Không tán thành lập Quỹ phòng, chống tác hại thuốc lá

10/11/2011 00:05 GMT+7

Thảo luận tại tổ chiều 9.11, nhiều ĐBQH không tán thành quy định về việc thành lập Quỹ phòng, chống tác hại thuốc lá vì cho rằng không thể cứ một luật ra đời lại lập thêm một quỹ.

Thiếu quy định phòng ngừa lẫn chế tài xử phạt

ĐB Lê Thanh Vân (Hải Phòng) nói, chúng ta đặt mục tiêu phòng và chống tác hại của thuốc lá nhưng những quy định của dự luật lại thiếu hẳn phần phòng, chống cũng chưa đủ mạnh. Ông Vân đơn cử, muốn phòng và chống tác hại thuốc lá phải kiểm soát được cả nguồn cung cấp ngay từ khâu quy hoạch vùng, nguyên liệu phục vụ cho sản xuất thuốc lá nhưng luật chưa đề cập đến vấn đề này, các quy định không toát ra được mục tiêu ngăn chặn, đẩy lùi tiến tới triệt tiêu nguồn cung.

ĐB Trịnh Xuyên (Thanh Hóa) đồng tình với nhận xét trên và bổ sung: "Luật phải coi hạn chế phòng ngừa là chính nhưng lại chưa có chế tài đủ mạnh để triển khai các giải pháp phòng ngừa đấu tranh xử lý tác hại thuốc lá. “Nếu thông qua luật với nội dung thế này thì tính khả thi và tác dụng trong đời sống thực tế sẽ rất ít”.

Từ nhận định trên, nhiều ĐB cho rằng không nên thành lập Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá như đề xuất của cơ quan soạn thảo.

Hạn chế tiêu tiền mặt mới chống được rửa tiền

Thảo luận tổ về dự luật Phòng, chống rửa tiền vào buổi chiều cùng ngày, có 3 vấn đề cơ bản được các ĐBQH tập trung “mổ xẻ” và bày tỏ quan điểm. Đó là không nên gộp nội dung phòng chống rửa tiền với tài trợ khủng bố vào một dự luật; hoạt động rửa tiền sẽ “không có đất” khi chúng ta thực hiện tất cả các giao dịch qua tài khoản thay vì sử dụng tiền mặt phổ biến như hiện nay; và không nên giao Ngân hàng Nhà nước làm cơ quan chịu trách nhiệm chống hoạt động rửa tiền, tài trợ khủng bố.

ĐB Lê Minh Thông (Thanh Hóa) cho rằng các quy định của dự luật Phòng, chống rửa tiền còn sơ sài, phòng chưa rõ mà chống cũng yếu. “Toàn những quy định về nghiệp vụ ngân hàng chứ chưa nói phòng, mà phòng là phải loại bỏ những nguyên nhân người ta có thể rửa tiền. Chừng nào chúng ta hạn chế được tối đa tiêu tiền mặt thì chừng đó mới có cơ hội kiểm soát được hành vi này”, ĐB Thông nhấn mạnh.

ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM) bổ sung, hoạt động rửa tiền ở Việt Nam chủ yếu không phải qua hệ thống ngân hàng như các nước mà có thể qua buôn bán chứng khoán, bất động sản, thành lập công ty, kể cả thua lỗ, để ngụy trang cho hoạt động phạm pháp của mình. "Vì vậy, không nên giao nhiệm vụ phòng, chống rửa tiền cho Ngân hàng Nhà nước" - ĐB Đương đề xuất.

Đồng tình với ý kiến trên, ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) cho rằng ông rất phân vân khi dự luật quy định giao nhiệm vụ phòng, chống rửa tiền cho Ngân hàng Nhà nước.

Bảo Cầm - Tuệ Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.