Ký ức vùng lũ

18/11/2010 08:45 GMT+7

(TNTS) Nếu hỏi quãng thời gian nào trong năm, anh em phóng viên ở miền Trung tác nghiệp vất vả nhất, xin được thưa ngay đó là vào mùa lũ. Vì thế lúc cao điểm lao vào những vùng rốn lũ, anh em thường bảo là đi "chiến đấu"…

Địa hình miền Trung hẹp và có độ dốc cao. Mỗi tỉnh đều có ít nhất từ 2 đến 3 dòng sông lớn cắt ngang. Quảng Ngãi có sông Trà Khúc nằm giữa TP Quảng Ngãi và huyện Sơn Tịnh, sông Trà Bồng chảy qua thị trấn Châu Ổ, huyện Bình Sơn; Bình Định có sông Kôn, sông Hà Thanh chảy qua địa bàn các huyện: Tuy Phước, Phù Cát, An Nhơn, Tây Sơn; Phú Yên có sông Ba "sát nách" TP Tuy Hòa; TP Kon Tum nằm ở cực bắc Tây Nguyên có sông Đắk Bla…  

"Sóng thần" càn quét khu dân cư

Hầu hết những dòng sông nói trên đều có bề ngang rộng, nhưng lòng sông lại cạn. Lưu vực tiêu thoát lũ của các sông ngày càng bị thu hẹp do công trình hạ tầng, nhà cửa mọc lên thiếu quy hoạch "biến" thành những lô cốt cản trở dòng chảy. Có những dòng sông còn "gánh" hàng loạt hồ thủy điện, đập chứa nước. Mùa nắng thì hiền hòa nhưng đến mùa mưa, khi lượng mưa cỡ từ 200 mm trở lên thì mực nước các sông bỗng dâng cao bất thường, tạo "sóng thần" càn quét khu dân cư, nhấn chìm làng mạc ở phía hạ lưu chơi vơi giữa biển nước.


Cứu dân trong bão lũ

Chuyện lụt lâu nay rất hiếm khi nhắc đến trên các tỉnh Tây Nguyên, nhưng năm ngoái, Kon Tum xuất hiện lũ, mực nước dâng cao chưa từng có trong vòng lịch sử 100 năm của vùng đất này. Cảnh hoang tàn đổ nát hiện rõ khắp nơi. Những mảng đất đá khổng lồ bị nước lũ xé toạc, đổ ập xuống chia cắt hàng trăm tuyến đường. Nhiều ngọn đồi ở huyện vùng sâu Tu Mơ Rông nằm ven đỉnh núi Ngọc Linh bọng ứ nước từ bên trong, bung nổ mạnh như châm ngòi thùng thuốc súng.

Lũ bất ngờ đến mức có nhiều người ở ven sông Đắk Bla vừa ra khỏi nhà chừng 30 phút, quay về thì toàn bộ cơ ngơi đã bị cuốn sạch trơn trong đêm tối, trắng tay hoàn toàn. Trong lúc mưa lũ hoành hành, có những xác người chết chỉ còn nửa thân mắc kẹt dưới gầm cầu.

Không thể chạy lũ, có người "trốn" trên mái nhà bị chết cóng vì lạnh và đói khát.

Khoảnh khắc vàng

Tác nghiệp trong mưa lũ, tác giả bài viết đã ghi lại được những hình ảnh chân thực về cuộc sống người dân vùng lũ cũng như hoạt động cứu giúp dân của lực lượng chức năng. Chùm ảnh Tình người trong cơn đại hồng thủy (Đình Phú - Diệp Đức Minh) được chọn triển lãm cuộc thi Khoảnh khắc vàng lần thứ 3 - 2010 do TTXVN và Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh VN tổ chức; bức ảnh Cứu dân trong bão lũ (Đình Phú) được Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh VN tặng giải nhì trong cuộc thi Ảnh nghệ thuật tỉnh Bình Định 2010.

Cố vốc lấy vài hạt thóc còn sót lại trong thùng phuy để con có cái ăn qua ngày, có người mẹ chẳng may bị nhà sập bất ngờ đè chết thảm thương...  

