Không nên quy định cứng về đặt tên con

31/10/2014 15:59 GMT+7

(TNO) “Nếu quy định quá cứng sẽ ảnh hưởng đến quyền người dân vì bộ luật Dân sự quy định việc đặt tên là do bố mẹ hoặc cá nhân tự chọn”, ông Nguyễn Công Khanh, Cục trưởng Cục Quốc tịch, hộ tịch và chứng thực, Bộ Tư pháp nêu quan điểm về việc đặt tên con .

>> Có cần thiết phải luật hóa việc đặt tên con

Liên quan đến đề xuất đưa quy định về nguyên tắc đặt tên và xác định họ cho con phù hợp với văn hóa Việt Nam, tránh những cái tên xấu, quá dài, không thuần Việt vào dự luật Hộ tịch, ông Nguyễn Công Khanh cho biết: “Trong luật Hộ tịch không thể quy định về mặt nội dung vì trong bộ luật Dân sự đã quy định rõ các trường hợp đặt tên phạm húy, ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục hay mang tính chất xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác…”.

nguyen-cong-khanh
Ông Nguyễn Công Khanh cho rằng không nên quy định cứng về đặt tên con - Ảnh: Thái Sơn

Ông Khanh cho rằng trên thực tế, nếu để đặt tên tự do như hiện nay thì công tác hộ tịch sẽ có những khó khăn nhất định. Chẳng hạn, trong văn bản hướng dẫn thi hành luật Hộ tịch có quy định rằng những người nước ngoài khi nhập quốc tịch Việt Nam hoặc quay trở về quốc tịch Việt Nam thì phải lấy tên Việt Nam. Còn thế nào là tên gọi Việt Nam thì vẫn chưa có một văn bản pháp luật nào hướng dẫn. Mặt khác, tên gọi của một số dân tộc cũng khá phức tạp, tên chỉ có 2 chữ, hoặc vừa là tên vừa là họ, phân biệt rất khó. Tuy nhiên, khó khăn này sẽ được khắc phục không phải theo cách quy định vào trong luật.

“Nếu chúng ta đưa một quy định cứng về đặt tên con sẽ ảnh hưởng đến quyền người dân vì bộ luật Dân sự quy định việc đặt tên là do bố mẹ hoặc cá nhân tự chọn”, ông Khanh nói.

Cũng theo ông Khanh, một số người do nhận thức hạn chế nhất thời đã đặt tên không hay cho con nhưng sau đó muốn thay đổi lại tên cũng rất đơn giản, bởi Nghị định 158 về đăng ký và quản lý hộ tịch đã quy định rõ.

Ông Phan Trọng Khang, nguyên Phó Chánh án TAND tỉnh Yên Bái cho biết trong quá trình công tác đã xét xử nhiều trường hợp người dân tộc có tên gọi khá lạ nhưng không gây bất cứ khó khăn gì cho cán bộ tòa án. “Quan điểm của tôi là phải để việc đặt tên con theo văn hóa, sở thích hay quan niệm của người dân, chứ không nên tuân theo một quy định tắc”, ông Khang nói.

Cùng quan điểm, luật sư Trương Anh Tú (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho hay: “Trong dòng họ tôi trước đây, tên con cháu phải do ông bà nội đặt, nhưng bây giờ là do bố mẹ đặt, ông bà không còn can thiệp. Nói như vậy để thấy truyền thống gia phong cũng phải thay đổi cho phù hợp với tự do. Vậy can cớ gì luật lại can thiệp cả vào tên của con người, nếu như vậy là quá “thô bạo”.

Thái Sơn

>> Bị bắt vì đặt tên con lừa theo tên tướng quân đội
>> Bán quyền đặt tên con

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.