Kiên trì tiếp tục phòng chống tham nhũng

Lê Hiệp
Lê Hiệp
22/01/2019 04:45 GMT+7

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, phải kiên trì tiếp tục phòng chống tham nhũng với quyết tâm cao hơn, hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Sáng 21.1, Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống tham nhũng (PCTN) đã họp phiên thứ 15 dưới sự chủ trì của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTN (gọi tắt Ban Chỉ đạo), để kiểm điểm, đánh giá kết quả hoạt động năm 2018 và đề ra nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2019.
Phát biểu kết luận, Tổng bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh, từ đầu nhiệm kỳ tới nay, nhất là năm 2018, công tác PCTN tiếp tục được triển khai mạnh mẽ và đạt được nhiều kết quả toàn diện.
Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật về phòng chống tham nhũng có bước tiến mới quan trọng; từng bước hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể tham nhũng”
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng
Theo Tổng bí thư, Chủ tịch nước, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật về PCTN có bước tiến mới quan trọng; từng bước hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể tham nhũng”.
Công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án; xử lý các vụ việc về tham nhũng, kinh tế đồng bộ, hiệu quả, tạo bước đột phá trong phát hiện, xử lý nghiêm sai phạm...; khẳng định quyết tâm chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”.

Bước đầu khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”

Tổng bí thư, Chủ tịch nước cho hay, trong năm 2018, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 650 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng, cố ý làm trái.
BCH T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra T.Ư đã thi hành kỷ luật 38 cán bộ, đảng viên diện T.Ư quản lý... Trong năm 2018, qua thanh tra, kiểm toán đã kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính gần 108.000 tỉ đồng, hơn 1.000 ha đất; kiến nghị xử lý trách nhiệm đối với 2.080 tập thể và nhiều cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý 101 vụ, 151 đối tượng; kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính gần 319.000 tỉ đồng, hơn 7.200 ha đất; kiến nghị xử lý trách nhiệm đối với 5.932 tập thể và nhiều cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý 311 vụ, 481 đối tượng.
Theo Tổng bí thư, Chủ tịch nước, các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đã đưa ra xét xử sơ thẩm 36 vụ với 498 bị cáo. Riêng năm 2018, đã kết thúc điều tra 23 vụ với 222 bị can (tăng 43,75% số vụ so với năm 2017); truy tố 20 vụ với 251 bị can (tăng 66,7% số vụ so với năm 2017); xét xử sơ thẩm 23 vụ với 304 bị cáo (gấp gần 5 lần số vụ so với năm 2017). Đặc biệt, các cơ quan tố tụng điều tra, truy tố, đưa ra xét xử 10 đại án được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm; mở rộng điều tra, khởi tố mới 28 vụ án.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước cũng cho biết, thời gian qua, công tác PCTN đã khắc phục được một bước những khâu yếu, công tác thanh tra có bước tiến mạnh; khâu giám định, định giá tài sản được đẩy mạnh, tăng cường; tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng được nâng lên... Năm 2018 đã tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, thu hồi trên 33.000 tỉ đồng; tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng đạt trên 30%. Tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” bước đầu được khắc phục; nhiều địa phương, bộ, ngành đã tích cực phát hiện, xử lý tệ “tham nhũng vặt”.

Phát hiện, xử lý tham nhũng ở địa phương còn hạn chế

Tuy nhiên, Tổng bí thư, Chủ tịch nước cũng chỉ rõ, công tác PCTN vẫn còn những mặt hạn chế, khuyết điểm như: việc xây dựng hoàn thiện thể chế trong một số trường hợp còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu; việc kết luận thanh tra một số dự án trọng điểm, tiến độ điều tra, truy tố, xét xử một số vụ án, xác minh một số vụ việc còn chậm so với yêu cầu của Ban Chỉ đạo.... Công tác phát hiện, xử lý tham nhũng ở địa phương, cơ sở còn hạn chế; tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực (“tham nhũng vặt”) vẫn xảy ra ở nhiều nơi, gây bức xúc cho người dân, doanh nghiệp...
Từ đó, Tổng bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu không được chủ quan, thỏa mãn, bằng lòng với những kết quả đạt được mà phải kiên trì tiếp tục làm với quyết tâm cao hơn, đẩy mạnh hơn và hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới. Tổng bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh, cần tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng hoàn thiện thể chế, phấn đấu hết nhiệm kỳ cơ bản hoàn thành một bước về xây dựng cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể tham nhũng”.
“Trong năm 2019, tập trung chỉ đạo kết thúc điều tra 21 vụ án, truy tố 22 vụ án, xét xử sơ thẩm 27 vụ án, xét xử phúc thẩm 10 vụ án và kết thúc xử lý đối với 43 vụ việc theo kế hoạch”, Tổng bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước cũng yêu cầu tập trung chỉ đạo khắc phục các khâu, lĩnh vực còn yếu, nhất là chỉ đạo khắc phục các khó khăn, vướng mắc trong công tác giám định, định giá tài sản; đẩy mạnh hơn nữa PCTN ở địa phương, cơ sở...; phát huy vai trò của các cơ quan dân cử, MTTQ, các tổ chức chính trị xã hội, nhân dân, báo chí trong PCTN.
Ban Chỉ đạo đã quyết định bổ sung 2 vụ án vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi; chỉ đạo và kết thúc chỉ đạo xử lý đối với 8 vụ án; 6 vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đã kết thúc việc giải quyết theo quy định của pháp luật.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.