Buổi đối thoại có chủ đề "Tháo gỡ vướng mắc, khơi dòng động lực, tiếp đà 30 năm đổi mới". Tham dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Dân vận T.Ư Trương Thị Mai; Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và khoảng 600 đại biểu gồm lãnh đạo các bộ, ban, ngành T.Ư, lãnh đạo 63 hội nông dân và đại diện nông dân các tỉnh, thành phố, các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện các doanh nghiệp...
Trước khi gieo hạt, phải tính bán cho ai
Nông dân Tăng Xuân Trường (ngụ H.Gia Lộc, Hải Dương) cho rằng, su hào, củ cải phải nhổ bỏ, mía bị đốt bỏ vì giá rẻ mạt; nhiều nông sản ở thủ phủ nông sản Đà Lạt (Lâm Đồng) giá cũng bị xuống thấp là thực tế đáng buồn cho nền nông nghiệp VN. Vừa là người sản xuất, vừa làm thương mại, ông Trường nhận xét, yếu nhất của nền nông nghiệp hiện nay là tổ chức sản xuất. Bản thân ông, nếu bạn hàng đặt 10 tấn cà chua thì có thể lo được nhưng nếu đặt 50 tấn thì không biết mua ở đâu. “Chính phủ đã chỉ đạo ngành nông nghiệp xây dựng 1.500 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao. Đây là hướng đi đúng, nhưng xin hỏi Thủ tướng, chúng ta đã hô hào rồi nhưng đến bao giờ mới thay đổi được?”, ông Trường hỏi.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ, những thành tựu xuất khẩu nông sản đạt 36 tỉ USD trong năm 2017 và từ miền núi đến đồng bằng, nông nghiệp đều có sự tăng trưởng mạnh mẽ, có thể khẳng định chưa bao giờ nông nghiệp có được thành quả lớn như thế. Còn những việc nhỏ lẻ như su hào, củ cải nhổ bỏ vì giá giảm, mía phải đốt đi vì không có nhà máy thu mua chỉ là hiện tượng cục bộ, không phải tình trạng chung của nông nghiệp cả nước. Nhưng ở đâu đó, vào thời điểm nào đó vẫn xuất hiện tình trạng được mùa mất giá nông sản thì chúng ta phải tìm cách khắc phục triệt để.
Thủ tướng khẳng định, năng lực sản xuất của VN hiện đã tốt, vấn đề hiện nay là phải nỗ lực tìm thị trường. Ngay cả cơ quan Chính phủ, Quốc hội, các đoàn công tác ngành đi đâu, ra nước ngoài cũng tìm cách quảng bá, giới thiệu để xúc tiến xuất khẩu rau - củ - quả VN. Nhưng doanh nghiệp (DN), người sản xuất cũng có vai trò quan trọng trong nhiệm vụ này. Đó là khâu sản xuất phải theo tín hiệu của thị trường; phân phối phải đáp ứng được thị hiếu người tiêu dùng và cần quán triệt tinh thần này đến hộ nông dân, đến các hợp tác xã, tổ hợp tác và DN. “Chúng ta cần xây dựng quy hoạch sản xuất theo vùng, để làm sao sản xuất phù hợp với năng lực, điều kiện địa phương chứ không phải làm ào ào. Trước khi gieo hạt xuống phải tính tới việc sản xuất bao nhiêu, bán cho ai”, Thủ tướng khuyến cáo.
Nông dân Đoàn Xuân An (H.Hàm Yên, Tuyên Quang) cho biết trái cam là đặc sản quê hương ông và đang được sản xuất theo hướng hàng hóa, nhưng chưa được đầu tư chế biến, kho bảo quản nên vẫn có tình trạng được mùa rớt giá. Bản thân những người nông dân như ông mong có được những kho lạnh cho hoa quả, nhưng mãi vẫn không có. “Ở những vùng sản xuất hàng hóa lớn như tỉnh tôi, Chính phủ có thể đầu tư và giao cho nông dân cùng nhau quản lý kho này không?”, ông An hỏi.
