Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XII: Chế tài việc sử dụng tài sản nhà nước sai mục đích

12/05/2008 23:14 GMT+7

Thảo luận tại hội trường về dự luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước hôm qua 12.5, đa số các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đòi hỏi phải cụ thể hơn nữa các chế tài đối với hành vi quản lý và sử dụng tài sản nhà nước không đúng mục đích.

"Phải xử lý vài người đứng đầu để làm gương"

Các ĐBQH nhất trí cao dự luật quy định "không cho cơ quan nhà nước cho thuê tài sản, không được sử dụng tài sản vào mục đích cá nhân hoặc thực hiện kinh doanh khác". Theo các đại biểu, sử dụng tài sản nhà nước không đúng mục đích là nguyên nhân dẫn đến tiêu cực, tham nhũng hoặc "làm mất mỹ quan, mất đi vị thế của cơ quan Nhà nước".

ĐB Nguyễn Lân Dũng (Đắk Lắk) khẳng định, từ nhiều năm, vấn đề lãng phí tài sản công, cho thuê không đúng mục đích... vẫn chưa có chuyển biến gì. "Khóa trước tôi đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường tại sao các nhà máy ở giữa thủ đô mà xung quanh có đủ các cửa hàng. Bộ trưởng đã trả lời rằng chủ trương sẽ thu hồi tất cả những sử dụng sai trái đó, nhưng không thấy thực hiện và xung quanh tất cả các nhà máy bây giờ lại đủ các loại cửa hiệu mà tiền thu được sẽ thuộc về ai?", ông Dũng gay gắt.

Ông Dũng đề nghị: "Phải xử làm gương một vài trường hợp các đồng chí giật mình mà tăng cường trách nhiệm của mình. Tôi nghĩ chịu trách nhiệm có nhiều mức nhưng phải kèm theo quy định cụ thể, như thế nào bị phê bình, khiển trách, cách chức, động viên từ chức...".

Trước đó, ĐB Hoàng Thị Hạnh (Bắc Giang) cũng đề nghị bổ sung quy định người đứng đầu cơ quan có quản lý hoặc sử dụng tài sản nhà nước khi hết trách nhiệm (chẳng hạn như về nghỉ chế độ hoặc chuyển công tác) thì phải có trách nhiệm bàn giao tài sản đó.

Tuy nhiên, vấn đề sử dụng tài sản nhà nước của các tổ chức chính trị-xã hội không nhận được sự đồng thuận cao như vậy. ĐB Tạ Ngọc Tấn (Thái Bình) chưa đồng tình với việc ngay lập tức cấm các tổ chức này cho thuê tài sản công vì cho rằng, kinh phí hoạt động cho các tổ chức này còn hạn hẹp. Nhưng ĐB Nguyễn Lân Dũng thì dứt khoát "phải cấm". Ông cho rằng có những tổ chức như Công đoàn vẫn còn sử dụng công quỹ không rõ ràng. "Các đoàn viên công đoàn không hiểu nổi là phải nộp đến 2% quỹ lương, 1% thu nhập, trước đây còn có tiền đi tham quan, bây giờ chẳng thấy được cái gì cả, nhưng các nhà nghỉ công đoàn, các trụ sở vẫn xây lên to hoành tráng. Ở đường Hai Bà Trưng có nhà của Công đoàn Hà Nội to lắm, tiền đó để phục vụ cho hoạt động công đoàn hay để dành cho cán bộ công đoàn, cái đó phải làm rõ", ông Dũng bức xúc.

Đề nghị ĐBQH được trình dự án luật

ĐB Trần Thị Quốc Khánh

Điểm nổi bật của dự thảo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) là việc thu gọn các loại văn bản quy phạm pháp luật, hệ thống các văn bản này do đó sẽ từ 20 loại hiện hành giảm xuống còn 12 loại. Tuy nhiên, vấn đề khiến các ĐBQH quan tâm đề nghị chính là việc Ban soạn thảo nên có quy định cụ thể quyền được trình dự án Luật của đại biểu Quốc hội.

ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) nói: "Tôi đề nghị bổ sung vào Chương 3 một điều quy định ĐBQH có quyền trình dự án Luật. Nếu ĐB có nghiên cứu sâu, có khả năng về một lĩnh vực cụ thể, lại có thể cùng với các chuyên gia khác xây dựng dự án Luật thì quy định như thế sẽ khuyến khích được các ĐBQH tham gia xây dựng luật và giảm bớt các thủ tục rườm rà". Đồng tình với ý kiến này, đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) cụ thể: "Điều này dự luật chưa quy định rõ, ví dụ ĐBQH Trần Đông A ngồi cạnh tôi đây muốn trình ra Quốc hội một dự án luật, nhưng Bộ Tư pháp không đồng ý thì dù Ủy ban Pháp luật có đồng tình cũng không làm được. Bởi vậy, lần sửa Luật này nên có quy định đại biểu Quốc hội có quyền trình dự án Luật để tăng tính chủ động của Quốc hội lên, mặc dù Chính phủ là nơi chủ yếu đề xuất Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh".

Tuyết Nhung

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.