Khổ vì mất giấy tờ - Kỳ 2: Một kiểu tống tiền

19/02/2013 02:35 GMT+7

Trộm cướp tài sản cùng giấy tờ, sau đó thủ phạm nhắn tin buộc khổ chủ phải bỏ tiền đi chuộc không còn xa lạ đối với nhiều người.

Kẻ trộm lẻn vào phòng trọ tại làng đại học Thủ Đức của Kim Thư, sinh viên Trường đại học KHXH&NV TP.HCM, lấy một vali trong đó có 1 laptop và giấy tờ tùy thân, 1 chứng chỉ bằng A tiếng Anh. Trong vali có hóa đơn đóng tiền học phí, trên đó ghi số điện thoại của Thư nên qua ngày hôm sau Thư nhận được cuộc điện thoại từ một số lạ. Bên kia đầu dây một giọng nam thanh niên nói: “Tôi có lượm được giấy tờ tên của cô ở ven đường, nếu muốn lấy lại thì điện lại cho tôi”. Nghĩ phải về tận Nghệ An làm lại và mất nhiều thời gian, tiền bạc nên Thư quyết định đi chuộc. Thư liền gọi điện lại cho thanh niên nói trên và được hẹn đến một quán cà phê. Đúng hẹn, hai thanh niên có mặt và ra giá: “Giờ muốn lấy lại thì mất 1 chai (1 triệu đồng - PV)”. Sau khi lấy tiền, hai thanh niên nhanh chóng biến đi. Thư bức xúc: “Mình biết chắc mấy thằng này là kẻ trộm mà không làm gì được cả. Vừa mất tài sản, lại vừa mất tiền đi chuộc giấy tờ. Mà dẫu sao cũng ít tốn kém hơn khi về Nghệ An làm lại, còn chưa nói phải mất thời gian, thủ tục rắc rối”.

Không cần suy nghĩ, tôi quyết định đi chuộc mà không dám báo công an. Dù biết bọn nó lưu manh, nhưng không biết làm sao cả, vì không có giấy tờ thì mình mất tất cả

Nạn nhân tên Phương

Giữa tháng 11.2012, Thanh Phương (Q.Bình Tân) đang ngủ thì có một cuộc gọi đến thông báo đã nhặt được ví của anh trong đó có một số giấy tờ tùy thân và nhắn: “Có gì em liên lạc lại sau nhé” rồi cúp máy. Nghe đến đây, Thanh Phương lao khỏi giường, chạy ra mở cốp xe, cái ví vừa để trong đó lúc sáng không còn. Sáng hôm sau vẫn số điện thoại đó, giọng nói đó gọi lại đặt vấn đề: “Anh cho em 1,5 triệu đồng, chuyển vào tài khoản cho em trước. Sau khi nhận được tiền em sẽ chuyển giấy tờ”. Vì người cầm giấy tờ không ra mặt gặp trực tiếp, hơn nữa lại lo bị làm tiền hoặc gặp kẻ lừa đảo nên Phương đành ôm cục tức mò mẫm đi làm lại giấy tờ.

Hành trình đi chuộc giấy

Có một số người lập công ty, mở trang web làm đầu mối trao đổi thông tin, đăng tải thông tin mất giấy tờ cho các khổ chủ và ai nhặt được có thể cung cấp thông tin hoặc chuyển đến những nơi này để trả lại đúng chủ nhân của chúng. Chẳng  hạn như: vanphongdothatlac, timgiayto… Nhiều nạn nhân bị mất giấy tờ không liên lạc với cơ quan chức năng hỏi thủ tục mà đăng thông báo trên báo, dán tờ rơi quanh khu vực bị mất và đăng thông tin trên các trang mạng nói trên. Mặt khác, ngày càng có nhiều người kiếm được tiền từ những người mất giấy.

