Khó khăn tìm đất chôn lợn bệnh

11/05/2019 06:00 GMT+7

Ghi nhận tại Nam Định và Hà Nội, dịch tả lợn châu Phi vẫn diễn biến phức tạp, số lượng lợn nhiễm bệnh không ngừng gia tăng đang gây áp lực lớn cho các địa phương trong việc tìm kiếm quỹ đất chôn lấp, tiêu hủy lợn bệnh.

Đưa lợn bệnh vào... nghĩa trang

Dịch tả lợn châu Phi đã hiện diện ở cả 10/10 huyện, TP tại tỉnh Nam Định và liên tục phát sinh thêm ổ dịch mới khiến các địa phương trong tỉnh gặp khó trong tìm kiếm quỹ đất chôn lấp, tiêu hủy lợn nhiễm bệnh.
Theo tìm hiểu của PV tại xã Xuân Phú (H.Xuân Trường), thời gian đầu khi dịch mới xuất hiện, chính quyền địa phương đưa lợn vào... nghĩa trang của các thôn để chôn lấp. Nhưng sau đó, các ổ dịch xuất hiện nhiều hơn, người dân đã quyết liệt ngăn chặn, phản đối đưa lợn bệnh vào chôn chung ở nghĩa trang buộc địa phương phải chuyển hướng đào hố chôn lấp tại các bãi rác thải sinh hoạt.
Ông Đinh Văn Hiểu, Chi cục trưởng Chi cục Thú y và chăn nuôi tỉnh Nam Định, cho biết dịch bệnh vẫn tiếp tục lây lan, bùng phát đang là áp lực lớn cho các địa phương trong tìm kiếm quỹ đất chôn lấp và tiêu hủy. Hiện tại, các địa phương đang cho chôn lấp lợn bệnh trong khuôn viên khu chuồng trại, vườn cây ăn quả ngay tại hộ chăn nuôi nếu diện tích đất đủ rộng và đảm bảo các quy định về an toàn vệ sinh phòng dịch.
Nhưng cách này chỉ áp dụng được với hộ chăn nuôi nhỏ, quy mô vài con đến vài chục con. Còn nếu dịch xảy ra cùng lúc ở nhiều hộ, các hộ chăn nuôi, trang trại quy mô lớn thì địa phương rất khó xoay xở tìm kiếm quỹ đất công đủ để chôn lấp lợn bệnh. Theo ông Hiểu, cá biệt ở một số xã tại Nam Định, có ổ dịch chủ trang trại và chính quyền địa phương phải mua đất nông nghiệp để có chỗ tiêu hủy lợn.
Ông Hiểu cho hay, thống kê đến ngày 10.5, toàn tỉnh Nam Định đã có khoảng 120.000 con lợn nhiễm dịch bị tiêu hủy. Trong khi đó, dịch bệnh vẫn đang có xu hướng bùng phát, gia tăng các ổ dịch mới. Ngay tại xã Trực Thắng (H.Trực Ninh), ổ dịch tả lợn châu Phi đầu tiên của tỉnh Nam Định được phát hiện trong ngày 8.3 nhưng đến nay địa phương vẫn ghi nhận có lợn chết do dịch bệnh. “Dịch bệnh cứ bùng phát theo đà này, chúng tôi lo ngại nhiều địa phương rất khó để bố trí đất chôn lấp, tiêu hủy lợn bệnh”, ông Hiểu lo lắng.

Đau đầu xử lý lợn bệnh

Dịch bệnh cứ bùng phát theo đà này, chúng tôi lo ngại nhiều địa phương rất khó để bố trí đất chôn lấp, tiêu hủy lợn bệnh

