Không được biến Quốc hội thành 'phòng kín' để chia chác quyền lực

27/03/2021 06:08 GMT+7

Trăn trở lớn nhất của các ĐB trong phiên thảo luận này là đảm bảo sự liêm chính, minh bạch của Quốc hội (QH), vì điều này quyết định thành công của QH trong xây dựng thể chế để mọi người tuân theo.

Sáng 26.3, thảo luận về các báo cáo nhiệm kỳ của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu đã dành phần lớn thời gian gửi gắm nhiều tâm tư. Lịch trình làm việc dự kiến trong 1 ngày chỉ kéo dài nửa ngày vì ít đại biểu (ĐB) tham gia, nhưng đó đều là các ý kiến tâm huyết.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng: "Không được biến Quốc hội thành phòng kín để chia chác quyền lực"

Còn sự thiếu liêm chính có chủ ý

Trăn trở lớn nhất của các ĐB trong phiên thảo luận này là đảm bảo sự liêm chính, minh bạch của Quốc hội (QH), vì điều này quyết định thành công của QH trong xây dựng thể chế để mọi người tuân theo.
Đánh giá QH khóa 14 đã làm “tròn vai” trước nhân dân, với những quyết sách và kết quả đã được thể hiện trong các báo cáo tổng kết nhiệm kỳ, ĐB Nguyễn Mai Bộ (An Giang) nêu lên quan ngại về liêm chính trong xây dựng pháp luật. Ông Bộ cho rằng điều này là “tối cần thiết”, vì pháp luật điều chỉnh chung các quan hệ xã hội và thúc đẩy các quan hệ xã hội phát triển lành mạnh, chứ không phải là công cụ để thể hiện lợi ích của một bộ phận nhỏ xã hội, nhất là bộ phận được giao soạn thảo luật. Không có liêm chính sẽ tạo ra những văn bản rất nhiều “khuyết tật”, biến văn bản pháp luật thành công cụ để cơ quan soạn thảo “hoặc là hiện thực hóa lợi ích của bộ, ngành mình, trong đó có những lợi ích xung đột với lợi ích của nhân dân; hoặc là công cụ để tiếm quyền của bộ, ngành khác”...
Mặc dù khẳng định đa số các văn bản được QH thông qua là có liêm chính, đã một phần tạo ra thể chế tốt đẹp để đạt được thành tựu của nhiệm kỳ, nhưng ĐB Nguyễn Mai Bộ vẫn nhấn mạnh, “còn sự thiếu liêm chính, đặc biệt là sự thiếu liêm chính có chủ ý” trong xây dựng pháp luật, dù rất ít. Ông Bộ đề nghị cần có giải pháp để khởi động lại sự liêm chính trong xây dựng luật; đề nghị ĐBQH luôn nghĩ đến sự liêm chính khi cho ý kiến về các dự án luật.
ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) đánh giá việc lập pháp của QH còn tồn tại những vấn đề, ngoài chậm trễ trong chuẩn bị hồ sơ luật, thì vẫn còn tình trạng đề xuất chính sách không phù hợp với đường lối, có dự án luật gây bức xúc trong dư luận, chưa đánh giá hết tác động, không lường hết hậu quả trước mắt và lâu dài. Ông Nhưỡng đơn cử việc đề xuất đưa phạm nhân ra làm việc ở doanh nghiệp; đề xuất bổ sung lực lượng an ninh cơ sở hàng triệu người “mà không tính đến khó khăn chồng chất, tính khả thi của luật, tương quan lực lượng các lĩnh vực và giải pháp chính sách cho lực lượng công an xã hiện nay”.
Ông Nhưỡng đánh giá việc thẩm tra, thẩm định luật còn nhiều sơ hở, một số dự án chất lượng chưa cao, để lọt lưới những chính sách chưa phù hợp; có dấu hiệu của lobby không lành mạnh, lợi ích nhóm trong xây dựng chính sách pháp luật. Bên cạnh đó, năng lực phân tích chính sách của một số ĐB chưa đáp ứng yêu cầu của một chính khách nhà nước, thậm chí còn tình trạng dễ dãi, dĩ hòa vi quý để bấm nút thông qua luật một cách cảm tính, chưa thực sự dành tâm huyết nghiên cứu, thể hiện được quan điểm trách nhiệm xây dựng luật pháp trước nhân dân.

“Cảnh giác tình trạng thâu tóm quyền lực bằng thể chế”

Cho biết đây có thể là lần phát biểu cuối cùng của mình trước QH sau 20 năm tham gia, ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai) nhấn mạnh về tính minh bạch, công khai. Đánh giá cao thành tựu của QH khóa 14, nhưng ông Quốc cũng lưu ý “những đỉnh cao không chỉ ở phía trước, đôi khi những đỉnh cao ở sau lưng mình”.

Đại biểu Dương Trung Quốc phát biểu lần cuối ở Quốc hội

Quốc hội cần công bằng trong phân bổ nguồn lực và trao quyền lực, kiểm soát quyền lực, không được ngủ mê trên quyền lực của nhân dân

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng

Theo ông Quốc, QH khóa 1 được thành lập sau cuộc tổng tuyển cử đầu tiên đã tập hợp những ý chí, giá trị đương đại nhất. Khi đó, QH đã có tập quán quan trọng là để cho dân tiếp cận hoạt động của mình, dành toàn bộ tầng trên cùng của Nhà hát Lớn (địa điểm họp QH) để cho báo chí, người dân có quyền được vào xem. Ngày nay, QH đã có cả tòa nhà hoành tráng, nhưng lại vắng bóng người dân. QH xây dựng hẳn một di sản, nhà truyền thống, một bảo tàng có giá trị, nhưng ngay cả những người trong nghề sử học, một ĐB QH như ông cũng không được đến. “Đương nhiên chúng ta phải đảm bảo an ninh, nhưng không vì thế mà ngăn cản người dân đến quan sát hoạt động của QH được”, ĐB Dương Trung Quốc nói và mong một ngày không xa, người dân được quan sát, theo dõi hoạt động của QH.
Đề cập đến chức năng giám sát của QH trong nhiệm kỳ rất nhiều đại án đã xảy ra, ĐB Quốc đề nghị các ĐB cần nhận thức rằng, mỗi thành công của Chính phủ có vai trò của QH, nhưng mỗi thất bại của Chính phủ cũng có trách nhiệm của QH, để thấy nếu QH sáng suốt, sẽ hạn chế được những thất thoát về tiền bạc, nhân lực.
“Bàn giao” những tâm tư đến QH khóa sau, ĐB Lưu Bình Nhưỡng đề nghị “cảnh giác tình trạng thâu tóm quyền lực bằng thể chế”, làm sao để xây dựng một QH nhân văn, không chỉ là một trung tâm quyền lực mà còn là trung tâm dân chủ và đoàn kết của quốc gia, dân tộc.
“QH cần công bằng trong phân bổ nguồn lực và trao quyền lực, kiểm soát quyền lực, không được ngủ mê trên quyền lực của nhân dân, đặc biệt không được biến QH thành căn phòng kín để gom góp lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân và chia chác quyền lực, chia chác nguồn lực của đất nước”, ĐB Lưu Bình Nhưỡng nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.