Bổ sung chức năng bảo vệ chủ quyền
Trình bày tờ trình của Chính phủ tại phiên họp 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) sáng 10.4, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Lê Chiêm nhấn mạnh trong bối cảnh tình hình vùng biển VN diễn biến ngày một khó lường, pháp lệnh Cảnh sát biển (CSB) ban hành từ năm 1998 đã bộc lộ một số bất cập, việc xây dựng luật CSB VN là cấp bách và cần thiết.
Ông Chiêm cho biết, dự thảo luật CSB có nhiều quy định mới như: quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của CSB VN, trong đó bổ sung vị trí nòng cốt, chủ trì thực thi pháp luật trên biển, đồng thời khẳng định rõ hơn chức năng bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên biển; các biện pháp công tác của lực lượng CSB VN cũng như trách nhiệm phối hợp của các lực lượng, tránh chồng chéo trong hoạt động thực tiễn trên biển…
Theo ông Chiêm, việc xác định chủ trì thực thi pháp luật trên biển thực hiện theo nguyên tắc: Một cơ quan có thể thực hiện nhiều việc và một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì và chịu trách nhiệm chính. Bên cạnh đó, việc bổ sung chức năng bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên biển cho lực lượng này nhằm đảm bảo tương đồng với chức năng CSB của các quốc gia khác. “Kinh nghiệm lập pháp của Mỹ, Nhật, Ấn Độ... cho thấy các quốc gia này đều quy định CSB là lực lượng thực thi pháp luật trên biển và luật giao cho lực lượng này sứ mệnh, trọng trách bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia dân tộc trên biển”, ông Chiêm nói.
Tránh chồng chéo trong hoạt động trên biển
Ông Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của QH, cho biết ủy ban nhất trí với dự thảo luật quy định CSB VN là lực lượng vũ trang nhân dân, song đề nghị ban soạn thảo cần thể hiện rõ hơn địa vị pháp lý của CSB để phù hợp với quy định của Hiến pháp và luật Quốc phòng. Ủy ban này cũng cho rằng dự luật cần phải phân định rõ vị trí, chức năng, nhiệm vụ, phạm vi hoạt động của lực lượng CSB với các lực lượng khác trên biển, tránh chồng chéo, xung đột, mâu thuẫn về chức năng, nhiệm vụ hoặc “khoảng trống” về trách nhiệm trên biển.
Ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH, cho rằng vấn đề phối hợp giữa các lực lượng trên biển là vấn đề phức tạp, cần phải làm rất kỹ. “CSB ở đâu, biên phòng ở đâu, dân quân tự vệ địa phương ở đâu, cần phải làm rõ nếu không sẽ chồng chéo”, ông Bình nói.
Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu nhận định, so với pháp lệnh CSB năm 1998, dự luật bổ sung thêm 19 điều song vẫn chưa đảm bảo tính cụ thể, minh định để khi luật được ban hành thì CSB và các lực lượng khác trên biển sẽ thuận lợi trong thực thi nhiệm vụ của mình. Phó chủ tịch QH Đỗ Bá Tỵ thì cho rằng, các quy định về công tác phối hợp tại chương 4 của dự luật mới chỉ dừng lại ở hướng liệt kê, do đó ban soạn thảo cần cân nhắc, nghiên cứu kỹ để rà soát và tích hợp lại, đảm bảo toàn diện, đầy đủ và khả thi.
Rút luật Công an nhân dân sửa đổi vì chưa có hồ sơ tài liệu
Phát biểu khai mạc phiên họp 23, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết so với chương trình dự kiến trước đó, UBTVQH quyết định rút 3 dự án luật ra khỏi chương trình vì chưa có hồ sơ tài liệu, gồm: luật Đầu tư công, luật Công an nhân dân (sửa đổi) và dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật: Dược, An toàn thực phẩm, Phòng, chống tác hại thuốc lá, Điện lực, Hóa chất, Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Khoa học - Công nghệ, Trẻ em, Công chứng, Đầu tư. Ngoài ra, dự án luật Dân số cũng được đưa ra khỏi chương trình vì cần thêm thời gian hoàn thiện. Riêng đề án thành lập 3 đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt được lùi lại sau khi QH xem xét thông qua luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt tại kỳ họp thứ 5 tới, để làm căn cứ cho ý kiến.
Trong chiều 10.4, UBTVQH cũng cho ý kiến về báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016”.
|
Bình luận (0)