Kiện toàn nhân sự lãnh đạo HĐND TP.HCM

23/04/2021 05:37 GMT+7

Ngày 22.4, HĐND TP.HCM tổ chức kỳ họp thứ 25 để thông qua nhiều tờ trình quan trọng và tổng kết hoạt động nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Tại kỳ họp, các đại biểu đã bầu ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND Q.1 làm Phó chủ tịch HĐND TP.HCM. Ông Dũng năm nay 49 tuổi, trình độ thạc sĩ chính trị học, cử nhân luật, cử nhân kinh tế, cao cấp lý luận chính trị. Ông Dũng từng giữ các chức vụ như: Chủ tịch UBND Q.1, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP.HCM, Phó bí thư Quận ủy Tân Phú, Phó chủ tịch UBND Q.Tân Phú.

* Thông qua nghị quyết về chủ trương đầu tư 2 dự án quan trọng

Các đại biểu cũng đã thông qua nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án xây dựng nút giao thông An Phú (TP.Thủ Đức) có tổng mức đầu tư gần 4.000 tỉ đồng và dự án xây dựng hạ tầng cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên có tổng mức đầu tư 8.200 tỉ đồng; cả 2 dự án đều được thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025 với nguồn vốn kết hợp từ ngân sách TP.HCM với ngân sách T.Ư phân bổ. HĐND TP.HCM thống nhất thông qua hệ số điều chỉnh giá đất năm 2021 trên địa bàn với hệ số giữ nguyên của năm 2020. Đồng thời, thông qua nghị quyết tiếp tục thực hiện đề án chương trình sữa học đường, cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học trên địa bàn.
Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội 5 năm qua, bên cạnh những kết quả đạt được, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong thẳng thắn nhìn nhận vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như chỉ số cạnh tranh địa phương thuộc nhóm 5 tỉnh thành trên cả nước chưa đạt, chưa thu hút được nhiều dự án có quy mô lớn... Mặt khác, công tác quản lý quy hoạch còn khó khăn, hệ thống kết cấu hạ tầng nói chung và giao thông nói riêng mặc dù có cải thiện nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, các dự án chống ngập còn chậm, tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông vẫn diễn biến phức tạp, chưa có giải pháp căn cơ để lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè.
Liên quan đến nguồn vốn thực hiện dự án, ông Phong cho biết hiện TP.HCM đã phê duyệt chủ trương đầu tư cho 1.949 dự án với tổng mức đầu tư gần 303.000 tỉ đồng trong khi khả năng cân đối nguồn vốn ngân sách thành phố giai đoạn 2016 - 2020 chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu vốn. Để đẩy nhanh tiến độ các dự án, TP.HCM sẽ rà soát, xây dựng phương án chuyển đổi các dự án đầu tư công sang các hình thức đầu tư khác để huy động nguồn lực xã hội. TP.HCM cũng sẽ trình T.Ư sớm thông qua đề án Điều chỉnh tỷ lệ điều tiết ngân sách giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn giai đoạn 2026 - 2030 để tăng nguồn thu cho ngân sách TP.HCM...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.