Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XII: Bồi thường cho dân, không thể lấy cớ thiếu tiền

09/11/2008 00:49 GMT+7

Hôm qua 8.11, Quốc hội (QH) thảo luận tại hội trường về dự án Luật Bồi thường nhà nước...

Với lý do hạn chế về tài chính, dự án Luật bồi thường nhà nước đề nghị chỉ bồi thường cho các trường hợp bị thiệt hại do cán bộ công chức thi hành nhiệm vụ gây ra. Đại biểu (ĐB) Hồ Thị Thu Hằng (Vĩnh Long) cho rằng lý do trên không thuyết phục, và khẳng định: “Bài toán ngân sách là không khó”.

Phó trưởng đoàn ĐBQH Thanh Hóa Lê Văn Cuông hưởng ứng: “Không thể dung túng bộ máy kém hiệu quả mãi được”, và đề nghị quy định thêm: công chức do không thực hiện nhiệm vụ mà gây thiệt hại cho cá nhân, tập thể cũng phải bồi thường. Theo ông Cuông, có như vậy mới hạn chế được tình trạng thiếu trách nhiệm, tắc trách, chây ì, vô cảm của cán bộ công chức khi thi hành công vụ. 

Ủy viên Ủy ban Các vấn đề xã hội của QH Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc) cho rằng: “Dự luật liệt kê 11 loại công vụ trong hoạt động quản lý hành chính gây ra thiệt hại thì được bồi thường là chưa đầy đủ, bỏ sót nhiều hành vi gây thiệt hại do công chức gây ra”. ĐB Nguyệt đặt câu hỏi: “Chậm ban hành luật, ban hành trái luật mang lại hậu quả phức tạp, gây thiệt hại rộng thì có được bồi thường không?”.

Bà Hồ Thị Thu Hằng cho biết: từ khi áp dụng Nghị định số 47 về bồi thường thiệt hại do cán bộ công chức gây ra trong khi thi hành nhiệm vụ, từ 1997 - 2007 mới có khoảng 170 vụ việc được giải quyết, với số tiền bồi thường hơn 16 tỉ đồng. Còn đối với bồi thường thiệt hại cho các trường hợp bị oan trong tố tụng hình sự tính đến hết năm 2007, các cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết được gần 200 vụ, với số tiền phải bồi thường là gần 15 tỉ đồng.
Còn Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Lê Thị Nga nhận xét nhiều quy định của dự luật thiếu tính thực tiễn và không khả thi, thậm chí còn thụt lùi so với các văn bản hiện hành. Theo ĐB Nga, dự luật phải bổ sung thêm quy định: khi hết hạn điều tra mà không tìm được hành vi phạm tội thì cũng được bồi thường. “Sai phạm về thu giữ, tạm giữ khi kê biên tài sản thì được bồi thường nhưng cái sai lớn hơn trong xử lý trách nhiệm hình sự thì lại không được bồi thường, chẳng hạn như lúc đầu thì xử người ta 7 năm tù, sau đó thì cho hưởng án treo”,  ĐB Nga băn khoăn.

Nhiều ĐB than phiền về sự quá phức tạp của các thủ tục hành chính khi người dân yêu cầu được bồi thường. ĐB Hồ Thị Thu Hằng (Vĩnh Long) nhấn mạnh: “Bất bình đẳng, khi dự luật đòi hỏi người yêu cầu bồi thường phải chứng minh được lỗi vi phạm của cán bộ công chức”. Ủy viên Ủy ban Pháp luật của QH Võ Thị Thúy Loan (Tiền Giang) tán đồng: “Dự luật chưa thể hiện được sự sòng phẳng giữa Nhà nước với người dân”. 

Xuân Toàn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.