào Cai lên A Mú Sung dài khoảng 70 km, trong đó có hàng chục km sông chạy dọc biên giới Việt - Trung. Có những đoạn phần sông thuộc lãnh thổ nước ta bị cạn kiệt, thuyền không thể lưu thông được”. Nghe theo lời khuyên của họ, chúng tôi quyết định ngược sông Hồng bằng đường bộ.

Trước diễn biến bất thường của nước sông Hồng, Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Lào Cai đã tiến hành lấy các mẫu nước phân tích, tìm nguyên nhân. Kết quả phân tích cho thấy, mẫu phân tích ngày 23.1 chỉ tiêu COD, BOD5 có hàm lượng vượt so với QCVN 08:2008/BTNMT cột A1 là 1,03 và 1,25 lần. 8 mẫu lấy từ ngày 7 - 19.2, hàm lượng COD, BOD5 có xu hướng tăng, riêng ngày 18.2 hàm lượng COD vượt tới 2,7 lần. Kết quả phân tích chỉ tiêu TSS mẫu nước ngày 24.2 là 2.160 mg/l, tương đương với 2,16 kg/m3, so với QCVN 08:2008/BTNMT cột B2 tăng hơn 20 lần so với tiêu chuẩn.

Trong khi đó, kết quả phân tích các mẫu nước của đoàn công tác thuộc Tổng cục Môi trường cũng cho thấy, chất lượng nước sông Hồng tại 3 điểm quan trắc bị ô nhiễm bởi thông số COD, tổng Fe, Pb và tổng dầu, mỡ. Ngoài ra, theo cơ quan hữu trách Lào Cai, ở các điểm đầu nước sông đều có giá trị pH dao động trên 8, giá trị pH cao như vậy đã đo được từ nhiều đợt quan trắc của 2 năm gần đây.

Đi bộ qua sông

Xe chạy dọc bờ sông, ám ảnh chúng tôi nhất chính là những bãi cát, sỏi rộng lớn và trải dài nằm chềnh ềnh dưới lòng sông như thể đang từng ngày “nuốt chửng” dòng nước nhỏ bé lững lờ trôi. Trong đó, đoạn sông chảy qua địa phận hai thôn Tân Quang và Tân Thành (xã Trịnh Tường) phải được nhắc đến như là một điển hình của sự cạn kiệt của sông Hồng. Đặt chân đến đây, đập vào tầm mắt chúng tôi là dải bùn đất, lấm chấm những chấm trắng sáng của sỏi đá choán gần hết lòng sông. Dải bùn đỏ này phần lớn khô khốc, chứng tỏ đã “khát” nước lâu ngày, chỉ một vài chỗ nhỏ bùn đất còn nhão. Dòng nước sông nho nhỏ, trông chẳng khác nào một con suối. Bà Hoàng Thị Thẹo (thôn Tân Thành) nói rằng, bao năm sống ở bên sông, bà và người dân nơi đây cảm nhận tương đối rõ rệt về sự gia tăng độ khô kiệt của đoạn sông này.

Cách đó ít cây số, hơn 2/3 lòng sông đoạn chảy qua thôn Ma Cò (xã Nậm Trạc, H.Bát Xát) hiện đang trơ đáy. Dải cát mịn màng, rộng lớn và trải dài, uốn éo cùng dòng nước. Chúng tôi có thể chạy nhảy rất dễ dàng trên… lòng sông này, nơi dòng nước đã từng cuộn chảy. Tiến sát mép nước, lội vài bước chân nhưng nước vẫn chưa ngập đến hết đầu gối. Tại A Mú Sung, đứng trên bờ đê, không khó để nhìn thấy những đoạn mà dòng nước sông Hồng nhỏ như một dòng suối nhỏ. Đây đó, trên những bãi cát nhấp nhô dưới lòng sông, một vài tốp trẻ chăn trâu đang chạy nhảy, nô đùa vui vẻ. “Trông sông Hồng yếu ớt quá. Cứ đà này, chắc không lâu nữa, cả đoạn sông này trơ đáy là cái chắc. Nước đâu để mà mang phù sa bồi đắp cho châu thổ sông Hồng rộng lớn? Nước đâu để tưới mát những cánh đồng khô cằn, nứt nẻ dưới hạ du?”, anh bạn đồng hành không giấu được lo lắng. Chợt nhớ, trước tình hình khô hạn nghiêm trọng ở hạ du, cách đây hơn một tháng, Tập đoàn điện lực VN đã phải xả tới 3,3 tỉ m3 nước từ các hồ thủy điện Thác Bà, Hòa Bình để nâng cao mực nước sông Hồng tại Hà Nội lên trên 2,2m, tạo điều kiện cho bà con nông dân lấy nước vào đồng ruộng cấy cày vụ đông xuân. Liên tiếp mấy năm trước đó, hồ thủy điện phải “giải cứu” ruộng đồng nứt nẻ, khi mà mực nước sông Hồng tại Hà Nội xuống rất thấp, và kỷ lục mới nhất vừa xảy ra vào năm ngoái, nước sông chỉ còn 0,1m khiến người ta có thể dễ dàng đi bộ qua sông.

Điểm cuối cùng trên hành trình, chúng tôi dừng chân tại nơi con sông Hồng đổ vào đất Việt. Nơi đây, dòng Hồng giang chảy từ Vân Nam (Trung Quốc) vào địa phận thôn Lũng Pô (xã A Mú Sung) và hợp lưu với dòng suối Lũng Pô trước khi chảy dọc biên giới Việt - Trung, xuôi về hạ du. Dòng nước trên sông chảy vào địa phận nước ta cũng không lớn và tương đối cạn. Đặc biệt, lòng sông nơi đây bị trơ đáy có lẽ là nhiều nhất so với những nơi chúng tôi đã đi qua trên suốt hành trình từ TP Lào Cai lên thượng nguồn. Qua điểm tiếp giáp một đoạn ngắn, dòng nước tiếp tục bị thu hẹp đáng kể, để lộ một dải sỏi lớn. Từ bờ đê, chạy mỏi cả chân, thở không ra hơi chúng tôi mới vượt qua được dải sỏi đá này để tiếp cận được với mép nước.

Đứng giữa dải cát này, phóng mắt theo dòng nước nhỏ chảy về xuôi, chợt nhớ, theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, trong mùa khô năm nay, mực nước sông Hồng tại Hà Nội sẽ lại xuống mức thấp nhất lịch sử, chỉ còn 0,1m…

Quang Duẩn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.