Kỳ 5: Tục chia của cho người đã khuất

31/01/2017 06:29 GMT+7

Người Ja Rai ở Kon Tum có tục rất lạ: người đã khuất cũng được gia đình chia của, trong đó nhiều vật dụng là đồ dùng thân thiết của người nằm xuống.

Già làng A Nhiêu, làng Plei Lây, xã Ya Chim, TP Kon Tum (tỉnh Kon Tum) dẫn chúng tôi ra nghĩa địa nằm ở phía cuối làng. Những điều mắt thấy, tai nghe ở một làng Jơ Rai nằm cách TP.Kon Tum chừng hơn 10 cây số về tục “chia của” cho người đã khuất đầy bí ẩn và ly kỳ!
Vât dụng hay dùng khi còn sống sẽ được gia đình chia cho mang theo về thế giới bên kia Ảnh: P.A

Chia cả xe đạp, ti vi…

Ngồi sau con “ngựa sắt” của chúng tôi, già làng A Nhiêu giọng đanh thép như ra lệnh: “Đến rồi, dừng ngay lại đi!”. Từ trong ngổn ngang cây gỗ rào bao quanh các ngôi mộ đâu đó vẳng lên tiếng người phụ nữ khóc chồng. Chúng tôi cố lắng tai để ý nhưng không biết người đang khóc đang ở đâu giữa cơ man là mộ.

Dưới bóng cây cổ thụ, một người phụ nữ đang quét dọn. Già Nhiêu bảo: “Hắn tên Y Myih, còn chồng là A Mong”. Chúng tôi tiến lại bà Y Myih hỏi thăm. Bà cho biết: “Sáng nay mình mang cơm và thức ăn cho con gái Y Chưng, rồi tranh thủ quét dọn xung quanh cho sạch sẽ…”.

Theo lời kể của bà Y Myih, Y Chưng là con gái bà, hơn 20 tuổi, khi đang học lớp 10 thì “bắt” chồng là A Xuên người cùng làng, một chàng trai vừa mới hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về làng.

Những đồ vật được chia của trong nhà mồ Ảnh: P.A
 
Cưới chồng được khoảng một tuần lễ, Y Chưng ngã bệnh rồi mất. “Hắn chết mà ai ai cũng thương hắn lắm", ông A Mong, cha của Y Chưng, nói. Từ ngày Y Chưng về thế giới bên kia, gia đình đã giết thịt cả thảy 8 con bò, ngoài ra còn heo, gà… Để cho chúng tôi tin, già làng A Nhiêu chỉ lên một cây cột trên khu mộ, còn treo lủng lẳng rất nhiều bộ xương đầu của bò.

Bà Y Myih mở cửa vào phần mộ, nói với chúng tôi: “Vào đi!”. Chúng tôi tìm cách từ chối thì bà đã chui tọt vào bên trong, còn chúng tôi ngồi cạnh phần mộ quan sát. Phía trước là bức di ảnh của Y Chưng, có một tấm giấy khen về thành tích “Học sinh tiên tiến”, phía dưới là chiếc tivi và cái điều khiển từ xa, bên phải là chiếc xe đạp mini còn khá mới.

Ông A Mong giải thích: “Khi còn sống, nó rất thích xem tivi nên chia cho nó, để khi hắn rảnh thì ngồi xem tivi”. Thắc mắc sao phải chia cả xe đạp? ông A Mong nói: “Vì lúc còn sống Y Chưng thường đi học bằng xe đạp và nhà cũng có một chiếc xe máy, nhưng phải để lại cho người em hàng ngày đi cạo mủ cao su, nếu có hai xe máy thì chắc mình cũng chia cho nó một cái để đi lại cho tiện”. Trong mộ Y Chưng còn có đầy đủ các vật dụng như ghè rượu, gùi, dao rựa, nhiều chai lọ và quả bầu khô đựng nước.

Ngày hai buổi mang cơm

Sau gần một năm, hằng ngày vợ chồng ông A Mong, bà Y Myih đều thay nhau đưa cơm và thức ăn ra phần mộ của Y Chưng. Cứ sáng sớm và chiều tối, dù trời mưa hay nắng, dù công việc nương rẫy bận bịu đến đâu , hai vợ chồng ông A Mong vẫn thực hiện đầy đủ, đúng giờ.

Bà Y Myih cho hay: “Sáng nay mình đưa cơm cùng rau, hôm nay chỉ có vậy thôi, vì mấy bữa trước đã mang thịt và cá cho con gái ăn rồi”. “Khi nào thì hết mang cơm và thức ăn thế này?” - chúng tôi hỏi. “Đến khi nào mình chuẩn bị được 5 con bò và rất nhiều ghè rượu nữa mới làm lễ bỏ mả và khi ấy coi như không phải đưa cơm, thức ăn hàng ngày nữa, cũng không thăm thú gì nữa cả”, bà Y Myih nói.

Theo già làng A Nhiêu, sau khi làm lễ bỏ mả, là bỏ luôn, không thăm viếng gì nữa, khi ấy “con ma” sẽ sống tự lập cùng Yàng và các đấng thần linh…

Bà Y Myih phân trần: “Mình thương con Y Chưng lắm, ra đây khóc miết thôi! Mỗi tháng gia đình lại chuẩn bị một ghè rượu mang ra khu mộ này để cúng, rồi tổ chức uống rượu tại đây luôn. Hàng tháng thì gia đình không làm thịt bò, heo gì đâu mà mình thường mua ít cá khô để nhắm với rượu là đủ”.

Những ngôi mộ chung

Một ngôi nhà mồ nhìn từ bên ngoài Ảnh: P.A

Những ngôi mộ của người Jơ Rai ở làng Plei Lây hầu hết được rào chắn xung quanh bằng những cây gỗ, lác đác một số gia đình xây bằng bê tông kiên cố, phía trên mộ được làm bằng với mặt đất, không đắp nhô lên cao như thông thường. Tất cả các ngôi mộ này đều chôn chung nhiều người thân trong cùng một gia đình.

Ngay tại ngôi mộ của gia đình ông A Mong có 5 người chết được chôn chung một chỗ, trong đó có ba thế hệ ông, bà, con và cháu. Già làng A Nhiêu giải thích: “Khi sống ai ai cũng thương yêu nhau, khi chết rồi cũng phải để cho con ma được ở gần bên nhau, không làm vậy con ma sẽ buồn và cô đơn lắm”.

Nói rồi già làng A Nhiêu nắm tay tôi dắt đi thăm ngôi mộ của gia đình ông nằm cách đó không xa. Theo ông dưới ấy cũng có 6 “con ma” của gia đình ông đang nằm chung.

Trước lúc chúng tôi rời khu nghĩa địa, vợ chồng ông A Mong, bà Y Myih xin số điện thoại để “khi nào mình làm lễ bỏ mả, mình sẽ gọi điện để mời nhà báo nhen. Khi đó nhớ dành thời gian vào dự cho vui!”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.