Không tăng giá điện trong năm nay

Chí Hiếu
Chí Hiếu
03/06/2018 07:25 GMT+7

Mở đầu buổi họp báo Chính phủ chiều 2.6, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã thông tin một số nét chính tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5.2018 do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, diễn ra trước đó.

Phải chấn chỉnh kịp thời VFF
Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong phiên họp
Chính phủ thường kỳ tháng 5 vào hôm qua 2.6. Thủ tướng yêu cầu không để Liên đoàn Bóng đá VN (VFF) kéo dài tình trạng như thời gian vừa qua. Ông nhấn mạnh: “Tôi chính thức yêu cầu Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Ngọc Thiện phải có sự chỉ đạo quyết liệt, nhằm chấn chỉnh kịp thời VFF để VFF tốt hơn lên, đem lại màu sắc mới cho bóng đá VN. Tình trạng như vậy mà cứ kéo dài sẽ không tốt. Phải xử lý các sai phạm nếu có. Và phải tổ chức lại một cách căn bản VFF”.     
Lan Phương
Tại phiên họp, Chính phủ cho rằng kinh tế xã hội nước ta tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2018 tiếp tục chuyển biến tích cực trên nhiều lĩnh vực. Trong đó chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,7% (cùng kỳ tăng 6,6%). Ngành chế biến, chế tạo tiếp tục tăng trưởng cao 11,8%. Sức mua trong nước cải thiện mạnh mẽ, tiêu dùng nội địa tích cực. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 5 tháng đầu năm 2018 tiếp tục đạt khá, tăng 10,1% so với cùng kỳ. Xuất khẩu tiếp tục tăng mạnh (ước đạt 93,1 tỉ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ). Cả nước xuất siêu khoảng 3,4 tỉ USD…
Cùng với đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tăng khá, đạt 6,75 tỉ USD, tăng 9,8% so với cùng kỳ. Góp vốn và mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 2,75 tỉ USD, tăng 53,5% so với cùng kỳ. Khu vực kinh tế tư nhân phát triển tích cực khi 5 tháng có gần 53.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký bổ sung khoảng 1,4 triệu tỉ đồng. Đặc biệt, khách du lịch đạt trên 6,71 triệu lượt trong 5 tháng, tăng 27,6% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, theo ông Mai Tiến Dũng, Chính phủ cũng nhìn nhận tình hình kinh tế xã hội vẫn còn hạn chế, yếu kém cần tập trung giải quyết. Đó là chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng cao nhất trong 6 năm trở lại đây: 3,86% so với cùng kỳ năm trước. Tình hình sản xuất nông nghiệp vẫn gặp khó khăn, hàng hóa chủ yếu xuất khẩu tiểu ngạch có rất nhiều rủi ro. Mặc dù sản xuất ngành công nghiệp đạt mức cao, nhưng ngành chế biến, chế tạo có xu hướng tăng chậm lại. Cùng với đó là việc giải ngân vốn đầu tư công còn chậm (5 tháng mới đạt 28,7% kế hoạch). Việc thu hút đầu tư nước ngoài đang gặp khó khăn, thách thức lớn. Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký và tăng thêm giảm 30,8% so với cùng kỳ. Tình hình sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn khi 5 tháng có trên 5.500 doanh nghiệp giải thể, tăng 18,1% và gần 33.400 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, tăng 3,9%. Vấn đề cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cắt giảm 50% thủ tục hành chính và điều kiện đầu tư kinh doanh chưa được triển khai triệt để, nhiều bộ, ngành chưa quyết liệt.
Kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục chủ động theo dõi, bám sát diễn biến tình hình trong nước, khu vực và quốc tế để có những phản ứng chính sách kịp thời; tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra. Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu các giải pháp điều hành để mục tiêu lạm phát dưới 4% phải được quán triệt ở mọi cấp, mọi ngành, mọi địa phương. Thủ tướng yêu cầu tinh thần là không tăng giá điện trong năm nay; chỉ điều chỉnh giá dịch vụ giáo dục, y tế nếu điều kiện cho phép, thời điểm phù hợp. Cùng với đó, điều tiết lượng cung tiền và chính sách tài khóa phù hợp, không để gây sức ép tăng giá lớn.
Yêu cầu Ninh Bình báo cáo dự án đội vốn 36 lần
Tại buổi họp báo chiều cùng ngày, trả lời về việc Bộ KH-ĐT nhìn nhận như thế nào về dự án nạo vét sông Sào Khê tăng vốn 36 lần từ 72 tỉ lên 2.600 tỉ, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Lê Quang Mạnh cho rằng trong quá trình triển khai các dự án đầu tư, đặc biệt là những dự án kéo dài thời gian thực hiện thì cũng bị tăng tổng vốn đầu tư. Đối với dự án này, theo ông Mạnh, nguyên nhân là do thay đổi về mục tiêu, nhiệm vụ cũng như quy mô của dự án và trong quá trình thực hiện kéo dài rất lâu thì đã có rất nhiều đoàn thanh kiểm tra như thanh tra Bộ Tài chính (2005), Thanh tra Chính phủ (2012), Kiểm toán Nhà nước (2017). “Bộ KH-ĐT được giao là cơ quan đầu mối, chúng tôi đã yêu cầu lãnh đạo tỉnh Ninh Bình có báo cáo chi tiết về quá trình triển khai dự án này cũng như quá trình thực hiện. Trên cơ sở báo cáo chi tiết đó, chúng tôi xem xét có cần thiết phải thanh tra, kiểm tra một cách cụ thể, chi tiết hay không để có kiến nghị phù hợp”, ông Mạnh nói.
Thủ tướng yêu cầu không gọi là “trạm thu giá”
Trong khi đó, Cổng thông tin Chính phủ cho biết, về vấn đề dư luận quan tâm hiện nay là tên gọi trạm BOT, báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết phí giao thông BOT cũng tương tự như học phí và viện phí. Trong đó, viện phí dù đã được điều chỉnh để tiếp cận giá thị trường nhưng vẫn có tên gọi như vậy nên không việc gì phải đổi tên để tạo tâm lý không tốt trong người dân. Về vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ GTVT tiếp thu ý kiến của các cơ quan chức năng và nhân dân, tiếp tục nghiên cứu thêm tên gọi cho trạm thu phí giao thông BOT cho phù hợp, nhưng không sử dụng tên “trạm thu giá”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.