Không khí ở Hà Nội ô nhiễm vì đâu?

Lê Quân
Lê Quân
24/09/2019 11:36 GMT+7

Các nguồn phát thải từ hoạt động giao thông, xây dựng, sản xuất, đốt than tổ ong… chưa có dấu hiệu giảm, cộng với hiện tượng nghịch nhiệt liên tục xảy ra, là nguyên nhân chính gây nên tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội.

TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, khuyến cáo trong những ngày chất lượng không khí không tốt, người già, trẻ em nên hạn chế ra đường. Nếu buộc phải ra ngoài, cần có các biện pháp bảo hộ để hạn chế tác hại từ môi trường không khí không được đảm bảo.
Xin ông cho biết chất lượng không khí ở khu vực Hà Nội thời gian gần đây như thế nào? Có thể so sánh mức độ ô nhiễm không khí ở Hà Nội với các thành phố lớn khác trong khu vực và thế giới ra sao?
TS Hoàng Dương Tùng: Trong suốt mùa hè vừa qua, không khí khu vực Hà Nội có nhiều ngày đạt chất lượng tốt. Tuy nhiên, cách đây khoảng 2 - 3 tuần, Hà Nội có đợt ô nhiễm kéo dài. Mấy ngày tuần trước, chất lượng không khí cũng không tốt. 2 ngày cuối tuần vừa qua, Hà Nội có bầu không khí dễ chịu, tuy nhiên, đến đêm 22.9, rạng sáng 23.9 lại xấu… Nhìn chung, chất lượng không khí ở khu vực TP.Hà Nội liên tục có những biến động tốt - xấu xen kẽ trong thời gian gần đây.
Để xếp hạng về mức độ ô nhiễm không khí ở TP.Hà Nội so với các thành phố của các nước trong khu vực hay thế giới, cần có thêm nhiều số liệu, căn cứ, tiêu chí khoa học cụ thể.
Vậy nguyên nhân làm tăng ô nhiễm không khí ở khu vực Hà Nội gần đây là gì?
Tôi cho rằng, nguyên nhân làm tăng ô nhiễm không khí ở khu vực Hà Nội mấy đợt vừa rồi là do hiện tượng nghịch nhiệt, lặng gió, trong khi các nguồn ô nhiễm ở Hà Nội hiện nay từ giao thông, xây dựng, sản xuất, đun than tổ ong, đốt rơm rạ… chưa thấy có dấu hiệu giảm.
Suốt mùa hè, có nhiều gió mạnh, mưa… là điều kiện thuận lợi khuyếch tán những nguồn gây ô nhiễm này. Nhưng gần đây, do thời tiết khí hậu thay đổi chuyển mùa nên có hiện tượng nghịch nhiệt xảy ra. Khi hiện tượng nghịch nhiệt xảy ra, không khí không khuyếch tán lên được, quanh quẩn ở lớp dưới mặt đất, dẫn đến nồng độ bụi PM2.5 không khuyếch tán được, luôn ở mức độ cao trong một giờ của một số ngày.
Không những vậy, qua theo dõi, khu vực Hà Nội thời gian gần đây lại lặng gió khiến bụi PM2.5 càng không khuyếch tán được. Vài ngày gần đây, khi có gió mạnh lên, không còn hiện tượng nghịch nhiệt nữa thì chất lượng không khí tốt hẳn lên.

Ô nhiễm không khí ở TP.Hà Nội

Ảnh Trần Hữu

Tôi được biết, hệ thống quan trắc chất lượng không khí ở khu vực Hà Nội, hiện có một số trạm cố định của Tổng cục Môi trường thuộc Bộ Tài nguyên - Môi trường, Sở Tài nguyên - Môi trường Hà Nội đang cung cấp số liệu quan trắc chất lượng không khí hàng ngày.
Ngoài ra, còn có một số đơn vị có lắp đặt các trạm cảm biến với mục đích cảnh báo. Qua so sánh, kết quả của các trạm quan trắc cảm biến này cũng khá tương đồng với các trạm cố định của các cơ quan quản lý, trạm của Đại sứ quán Mỹ. Tại một số nước khác, các tổ chức khác nhau cũng xây dựng mạng lưới trạm cảm biến như vậy để cảnh báo cho người dân.
Thưa ông, người dân cần làm gì để phòng tránh những tác hại từ ô nhiễm không khí?
Tôi nghĩ, để chủ động phòng tránh không khí chất lượng xấu, người dân cần theo dõi kết quả quan trắc của Tổng cục Môi trường, Sở Tài nguyên - Môi trường Hà Nội. Đồng thời, có thể tham khảo thêm kết quả quan trắc bằng trạm cảm biến của một số tổ chức để chủ động nắm bắt được các thông tin về chất lượng không khí. Nếu nhận thấy chỉ số AQI (Chỉ số chất lượng không khí) ở mức độ cao thì cần hạn chế ra đường, nhất là với người già, trẻ em. Nếu buộc phải ra đường cần phải đeo khẩu trang hoặc áp dụng các biện pháp khác để hạn chế phơi nhiễm bụi mịn PM2.5 trong không khí.
Để nâng cao chất lượng không khí hơn, tôi cho rằng cần phải chủ động chứ không đợi may rủi từ thời tiết tự nhiên mang lại. Cụ thể là phải giảm được các nguồn gây ô nhiễm, đặc biệt là giảm nồng độ bụi PM2.5. Như ở khu vực Hà Nội cần giảm được nguồn gây ô nhiễm từ giao thông (hạn chế phương tiện cá nhân, tăng cường phương tiện giao thông công cộng, kiểm soát chất lượng phương tiện, dùng nhiên liệu sạch, trồng cây xanh…), hạn chế bụi từ công trình xây dựng nhà cao tầng, công trình công cộng…, giảm ô nhiễm từ cơ sở sản xuất phát thải ô nhiễm ra môi trường, giảm đốt than tổ ong, vận động bà con không đốt rơm rạ…
Về tác hại của bụi mịn PM2.5  (là các hạt bụi có kích thước nhỏ hơn 2,5 micromet, bằng khoảng 1/30 sợi tóc con người), khi hít phải sẽ len lỏi sâu vào trong phổi, phế quản, máu… gây ra nguy cơ các bệnh về phổi, máu, mạch… Nguy cơ gây bệnh, thậm chí tử vong từ bụi PM2.5 rất cao.
Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) bụi PM2.5 là nguyên nhân gây tử vong cao nhất trong ô nhiễm môi trường.
Theo thông tin từ UBND TP.Hà Nội, mới đây Hà Nội đồng ý tiếp nhận 18 thiết bị cảm biến quan trắc chất lượng không khí do Cơ quan hợp tác phát triển Đức (GIZ) hỗ trợ lắp đặt trên địa bàn quận Hoàn Kiếm.
UBND TP.Hà Nội giao Sở Tài nguyên - Môi trường là đơn vị đầu mối tiếp tục phối hợp với tổ chức GIZ, UBND Q.Hoàn Kiếm và các đơn vị liên quan hiệu chỉnh dữ liệu 18 thiết bị cảm biến theo các trạm quan trắc cố định của thành phố đảm bảo dữ liệu chính xác; công bố dữ liệu chất lượng không khí của các trạm cảm biến trên trang http://moitruongthudo.vn và các ứng dụng điện thoại thông minh, các bảng thông tin điện tử tại các trụ sở, khu vực công cộng trên địa bàn quận Hoàn Kiếm sau khi các thiết bị đã hoạt động ổn định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.