Tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ về tăng cường quản lý, bảo vệ rừng và các giải pháp thực hiện trong thời gian tới diễn ra sáng 14.10, câu chuyện đánh đổi đất rừng để phát triển kinh tế đã được thảo luận sôi nổi.
"Như phát triển du lịch, có phá rừng ven biển, vậy chủ trương, giải pháp làm sao? Rồi việc ngừng chuyển mục đích rừng tự nhiên sang các mục đích khác tác động thế nào đến phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương?", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gợi ý trong phát biểu khai mạc để các bộ, ngành và địa phương thảo luận.
5 năm, chuyển đổi 38.200 ha rừng làm 1.900 dự án
Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, giai đoạn 2012 - 2017 đã có hơn 38.200 ha rừng được chuyển đổi để thực hiện gần 1.900 dự án tại 58 địa phương. Trong đó, rừng tự nhiên gần 19.000 ha, chiếm 89% diện tích rừng bị suy giảm trong cả nước thời kỳ này. Điều này đã đem lại những hiệu quả kinh tế nhất định nhưng cũng gây nên hệ quả lớn trong mất cân bằng sinh thái, đa dạng sinh học, là tác nhân gây nên lũ lụt lớn, sạt lở, hạn hán…
Tuy nhiên, từ nay đến năm 2020, vẫn có 30 địa phương tiếp tục đề xuất chuyển đổi thêm trên 60.000 ha để thực hiện hơn 1.070 dự án khác. Trước tình hình đó, Bộ NN-PTNT đề nghị Chính phủ tạm dừng chuyển đổi rừng tự nhiên nghèo sang phát triển kinh tế như làm thủy điện nhỏ và trồng cây công nghiệp, không chuyển đổi mục đích sử dụng rừng ven biển…
Thế nhưng, nhiều địa phương đã bày tỏ sự không đồng tình. Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải cho rằng chủ trương này nếu được thực hiện thì tỉnh rất khó khăn trong phát triển kinh tế. “Hiện các doanh nghiệp đề xuất nhiều dự án ven biển như điện gió, du lịch nhưng cần chuyển đổi đất rừng. Rừng ven biển là để phòng hộ, chống sạt lở, vậy nếu nhà đầu tư bỏ tiền ra làm kè biển, trồng lại diện tích tương ứng thì kiến nghị Chính phủ cho chuyển đổi để phát triển kinh tế", ông Hải nói. Vẫn theo vị này, một khi cấm chuyển đổi rừng ngập mặn thì doanh nghiệp không thể tích tụ đất đai để nuôi tôm trên diện rộng. Tương tự, ông Nguyễn Hữu Hoài, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, cho hay tỉnh sẽ không có đất để phát triển ngành kinh tế mũi nhọn du lịch.
Kiểm soát chặt các dự án chuyển mục đích đất rừng
Bộ trưởng NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường thừa nhận, để tạm dừng chuyển đổi rừng tự nhiên nghèo sang phát triển kinh tế như làm thủy điện nhỏ và trồng cây công nghiệp, không chuyển đổi mục đích sử dụng rừng ven biển…, thì buộc phải "chấp nhận áp lực rất cao từ những tỉnh không được triển khai dự án". Song, để phát triển bền vững, Bộ NN-PTNT vẫn bảo lưu quan điểm trên và kiến nghị Thủ tướng chấp thuận.
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng không nên quá cực đoan vì bảo vệ rừng mà không làm kinh tế. "Quan trọng là kiểm soát chặt trên nguyên tắc phải bảo vệ rừng, ví dụ làm giảm chỗ này thì phải trồng bù chỗ khác", Phó thủ tướng bày tỏ.
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh cần tiếp tục thực hiện đóng cửa rừng, không khai thác gỗ tự nhiên, kiểm soát chặt các dự án chuyển mục đích đất rừng.
"Phải tạm dừng chuyển đổi rừng tự nhiên làm dự án thủy điện nhỏ. Những nơi có thể làm thủy điện lớn, hiệu quả thì đã làm hết. Thủy điện nhỏ đóng góp không bao nhiêu nhưng phá rừng ghê gớm. Trừ trường hợp quá đặc biệt, hiệu quả kinh tế quá đặc biệt thì báo cáo Chính phủ xem xét quyết định từng trường hợp cụ thể", Thủ tướng nói, đồng thời cũng lưu ý tránh tình trạng khi trình bày làm thủy điện thì hay nhưng lúc làm chẳng được như vậy, cho nên nhiều địa phương rất phản đối, nhất là ở Tây nguyên.
Đối với rừng ven biển, Thủ tướng thừa nhận phát triển du lịch với địa phương là cần nhưng khi chuyển mục đích phải xem xét kỹ. "Không phải làm sân golf rồi phá hết rừng. Chuyển bao nhiêu phải xem kỹ, chính quyền tính toán, rồi để người dân xem nữa mới trình lên trên. Chúng ta không cực đoan nhưng nếu không quản lý tốt thì mất hết rừng", Thủ tướng nói.
Nhắc lại câu chuyện bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng), Thủ tướng cho rằng đó là lá phổi mà tàn phá thế thì không thể chấp nhận được, phải thanh tra xử lý nghiêm. "Thủ đô các nước thì rừng trong phố còn chúng ta là đô thị nén, toàn nhà là nhà. Không phải vô cớ mà người Pháp xưa đã quy hoạch khu Ba Đình giữa một rừng cây", Thủ tướng chia sẻ.
tin liên quan
Nhiều dự án thủy điện chây ì trồng rừng thay thếNgày 27.9, ông Phạm Ngọc Dũng, Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm kiêm Giám đốc Quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Thừa Thiên-Huế, cho biết đến thời điểm hiện tại, 3 dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh đang nợ đến 650 ha rừng phải trồng thay thế theo quy định của pháp luật.
Bình luận (0)