Được chỉ định trả lời, Bộ trưởng NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết ngay trong tháng 4 này, Bộ NN-PTNT tổ chức đoàn chuyên gia sang Nhật học hỏi kinh nghiệm, tìm hiểu công nghệ làm mát bảo quản rau - quả của Nhật Bản và sẽ mời lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang tham gia để ứng dụng vào thực tế ở những vùng trồng cây ăn quả có múi. Cũng theo ông Cường, VN hiện có 145 nhà máy chế biến sâu về rau - củ - quả nhưng vẫn chưa tương xứng với năng lực sản xuất. Chính phủ và các bộ, ngành luôn tạo điều kiện trong cơ chế, chính sách và khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào chế biến sâu, ngay trong năm 2018 sẽ có thêm 8 nhà máy chế biến rau - củ - quả công suất lớn, hiện đại được đưa vào hoạt động.
Xử lý nghiêm vụ phân bón giả ở Công ty Thuận Phong
|
Giải đáp vế thứ hai trong câu hỏi của ông Thừa, Thủ tướng cho rằng trong bối cảnh hiện nay thì không nên nghĩ nông sản VN lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc khi đây là thị trường truyền thống trong nhiều năm. Nhưng VN vẫn đang tiếp tục nỗ lực mở thêm nhiều thị trường khác.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, các chính sách của ngành nông nghiệp hiện nay hướng đến công tác thông tin tuyên truyền để người tiêu dùng nhận biết; xây dựng các thương hiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại, bên cạnh đó cần hỗ trợ các DN, cơ sở sản xuất truy xuất nguồn gốc nông sản và tăng cường các hoạt động thanh kiểm tra, xử lý hàng giả, hàng kém chất lượng.
Nông dân Nguyễn Văn Thế (Hưng Yên) cho rằng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả đang gây thiệt hại rất lớn về kinh tế cho nông dân khi nỗi năm khiến ngành nông nghiệp mất hơn 2 tỉ USD. Tuy nhiên, công tác quản lý, điều tra, xử lý còn chậm, buông lỏng mà dẫn chứng là Công ty Thuận Phong (Đồng Nai) bị phanh phui sản xuất phân bón giả nhưng đến nay vẫn chưa bị đưa ra truy tố trước pháp luật.
Thủ tướng khẳng định, về vụ việc của Công ty Thuận Phong, Thủ tướng đã giao Ban Chỉ đạo 389 chống buôn lậu quốc gia, trực tiếp là Bộ Công an phải điều tra và xử lý nghiêm minh theo pháp luật và báo cáo Thủ tướng trong tháng 5 tới. “Phát động trong toàn dân, các hộ nông dân và cơ sở làm ăn chính đáng, chân chính phát hiện vấn đề này, phải tiễu trừ, tiêu diệt những cơ sở sản xuất phân bón, vật tư nông nghiệp giả, kém chất lượng làm ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống người nông dân”, Thủ tướng kêu gọi.
Thêm vốn lãi suất thấp cho nông dân
Tại buổi đối thoại, ông Tô Hiến Thành (Bắc Giang) phản ánh: “Sản xuất nông nghiệp ở nước ta vô cùng khó khăn, trong đó cái mà tôi và chắc chắn hầu hết nông dân ngồi đây gặp khó khăn đó là vốn. Để duy trì sản xuất, chúng tôi phải vay vốn ngân hàng (NH) với lãi suất cao, thậm chí phải vay tín dụng đen”. Còn ông Nguyễn Danh Cường (Bắc Ninh) so sánh: “Ở Nhật Bản, Hàn Quốc nông dân được vay vốn với lãi suất rất thấp, chỉ bằng 1/2 lãi suất ở lĩnh vực khác. Trong khi ở VN, nông dân vay vốn của các NH thương mại với lãi suất rất cao, có khi cao hơn cả DN” và nêu câu hỏi với Thủ tướng rằng có thể giảm 50% lãi suất so với lĩnh vực khác cho nông dân?
Nhận chỉ đạo của Thủ tướng trả lời các đại biểu, ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc NHNN, khẳng định sẽ trực tiếp làm việc với các NH thương mại trong tuần tới để giải quyết những vướng mắc mà nông dân đang gặp phải. “Chính phủ luôn xác định nông nghiệp, nông thôn là một trong những lĩnh vực ưu tiên đầu tư vốn, từ đó ban hành, triển khai nhiều chính sách hỗ trợ nhằm hướng dòng vốn tín dụng vào lĩnh vực này. Lãi suất vay ngắn hạn với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn hiện nay là 7%, thấp hơn từ 1 - 2% so với mặt bằng lãi suất chung. Chính phủ cũng đang chỉ đạo sửa đổi Nghị định 55 theo hướng bổ sung một số quy định mới giúp nông dân vay vốn thuận lợi hơn”, ông Tú nói.