Tháng 9.2012, anh Phương (ngụ P.2, Q.Tân Bình) trong lúc đi trên đường Cộng Hòa bị hai tên cướp giật chiếc ba lô để phía trước xe. Trong ba lô có laptop, các giấy tờ nhà đất, hợp đồng làm ăn quan trọng và chiếc điện thoại. Ngay sau khi bị giật, anh Phương nhắn tin vào điện thoại bị mất xin chuộc giấy tờ. Qua nhiều lần, gọi điện và nhắn tin thì bên kia ra giá 10 triệu đồng. Sau nhiều lần thỏa thuận, giá giảm xuống còn 5 triệu đồng, địa điểm nhận tại ngã tư An Sương (Q.12) và người kia không quên dặn: “Nhớ đi một mình, không được báo công an, nếu phát hiện ai theo sau thì mày không bao giờ nhận lại được các giấy tờ này nữa”. Đúng hẹn, anh Phương mang tiền tới dưới chân cầu vượt An Sương chờ mãi không thấy ai mang giấy tờ tới. Sau đó, điện thoại anh reo lên: “Ở đó có công an, mày đi lên KCN Tân Tạo đi”. Lên KCN Tân Tạo anh lại bị điều tiếp xuống ngã tư Bình Phước (Q.Thủ Đức). Sau đó, tại một quán cà phê nằm sâu trên QL13 thuộc TX.Thuận An (Bình Dương), anh được 2 thanh niên đeo khẩu trang, đi trên xe Wave mang tới trả và nhận tiền rồi nhanh chóng tẩu thoát. Anh Phương tâm sự: “Mất tiền mất bạc không đau đầu bằng mất giấy tờ, vì bỏ thời gian chờ đợi, thủ tục rắc rồi, phải chung chi mới được cấp lại các giấy tờ đó. Nên không cần suy nghĩ, tôi quyết định đi chuộc mà không dám báo công an. Dù biết bọn nó lưu manh, nhưng không biết làm sao cả, vì không có giấy tờ thì mình mất tất cả”.

Khổ vì mất giấy tờ
Minh họa: DAD

Mới đây, Huỳnh Khắc Tiến (19 tuổi, ở thôn An Long 2, xã Canh Vinh, Vân Canh, Bình Định) vừa bị khởi tố vì đòi tiền chuộc giấy tờ. Cụ thể, sau khi ra trường giáo dưỡng trở về địa phương, Tiến bỏ nhà “đi bụi”. Chiều 13.8.2012, Tiến từ Quy Nhơn về lại Canh Vinh và đêm đó đến bãi đất trống tìm chỗ ngủ. Lúc này, Đ.V.Đ (34 tuổi, ở cùng địa phương) đang đậu ô tô tại đây, thì bị Tiến lấy trộm một số tài sản và các giấy tờ: sổ kiểm định an toàn kỹ thuật xe cơ giới; giấy phép lái xe hạng C mang tên anh Đ., giấy chứng nhận bảo hiểm xe và phiếu cân bán gỗ keo... Sáng hôm sau, Tiến tìm số điện thoại di động của anh Đ. và nhắn tin bảo mang 1,5 triệu đồng đến một nhà nghỉ ở Quy Nhơn chuộc lại giấy tờ. Khi Tiến nhận tiền của anh Đ. thì bị công an bắt quả tang để điều tra về hành vi cưỡng đoạt tài sản.

Tương tự, chiều 8.9.2011, Ừng Quay Lồng (ngụ Định Quán, Đồng Nai) lang thang đến bãi giữ xe của siêu thị Co.op mart ở xa lộ Hà Nội. Tại đây, Lồng dùng kìm, đoản cạy cốp 2 xe gắn máy hiệu Click của khách đến siêu thị để trộm tài sản nhưng chỉ lấy được một số giấy tờ của 2 nạn nhân. Sau đó, Lồng gọi điện thoại cho một trong 2 nạn nhân là chị Thái Vũ Hoàng T. (ngụ Q.Bình Thạnh) đề nghị mang tiền đến khu vực dưới chân cầu Sài Gòn, Q.2 để chuộc lại giấy tờ. Khi Lồng nhận tiền từ chị T. thì bị Công an Q.2 bắt giữ cùng tang vật. Tại cơ quan điều tra, Lồng khai chuyên đến các siêu thị trộm cắp. Riêng giấy tờ, sau khi trộm được, Lồng liên hệ với nạn nhân đề nghị đến một điểm hẹn nào đó cho chuộc lại với giá từ 400.000 - 600.000 đồng/vụ. Khi bị bắt, Lồng khai nhận đã thực hiện hàng chục vụ.

Lê Nga - Công Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.