‘Không thể để doanh nghiệp huy động nhà nước đi cưỡng chế’

21/11/2015 06:30 GMT+7

Ngày 20.11, thảo luận tại hội trường về việc chấm dứt thí điểm chế định thừa phát lại để mở rộng trên phạm vi cả nước, nhiều đại biểu đề nghị cân nhắc chức năng thi hành án, trong đó có việc cưỡng chế.

Ngày 20.11, thảo luận tại hội trường về việc chấm dứt thí điểm chế định thừa phát lại để mở rộng trên phạm vi cả nước, nhiều đại biểu đề nghị cân nhắc chức năng thi hành án, trong đó có việc cưỡng chế. 

Đại biểu Huỳnh Thành Lập phát biểu tại hội trường - Ảnh: Ngọc ThắngĐại biểu Huỳnh Thành Lập phát biểu tại hội trường - Ảnh: Ngọc Thắng
Người bị cưỡng chế nhảy lầu, thừa phát lại có chịu ?
Đại biểu (ĐB) Huỳnh Thành Lập (TP.HCM) cho rằng tới đây chế định thừa phát lại (TPL) chỉ nên tập trung vào 3 lĩnh vực tống đạt, lập vi bằng và xác minh điều kiện thi hành án (THA) dân sự, không nên quy định thẩm quyền TPL trong việc áp dụng biện pháp cưỡng chế THA dân sự có huy động lực lượng. Tờ trình của Chính phủ cho biết khi thực hiện công việc THA dân sự có cưỡng chế thì TPL phải xin ý kiến Trưởng ban Chỉ đạo THA dân sự cấp huyện, nhưng ĐB Lập cho rằng vẫn không hợp lý: “Nếu văn phòng TPL, một chế định dưới hình thức công ty, huy động lực lượng chuyên chính để phong tỏa, khấu trừ tài khoản thu nhập của người phải THA là không phù hợp. Nếu cưỡng chế giao nhà, người bị cưỡng chế nhảy lầu, tự thiêu, ai chịu trách nhiệm? Trưởng ban Chỉ đạo THA dân sự cấp huyện hay Cục trưởng Cục THA dân sự, hay Trưởng văn phòng TPL với hình thức hoạt động là một công ty doanh nghiệp”, ĐB Lập đặt vấn đề.

Nếu văn phòng TPL, một chế định dưới hình thức công ty, huy động lực lượng chuyên chính để phong tỏa, khấu trừ tài khoản thu nhập của người phải THA là không phù hợp. Nếu cưỡng chế giao nhà, người bị cưỡng chế nhảy lầu, tự thiêu, ai chịu trách nhiệm?
Trưởng ban Chỉ đạo THA dân sự cấp huyện hay Cục trưởng Cục THA dân sự, hay Trưởng văn phòng TPL với hình thức hoạt động là một công ty doanh nghiệp

