Quan điểm của một số đại biểu trong hội thảo góp ý dự án luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) là tịch thu sung quỹ nhà nước đối với tài sản không rõ nguồn gốc.
Sung quỹ Nhà nước tài sản tham nhũng không rõ nguồn gốcNgày 20.9, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.HCM tổ chức hội thảo góp ý dự án luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).
Dự thảo luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) gồm 9 chương, 96 điều, đã mở rộng phạm vi áp dụng một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng đối với công ty đại chúng, tổ chức tín dụng và tổ chức xã hội do Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh thành lập hoặc phê duyệt điều lệ có huy động đóng góp của nhân dân để hoạt động từ thiện.
Góp ý cho dự thảo luật, các đại biểu ở TP.HCM cho rằng, việc mở rộng phạm vi áp dụng một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng ra khu vực ngoài Nhà nước là cần thiết, vì thực tế, tình hình tham nhũng ở khu vực ngoài Nhà nước đã và đang xuất hiện, làm ảnh hưởng bất lợi đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, hoạt động bình thường của các cơ quan Nhà nước và hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng.
Theo ông Vũ Thanh Bình, Phó trưởng phòng kiểm tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo - Cục Thi hành án dân sự TP.HCM, báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung hành vi tham nhũng, hạch sách, lạm quyền thông qua việc “chạy” chức, “chạy” quyền và các loại “chạy” án, “chạy” tội, “chạy” tuổi, “chạy” quy hoạch… là phù hợp với thực tế.
“Các loại “chạy” này phải được xử lý, không thể chỉ trông chờ vào văn hóa từ chức ở Việt Nam, bởi đã đổ tiền vào “chạy” chức rồi, thì làm sao có chuyện từ chức”, ông Bình nói.
Về vấn đề xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được hợp lý về nguồn gốc, ông Bình nhìn nhận tài sản không chứng minh được nguồn gốc thì theo nguyên tắc bộ luật Hình sự, phải sung công quỹ Nhà nước. “Làm được điều này chắc chắn dân đồng tình. Các nước tiên tiến đều làm vậy”, ông Bình nhấn mạnh.
Công khai tài sản cán bộ, công chức lên mạng
Về nội dung công khai, minh bạch tài sản cán bộ, công chức, ông Lê Minh Đức, Phó ban pháp chế Đoàn ĐBQH TP cho biết các quy định tại mục 1 chương 2 của dự thảo cơ bản ổn nhưng công khai tài sản như thế nào để người dân giám sát được vẫn là điều nhiều cử tri quan tâm.
Ông Đức đề xuất, hiện nay chỉ là công khai, giám sát nội bộ tại mỗi cơ quan. "Nên công khai tài sản cán bộ lên mạng để người dân giám sát", ông Đức nói.
Đồng tình với ý kiến trên, Phó giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM Đỗ Văn Đạo cho rằng: “Tất cả công chức, viên chức phải công khai tài sản lên mạng. Tất cả cơ quan đều có website, vậy tại sao ta không công khai tài sản trên trang web đó để người dân, ai quan tâm có thể vào xem, giám sát (!?)”.
Tại hội thảo, nhiều đại biểu đặt vấn đề tại sao người dân cầm giấy hẹn lên lấy sổ đỏ, sổ hồng nhưng bị hẹn lên hẹn xuống vì thiếu thủ tục, bổ sung giấy tờ đủ thứ nhưng khi ra ngoài trụ sở cơ quan chức năng, một bà giữ xe có thể cầm giấy hẹn vào là lấy được ngay tức khắc.
“Tham nhũng vặt là muôn hình vạn trạng, thường trực từ sáng đến chiều. Bộ phận cán bộ bên trong biết một số đối tượng vào bấm số thứ tự là làm "cò" nhưng vẫn để họ ngang nhiên hoạt động”, ông Lê Minh Đức, Phó ban pháp chế Đoàn ĐBQH TP.HCM bức xúc.
|
Bình luận (0)