Ông Đinh Văn Hiểu, Chi cục trưởng Chi cục Thú y và chăn nuôi tỉnh Nam Định

Khó bố trí mặt bằng chôn lợn bệnh cũng là vấn đề “đau đầu” của nhiều địa phương tại H.Chương Mỹ (Hà Nội), làm chậm tiến độ xử lý tiêu hủy lợn tại các ổ dịch.
Khảo sát tại xã Đồng Lạc (H.Chương Mỹ) trong ngày 7.5, ổ dịch tả lợn châu Phi đầu tiên tại địa phương này được ghi nhận xảy ra ở trang trại anh Nguyễn Duy Bình (thôn Yên Lạc) với đàn 125 lợn thịt, lợn đực giống.
Ngay sau đó, UBND xã Đồng Lạc quyết định chôn lấp toàn bộ lợn trong khuôn viên trang trại này nhưng không nhận được sự đồng thuận từ gia đình và các hộ nuôi lợn liền kề bởi lo ngại bệnh dịch phát tán. Đến ngày 9.5, lãnh đạo địa phương bố trí được mặt bằng toàn bộ số lợn này được đem đi chôn lấp thì đã chậm tiến độ 2 ngày so với thời gian quy định.
Ông Tạ Viết Thiều, Trưởng ban Thú y và chăn nuôi xã Hoàng Diệu, cho biết liên tục trong nửa tháng gần đây, ngày nào địa phương cũng duy trì tổ cán bộ 10 người, thuê cả ô tô và máy xúc làm việc để kịp tiêu hủy chôn lấp lợn bệnh đúng tiến độ.
Căng nhất là dịp nghỉ lễ 30.4 - 1.5 vừa qua, mỗi ngày có 2 - 3 hộ dân báo dịch, không để lợn chết bốc mùi thì cán bộ xử lý dịch cũng không có ngày nghỉ lễ, phải tổ chức tiêu hủy ngay trong ngày có kết quả xét nghiệm. “Ổ dịch thôn nào thì chôn lấp tại đất của thôn ấy, người dân cũng không cho vận chuyển qua lại, ra các thôn ngoài nên tạm thời xã phải tận dụng các nguồn đất công dùng để chôn lợn”, ông Thiều nói.
Chiều 10.5, Cục Thú y cho biết, dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện ở hơn 20 tỉnh, TP trên cả nước, đặc biệt là đã ghi nhận xảy ra ở các tỉnh phía nam là Đồng Nai và Bình Phước. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, trong tuần tới, Bộ NN-PTNT sẽ họp trực tuyến toàn quốc tiếp tục rà soát, đôn đốc công tác phòng chống dịch bệnh.
Trả lời Thanh Niên, bà Trần Thị Thu Hằng, Trưởng trạm Thú y và chăn nuôi H.Chương Mỹ, thừa nhận việc xử lý ổ dịch xã Đồng Lạc chậm tiến độ do khó thống nhất, bố trí đất chôn lợn.
Quy định của Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) cho phép chôn lấp tại chỗ, điểm chôn phải cách giếng nước, nhà dân và khu chuồng nuôi tối thiểu 30 m. Nhưng ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán trong khu dân cư, mặt bằng chật hẹp rất khó thực hiện chôn lấp tại chỗ.
Trong khi đó, nguồn đất công ở các xã cũng rất hạn hẹp nên thực tế có những ổ dịch cán bộ thú y chờ đến 12 giờ đêm địa phương cũng không tìm đâu ra đất chôn lấp lợn bệnh. Còn ở những xã bố trí đất công, quy hoạch thành khu vực riêng thì người dân phản đối vì lo ngại lợn bệnh chôn lấp với số lượng lớn ảnh hưởng đến chăn nuôi tại địa bàn, chính quyền và cơ quan thú y phải mất thời gian tuyên truyền để có sự đồng thuận.
Cũng theo bà Hằng, tổng đàn lợn tại H.Chương Mỹ là 240.000 con, đứng thứ hai trong toàn TP.Hà Nội nhưng hiện tại dịch bệnh đã ghi nhận xảy ra ở trên 200 hộ chăn nuôi, trang trại tại 22/32 xã trong toàn huyện.
“Áp lực tìm đất chôn lợn bệnh ở nhiều xã trong huyện là rất khó khăn, cơ quan thú y vẫn đang cố gắng hết sức để ngăn chặn, khống chế dịch bệnh, bởi nếu tiếp tục bùng phát nhiều nơi sẽ không đủ đất chôn lấp, tiêu hủy lợn bệnh”, bà Hằng nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.