Khó xử lý người nghiện: 'Vướng' về thẩm quyền đưa người nghiện đi cai

Ngọc Lê
Ngọc Lê
16/05/2020 09:59 GMT+7

Nhiều mâu thuẫn giữa Luật Xử lý vi phạm hành chính và Luật Phòng chống ma túy về quản lý sau cai nghiện, được cho là nguyên nhân của những vướng mắc trong xử lý người nghiện.

Tại buổi giám sát về việc thực hiện Luật Phòng, chống ma túy trên địa bàn TP giai đoạn 2016 - 2019 của Đoàn đại biểu (ĐB) Quốc hội (QH) TP.HCM ngày 14.5, nhiều ý kiến cho rằng cần sớm giải quyết những vướng mắc, mâu thuẫn của luật để dễ dàng xử lý người nghiện trên địa bàn TP.

Luật chồng chéo, mâu thuẫn

Đại tá Đinh Thanh Nhàn, Phó giám đốc Công an TP.HCM nêu ra nhiều mâu thuẫn giữa Luật Xử lý vi phạm hành chính và Luật Phòng chống ma túy về quản lý sau cai nghiện.
Cụ thể, theo quy định về thực hiện cai nghiện đối với người nghiện bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi phạm tội theo khoản 7 điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng chống ma tuý quy định: Người đang cai nghiện ma tuý bắt buộc  tại cơ sở cai nghiện mà phạm tội, nếu thời gian bị phạt tù ít hơn thời gian cai nghiện ma tuý thì sau khi chấp hành xong hình phạt tù phải tiếp tục cai nghiện ma tuý tại cơ sở cai nghiện bắt buộc. Tuy nhiên, theo điều 117 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định về truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi phạm tội được thực hiện trước hoặc trong thời gian chấp hành biện pháp xử lý hành chính thì trường hợp bị toà xử án phạt tù người đó miễn chấp hành phần thời gian còn lại trong quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính. 
Ngoài ra, theo đại tá Nhàn, theo khoản 2 Điều 28 luật Phòng chống ma tuý năm 2000 quy định việc đưa người nghiện ma tuý vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được thực hiện theo quyết định của Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã, TP thuộc tỉnh. Tuy nhiên, theo Điều 105 luật Xử lý vi phạm hành chính quy định thẩm quyền áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện ma tuý bắt buộc thuộc thẩm quyền của TAND cấp huyện.

Người nghiện bỏ trốn vì không ai được phân công giám sát

Đại tá Nhàn cũng nói thêm, có thực trạng người sử dụng nhiều loại ma túy nhưng không thể xác định được tình trạng nghiện do không thuộc nhóm ma túy kiểu dạng tự nhiên (Opiate) hay tổng hợp (ATS). Muốn xác định tình trạng nghiện thì phải giữ người trong thời gian 48 giờ với nhóm Opiate và 72 giờ với nhóm ATS tại cơ sở y tế. Tuy nhiên, không có quy định hay cơ quan nào tạm giữ người sử dụng ma túy trong khoảng thời gian này.
Ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cũng nhấn mạnh: “Ai dám giữ những người này; giữ sao cho đúng pháp luật, trạm y tế làm sao giữ? Bên cạnh đó, việc các địa phương chuyển hồ sơ sang tòa để đưa người nghiện đi cai theo trình tự là tòa tuyên xong thì người nghiện có ba ngày để kháng cáo. Tuy nhiên, thời gian này thì họ trốn luôn. Vì không ai được phân công và giám sát”.
Ông Khiết còn trăn trở vì việc quản lý sau cai nghiện nảy sinh nhiều vấn đề bởi phường xã không nắm được mấy người này. Giấy tờ gửi về địa phương là đã hoàn thành việc cai nghiện nhưng con người thì không thấy.
Theo đại tá Đinh Thanh Nhàn, UBND TP sẽ kiến nghị QH sửa đổi, bổ sung luật Phòng chống ma tuý để thống nhất với luật xử lý vi phạm hành chính.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.