Không nên đánh thuế theo hạn mức đất

13/11/2009 04:27 GMT+7

Chiều qua, các đại biểu đã thảo luận tại tổ về Dự án Luật Thuế nhà, đất. Vấn đề được tranh luận gay gắt nhất là vấn đề thu thuế theo hạn mức đất và các điều kiện được miễn, giảm thuế nhà đất.

Dự luật đề xuất đánh thuế lũy tiến theo 3 mức: diện tích đất trong hạn mức cho phép (do UBND các tỉnh, thành phố quy định) chịu thuế suất 0,03%, từ trên hạn mức đến gấp 3 lần hạn mức thì phải đóng thuế 0,06%, vượt hạn mức trên 3 lần thì đóng thuế 0,09%.

Nhiều đại biểu cho rằng quy định này sẽ dẫn đến tình trạng thiếu công bằng. ĐB Nguyễn Thị Nguyệt Hường nói: "Ví dụ một lô đất ở Hàng Bông và một lô đất ở Từ Liêm có cùng diện tích 120m2 nhưng giá thì khác nhau, do vậy không thể đánh đồng khi thu thuế theo diện tích đất". Bà Hường khẳng định: "Quy định áp thuế theo diện tích hạn mức như dự luật là không hợp lý vì chưa tính đến vị trí địa lý, lợi thế thương mại làm nên giá trị của lô đất”.

Ý kiến đại biểu

ĐB Nguyễn Thị Kim Tiến (Hà Tĩnh): Cần phân biệt giữa đất ở thành phố và đất ở nông thôn để áp thuế, nhằm giảm gánh nặng cho nông dân.

ĐB Nguyễn Thị Tuyến (Hà Nội): Về trường hợp một người sở hữu nhiều đất ở nhiều địa phương, tôi không đồng tình với phương pháp tính cộng dồn. Công dân ở Hà Nội sở hữu đất ở Hà Nội, Hòa Bình, Bắc Ninh, nếu cộng dồn thì tính theo giá đất ở tỉnh nào? Do đó, tốt nhất là tính thuế trên từng mảnh đất.

ĐB Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) cũng bày tỏ: “Việc lấy diện tích để đánh thuế đó là tư duy của một cơ chế bao cấp. Diện tích đất không phải là định mức để đóng thuế mà là phải dựa vào giá trị”. Ông Lịch cho rằng cách đặt vấn đề như dự luật sẽ không thể giúp chống đầu cơ đất, kéo giá nhà đất xuống được và như vậy thì còn lâu chính sách nhà ở xã hội mới thực hiện được. Ông Lịch cũng đề nghị miếng đất người mua nhưng không sử dụng thì phải đóng 10 - 20% thuế.

Về thuế đối với nhà, ĐB Trần Du Lịch cho rằng: “Mỗi gia đình có một căn thì không nên thu thuế, từ cái thứ hai thì phải đóng thuế theo lũy tiến giá trị”. ĐB Vũ Hồng Anh, đoàn Hà Nội cũng cho rằng nếu áp thuế như dự luật thì không thể chống đầu cơ vì: “Thuế suất Chính phủ đưa ra trong dự luật quá thấp. Tôi đề nghị nâng mức thuế lên nhằm chống đầu cơ”.

ĐB Nguyễn Ngọc Hòa (TP.HCM) đề nghị, luật phải phân ra nhiều mức thuế và phải có sự phân biệt giữa đất sử dụng và đất đầu cơ.

Nhiều kẽ hở của luật

Các đại biểu cũng đồng thời chỉ ra nhiều điểm sơ hở trong dự thảo luật liên quan đến điều kiện miễn, giảm thuế. ĐB Nguyễn Hồng Sơn (Hà Nội) cho rằng, điều 3 của dự luật quy định từ đường, nhà công vụ thuộc diện không phải đóng thuế. Nhưng vấn đề đặt ra là cần định nghĩa thế nào là từ đường, thế nào là nhà công vụ? Doanh nghiệp tư nhân có được làm nhà công vụ không? Nếu được, trụ sở doanh nghiệp tư nhân có thể sẽ biến thành nhà công vụ hết.

Ông Sơn phân tích tiếp: "Với định mức quy định, nhà dưới 500 triệu đồng không phải chịu thuế thì nhiều nhà sẽ thành 499 triệu hết, vì giá xây dựng khoảng 4 triệu/m2, căn nhà 100m2 chỉ 400 triệu đồng; còn cái giá 2 tỉ, 3 tỉ đồng là do lợi thế kinh doanh, vị trí của khu nhà nó tạo nên. Vì vậy, nếu quy định cứng theo định mức giá tiền như thế rất dễ bị lách luật, thất thu. Ngay cả nhà ở phố cũng sẽ không thu được bao nhiêu thuế". Ông Sơn đề nghị tạm thời không đưa nhà vào đối tượng thu thuế.

ĐB Đặng Như Lợi, Cà Mau cho rằng nhiều điều trong luật còn quy định chung chung, thiếu thực tế. Ông Lợi phân tích: "Trong luật cũng ghi đất của cơ sở xã hội hóa nằm trong diện được miễn giảm, nhưng cụ thể xã hội hóa là cái gì? Chịu, không thể biết được. Rồi đất ở của người hoạt động cách mạng trước 19.8.1945, bây giờ những người thuộc đối tượng như thế này đã mất gần hết rồi còn đâu. Rồi quy định đất của thương binh, bà mẹ Việt Nam anh hùng nằm trong diện miễn thuế, nhưng nhiều người thuộc đối tượng trên không phải là chủ hộ của lô đất? Chính sách thì đẹp, nhưng không thực tế".           

QH giám sát về chất lượng đào tạo đại học

Hôm qua 12.11, QH cũng đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình hoạt động giám sát năm 2010. Theo đó, năm 2010, QH sẽ thực hiện giám sát hai chuyên đề: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thành lập trường, đầu tư và bảo đảm chất lượng đào tạo đối với giáo dục đại học (tại kỳ họp thứ bảy) và việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực liên quan trực tiếp đến công dân và doanh nghiệp theo chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2010 (tại kỳ họp thứ tám).

Ngăn chặn trục lợi khi nhận nuôi con nuôi

Thảo luận tại hội trường về dự luật nuôi con nuôi sáng ngày hôm qua 12.11, các ĐB QH quan tâm đến quy định về độ tuổi để được làm con nuôi. ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) đồng tình với dự luật quy định trẻ em được nhận làm con nuôi là người từ 15 tuổi trở xuống. Nhưng ĐB Ngô Thị Doãn Thanh (Hà Nội) lại cho rằng, nếu quy định trẻ em được nhận làm con nuôi là người từ 15 tuổi trở xuống sẽ không phù hợp với quy định của Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, hơn nữa sẽ hạn chế số lượng trẻ em được nhận làm con nuôi. ĐB Thanh đề nghị, luật nên quy định người được nhận làm con nuôi là người từ 16 tuổi trở xuống.

ĐB Nguyễn Minh Hà (Hà Nội) cho biết, trên thực tế có nhiều trường hợp khi chưa sinh được con thì nhận con nuôi nhưng sau khi sinh được rồi thì lại ruồng bỏ con nuôi. “Luật phải có quy định để khắc phục tình trạng này”, ĐB Hà góp ý. ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) bổ sung: “Luật cần có quy định để ngăn chặn việc nhận con nuôi là con thương binh, gia đình liệt sĩ để trục lợi”.

X.Toàn

Xuân Toàn - Káp Long

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.