Ông Tú khẳng định, Chính phủ không thiếu chính sách và NH cũng không thiếu tiền để cho nông dân vay vốn. Theo ông Tú, tổng dư nợ cho vay tam nông đã đạt hơn 1,3 triệu tỉ đồng, chiếm khoảng 22% tổng dư nợ nền kinh tế. Người dân không tiếp cận được với nguồn vốn NH là vì tính minh bạch thông tin của người dân, nhiều người vay vốn nhưng không sử dụng hiệu quả đồng vốn, hoặc sử dụng sai mục đích. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến nợ xấu, khiến các NH siết chặt quy định cho vay.
Về tài sản thế chấp, Phó thống đốc NHNN cho biết đó không phải điều kiện duy nhất để được cho vay mà phải trên cơ sở quản lý dòng tiền. Nếu các hộ vay vốn chứng minh được dòng tiền, khả năng đồng vốn phát huy hiệu quả thì có thể được cho vay mà không cần thế chấp.
Liên quan đến câu hỏi của nhiều nông dân chưa được cấp sổ đỏ, tài sản ở trang trại, gia trại không được đưa vào làm tài sản thế chấp nên không vay được vốn, Thứ trưởng TN-MT Nguyễn Phương Hoa giải đáp: “Trừ trường hợp đất có quyết định thu hồi thì không được thế chấp, còn lại theo quy định của luật Đất đai, không cấm thế chấp”.
Phát biểu kết luận buổi đối thoại, Thủ tướng lưu ý NHNN, các tổ chức tín dụng và địa phương tạo điều kiện để nông dân, DN có cơ hội tiếp cận nguồn vốn vay, giảm lãi suất cho vay từ 0,5 - 1%, tăng vay vốn không cần thế chấp. “Chính phủ sẽ tiếp tục quan tâm sâu sắc hơn nữa đến nông nghiệp, nông thôn, nông dân, mở thêm các kênh để lắng nghe nhiều hơn ý kiến của người dân, tạo môi trường thuận lợi nhất cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, cũng như tạo điều kiện cho người nông dân phát huy hết khả năng để làm giàu cho bản thân, cho đất nước”, Thủ tướng nói.
|
Lập quỹ BHXH để nông dân có lương hưu
Tôi từng đề xuất hỗ trợ cho nông dân mua BHXH để giảm thiểu tối đa rủi ro, bởi không ai biết trước được rủi ro sẽ ập đến bất cứ lúc nào. Với nguồn lực tài chính hiện nay, Chính phủ nên dành 30% ngân sách quốc gia để lập quỹ BHXH cho nông dân. Tôi cũng kêu gọi bà con hãy tham gia BHXH, và đây là quỹ lương hưu để nông dân có cuộc sống an nhàn hơn khi về già.
Trưởng ban Dân vận T.Ư Trương Thị Mai
Cần 3 trung tâm nông nghiệp công nghệ cao
Chính phủ và các bộ, ngành tiếp tục nghiên cứu, hướng dẫn cụ thể chương trình xây dựng nông thôn mới và tích tụ ruộng đất ở từng xã, phường, thị trấn, thôn, bản gắn với yêu cầu, quy hoạch, kế hoạch chuyển dịch cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng nông nghiệp. Đảm bảo có kết cấu hạ tầng kinh tế, kỹ thuật đồng bộ và có môi trường xanh, sạch, đẹp, văn minh theo phương châm “không ly nông, không ly hương”. Chính phủ đầu tư xây dựng 3 trung tâm nông nghiệp công nghệ cao của quốc gia tại ba miền của đất nước. Các trung tâm này có nhiệm vụ nghiên cứu, bảo tồn gien, thực nghiệm, nhất là việc chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, quy trình trồng trọt và chăn nuôi của nông dân với tầm nhìn xa trong điều kiện VN tham gia Hiệp định CPTPP.
Chủ tịch T.Ư Hội Nông dân VN Thào Xuân Sùng
|
Bình luận (0)