Rốn lũ, sõng và những sự cố ca-nô

"Phải tiếp cận được vùng rốn lũ"! Ngay khi hay tin lũ dữ xảy ra, tôi đã "đặt chỉ tiêu" cho mình như vậy. Trong khi đó, nước lũ lúc cao điểm chảy xiết, giao thông cô lập, khó khăn trăm bề…

Ở vùng rốn lũ miền Trung, một vật dụng không thể thiếu và hầu như nhà nào cũng có, đó là chiếc sõng (một loại thuyền nhỏ làm bằng tre hoặc nhôm, chiều ngang khoảng 0,6 - 1m, dài khoảng 3m). Người ta vừa dùng làm phương tiện mưu sinh, vừa để chạy lũ. Nhìn chung, nó rất dễ sử dụng vì chỉ cần thêm một khúc cây nhỏ là có thể đẩy đi băng băng trong nước lũ. Cánh phóng viên khi đi tác nghiệp độc lập thường thuê sõng của người dân để vượt lũ. Đã năm lần bảy lượt ngồi lên sõng, lần nào tôi cũng xém rớt xuống nước vì khả năng giữ thăng bằng rất chi… nghiệp dư. Trong khi đó, mấy đứa trẻ vùng lũ chừng 7 - 8 tuổi đã có thể "dạo chơi" thoải mái trên sõng giữa lúc biển nước vẫn còn mênh mông. Thế mới biết "trăm hay không bằng tay quen"!

"Sướng" nhất là được tháp tùng lãnh đạo về vùng rốn lũ trên ca-nô. Loại phương tiện này trang bị cho các đơn vị chức năng ở huyện nhưng nó thường chỉ được dùng vài ba lần trong năm, chủ yếu vào những ngày mưa lũ có "cấp trên" đi thị sát tình hình, thăm hỏi, động viên người dân. Chính vì nó ít "ra gió" nên trục trặc kỹ thuật… bỗng dưng xảy ra, khiến cũng không ít lần phải thót tim.

Mùa lũ năm 2007, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định điều động ca-nô đưa lãnh đạo tỉnh đi kiểm tra vùng lũ Cát Chánh vì có nguy cơ vỡ đê. Trên đường đi ca-nô hết xăng. Cập vào bờ tiếp nhiên liệu xong, vì sợ nổ máy chỗ cạn làm gãy chân vịt nên đoàn nhờ người dân đẩy ra xa. Đến lúc ra giữa dòng nước mênh mông thì loay hoay mãi mà ca-nô vẫn không nổ máy. Thế là đành bất lực nhìn ca-nô "trôi tự do" giữa dòng nước lũ chảy xiết. Có người không biết bơi đã mặc đến 2 áo phao. Có người cẩn thận vội tắt điện thoại, lấy pin ra ngoài bọc kỹ trong bao ni-lông đề phòng tình huống bất trắc, thầm mong tai qua nạn khỏi. Rất may khi trôi trên sông đến một khúc cua, ca-nô tấp sát vào gần bờ. Nghe tiếng kêu cứu, người dân chạy đến quăng dây thừng kéo vào.


PV Đình Phú trên đường vào vùng rốn lũ Tuy Phước (Bình Định) Ảnh: Hoàng Trọng

Sự cố tương tự cũng lặp lại trong chuyến cứu trợ khẩn cấp mới đây của Trung ương Đoàn, Trung ương Hội LHTN VN và Báo Thanh Niên giúp đồng bào bị lũ cô lập ở thôn Diêm Vân, xã Phước Thuận… 

40 km đường rừng 

Hành trình cứu trợ sau lũ cũng lắm lúc chịu cảnh gian truân và hiểm nguy không kém.

Trong chuyến cứu trợ người dân thôn Phú Lễ, xã Hòa Thành, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên vào đầu tháng 11 vừa qua, do đường đi quá trơn và lầy lội đã làm xe của đoàn bất ngờ trượt xuống cống nước. Cũng may nhờ xe chạy tốc độ chậm nên không có ai bị thương, nhưng phóng viên ảnh Diệp Đức Minh (Báo Thanh Niên) đã "đi tong" chiếc máy ảnh trị giá mấy ngàn đô vì túi xách rơi xuống nước. Sau khi bị nạn ngoài ý muốn, anh Minh được tòa soạn "cứu trợ" để mua lại máy mới.

Đi bộ băng rừng 40 km từ đường Hồ Chí Minh vào cứu trợ đồng bào Đắk Choong và Ngọc Linh (các xã vùng sâu thuộc huyện Đắk Glei, tỉnh Kon Tum) là chuyến công tác đáng nhớ nhất và cũng… hãi hùng nhất trong 7 năm tôi vào nghề báo. Từ miền xuôi mới lên, tôi chưa tường tận đường sá, anh em Tỉnh Đoàn Kon Tum đã "chơi khăm" khi cho biết đoạn đường chỉ khoảng 4 km. Cõng hàng cứu trợ của bạn đọc Báo Thanh Niên vào gần tới nơi và khi đôi chân của tôi như muốn "rớt" ra sau hơn 3 giờ đồng hồ cuốc bộ, anh em mới "khai thật" khoảng cách chính xác của đoạn đường. Trở về an toàn trong đêm tối trên cung đường bên núi cao sạt lở nham nhở, bên vực sâu ầm ầm nước lũ, mọi người ngồi lại với nhau: "Chắc có người phù hộ anh em mình!".

Đình Phú

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.