ĐB Huỳnh Thành Lập
ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cũng cho rằng có thể giao cho TPL đến thương lượng và giải quyết tự nguyện để THA, nhưng việc cưỡng chế là không được. “Cơ quan nhà nước làm tổ chức cưỡng chế huy động lực lượng bao lần còn không được, huống chi một ông tư nhân làm chuyện đó thì càng không được”, ĐB Thuyền nói gay gắt.
Trong khi đó, ĐB Trần Du Lịch đề xuất: “Vẫn để TPL tham gia việc THA dân sự nhưng ở mức độ phù hợp”. “Có nhiều vụ THA có thể đi đến cưỡng chế nhưng nếu TPL tham gia, họ xác minh anh có điều kiện, thuyết phục đôi bên, có thể đi tới việc thi hành không cần cưỡng chế, tức tham gia ở vai trò hòa giải”, ông Lịch phân tích.
“Dân làm được thì nhà nước không nên làm”
Tại phiên thảo luận, nhiều ĐB cho rằng việc tiếp tục triển khai chế định TPL là điều cần thiết nhưng không nên duy trì việc Chính phủ cấp tiền để thực hiện. Theo ĐB Nguyễn Bá Thuyền, hiện cả nước đang thí điểm TPL ở 13 tỉnh thành, trong đó chi phí tống đạt quyết định hết 69 tỉ đồng. “Tôi đồng ý tiếp tục làm nhưng phải dừng việc nhà nước cấp tiền”, ĐB Thuyền nói, dù trước đó ông đặt ra hàng loạt câu hỏi: Nếu nhà nước cắt tiền thì TPL lấy tiền đâu ra? Lấy tiền dân có được không và liệu TPL có tồn tại không...
ĐB Phạm Văn Hà (Nghệ An) cho biết trước đây khi chưa có chế định TPL thì việc tống đạt các giấy tờ của tòa án chủ yếu qua đường bưu điện với chi phí 10.000 - 20.000 đồng/trường hợp; còn theo dịch vụ TPL lên tới 150.000 đồng/trường hợp. “Vì có thí điểm nên có tiền nhà nước chuyển về mới làm như thế. Tôi tin chắc rằng hết thí điểm, không có tiền thì tòa lấy đâu mà thuê, rõ ràng phải tính toán chỗ này”, ĐB Hà băn khoăn.
Tuy nhiên, ĐB Trần Văn Độ (An Giang) cho rằng việc tống đạt giấy tờ của tòa án không nên tính bằng tiền mà là hiệu quả công việc. Cũng không nên coi việc tống đạt này chỉ duy nhất qua đường bưu điện bởi nếu đương sự không nhận được sẽ hoãn tòa gây nhiều thiệt hại khác không đo đếm được.
“TPL là một dịch vụ công có thể xã hội hóa được. Theo tinh thần tổ chức nhà nước hiện đại thì tất cả các loại dịch vụ mà cảm thấy người dân tự làm được thì nhà nước không nên làm mà để dân làm sẽ có hiệu quả tốt hơn, tương tự như các văn phòng công chứng hiện nay”, ĐB Độ nói và đề nghị trong Nghị quyết của QH về chế định này nên thể hiện được các nội dung chấm dứt việc thí điểm, cho thực hiện trên toàn quốc, đồng thời giao Chính phủ xây dựng dự án luật liên quan đến chế định này.
 
Chưa quy định cụ thể mức tín nhiệm, thời điểm lấy phiếu tín nhiệm
Ngày 20.11, QH biểu quyết thông qua luật Hoạt động giám sát của QH và HĐND với tỷ lệ 83,2% ĐB tán thành. Luật quy định về hoạt động giám sát của QH, HĐND, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát, cơ quan, tổ chức và cá nhân khác có liên quan đến hoạt động giám sát.
Đáng chú ý, luật bổ sung một số quy định mang tính ổn định của Nghị quyết số 85/2014/QH13 về đối tượng lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm và hiệu quả pháp lý của việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm. Tuy nhiên về thời điểm, mức tín nhiệm vẫn còn để ngỏ.
Giải trình về vấn đề này trước khi luật được thông qua, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết do vẫn còn ý kiến khác nhau nên cần được tiếp tục nghiên cứu, tổng kết để quy định phù hợp hơn, nên trước mắt tiếp tục thực hiện theo Nghị quyết số 85/2014/QH13 của QH, sau một thời gian thực hiện sẽ tiến hành tổng kết, đánh giá và báo cáo QH để quy định vào luật.
 
Cấm doanh nghiệp lập từ 2 hệ thống sổ kế toán tài chính trở lên
Chiều 20.11, với tỷ lệ tán thành đạt 79,15%, QH thông qua luật Kế toán (sửa đổi). Theo đó, các đối tượng không được làm kế toán gồm cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, vợ, chồng, con đẻ, con nuôi, anh, chị, em ruột của người đại diện theo pháp luật, của người đứng đầu, của giám đốc, tổng giám đốc và của cấp phó của người đứng đầu, phó giám đốc, phó tổng giám đốc phụ trách công tác tài chính - kế toán, kế toán trưởng trong cùng một đơn vị kế toán (Quy định này không áp dụng cho doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn do một cá nhân làm chủ sở hữu và các trường hợp khác do Chính phủ quy định). Luật cũng quy định cấm doanh nghiệp lập từ 2 hệ thống sổ kế toán tài chính trở lên...
Trường Sơn
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.