Thanh Niên xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu quan trọng này.
Thưa các vị lãnh đạo Quỹ di sản,
Thưa các vị bộ trưởng, các vị đại biểu Quốc hội,
Thưa các vị bộ trưởng, các vị đại biểu Quốc hội,
Thưa các vị đại sứ, tất cả các nhà nghiên cứu và các bạn!
Nhận lời mời của Tổng thống Mỹ Donald Trump, tôi cùng đoàn đại biểu cấp cao VN thăm chính thức Mỹ. Chúng tôi đã có nhiều hoạt động tại New York và ở Washington D.C. Chúng tôi đã làm việc với nhiều bộ trưởng, các tập đoàn lớn của Mỹ và đặc biệt, chúng tôi vừa có cuộc hội đàm hết sức thành công với ngài Tổng thống Donald Trump với sự tham dự của ngài Phó tổng thống Mike Pence và nhiều vị bộ trưởng quan trọng trong nội các Mỹ, đã thống nhất mở ra những cơ hội hợp tác mới cho phát triển hơn nữa quan hệ song phương hai nước. Tại New York, đoàn chúng tôi đã dự lễ kỷ niệm 40 năm VN gia nhập Liên Hiệp Quốc (1977 - 2017).
Tôi cảm ơn ông chủ tịch và quý vị đã dành cho tôi cơ hội để phát biểu về chủ đề “Cơ hội, thách thức đối với hòa bình, an ninh và phát triển ở châu Á - Thái Bình Dương và phát triển quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Mỹ”, tại Quỹ di sản (The Heritage Foundation) - một tổ chức nghiên cứu chiến lược nổi tiếng toàn cầu.
Chúng ta đã vượt lên chính mình
Trong “Tuyên ngôn Độc lập” của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ năm 1776, Tổng thống Thomas Jefferson đã viết: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng, tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.
Vượt qua nửa vòng trái đất và sau hơn một thế kỷ rưỡi, tinh thần - lời văn năm 1776 đó của Mỹ lại tiếp tục vang vọng vào bản “Tuyên ngôn Độc lập” khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1945. Chủ tịch Hồ Chí Minh của chúng tôi một lần nữa khẳng định: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”.
Có thể nói, trong buổi đầu bình minh độc lập của Mỹ và VN, những nhà lập quốc của chúng ta, dù ở hai thời đại khác nhau, đã cùng nhau chia sẻ những giá trị và nguyên tắc cốt lõi.
Có chi tiết thú vị và trùng hợp là, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của chúng tôi và ngài Tổng thống Thomas Jefferson mất vào đúng ngày độc lập của đất nước mình. Ngài Thomas Jefferson mất vào ngày Quốc khánh Mỹ 4.7 và Chủ tịch Hồ Chí Minh mất vào ngày Quốc khánh VN 2.9.
Nhân sự kiện hôm nay diễn ra ở Mỹ, một quốc gia luôn đề cao nữ quyền, tôi muốn quý vị biết rằng, từ 2.000 năm trước, công cuộc đấu tranh vì quyền sinh tồn, quyền tự quyết và quyền mưu cầu hạnh phúc của dân tộc VN đã bắt đầu từ hai người lãnh đạo là phụ nữ. Mọi thế hệ người VN chúng tôi, dù ở bất kỳ nơi đâu trên trái đất này, luôn tự hào gọi đó là Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng.
Rõ ràng là những giá trị nhân văn cao đẹp, có tính cốt lõi, xuất phát từ lịch sử của hai nước chúng ta sẽ làm tiền đề vững chắc để hai nước cùng nhau xây dựng mối quan hệ Việt - Mỹ bền vững, sâu sắc và lâu dài.
Nếu trong những năm giữa thế kỷ trước, VN và Mỹ từng đứng ở hai đầu chiến tuyến thì hôm nay chúng ta đã trở thành đối tác toàn diện, bao trùm lên nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội, văn hóa giáo dục, quốc phòng và an ninh.
Nhân sự kiện này, tôi cũng xin gửi lời cảm ơn đến những con người tiên phong, bền bỉ trong công cuộc kiến tạo mối quan hệ giữa hai nước; trong đó có những người bạn Mỹ mà chúng tôi luôn trân trọng, đó là Tổng thống Bill Clinton, Tổng thống George Bush, Tổng thống Barack Obama, Đại sứ Mỹ đầu tiên tại VN, ngài Pete Peterson, các thượng nghị sĩ John McCain, John Kerry, Hillary Clinton, Jim Webb, cùng biết bao người bạn khác của ngày hôm qua và hôm nay.
Nhìn lại lịch sử thăng trầm và 20 năm hợp tác vừa qua, tôi muốn nói với các bạn, với ngài Tổng thống Trump: Chúng ta đã vượt lên chính mình, không chỉ “gác lại quá khứ, hướng tới tương lai” mà đang thực sự cùng nhau xây dựng tương lai ngày một tươi sáng hơn, mở ra một chương mới cho quan hệ hai nước, góp phần vào gìn giữ hòa bình, phát triển thịnh vượng chung của toàn bộ khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Các bạn thân mến!
Cách đây gần hai năm, chuyến thăm chưa có tiền lệ và rất thành công của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trở thành điểm nhấn đặc biệt, bước ngoặt quan trọng trong sự phát triển của mối quan hệ hai nước. Và tiếp nối hôm nay là chuyến thăm đầu tiên tới Mỹ của tôi trên cương vị người đứng đầu Chính phủ VN.
Tôi đã có buổi hội đàm thành công với ngài Tổng thống Donald Trump; trao đổi với các bộ trưởng, quý vị chính khách Mỹ về các biện pháp tăng cường quan hệ Đối tác toàn diện với hai nước. Hai bên đã nhất trí nhiều ý tưởng hợp tác, nhằm hiện thực hóa các mục tiêu kép “Tăng trưởng - Việc làm” có lợi cho hai bên; trong đó khuyến khích các doanh nghiệp hình thành chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị, kết nối thị trường hai nước theo hướng đem lại lợi ích tốt nhất cho mọi người dân cũng như doanh nghiệp.
tin liên quan
Việt Nam và Hoa Kỳ ra Tuyên bố chung về tăng cường Đối tác toàn diệnNgày 31.5 giờ Washington (tức ngày 1.6, giờ Hà Nội), nhân dịp chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, hai bên đã ra Tuyên bố chung về tăng cường Đối tác toàn diện giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.
Thưa các bạn,
Quỹ di sản là tổ chức nghiên cứu độc lập, có tầm ảnh hưởng tích cực đến tiến trình hoạch định chính sách của Mỹ. Nhiều sáng kiến, đề xuất của các bạn đã được áp dụng vào thực tiễn, tinh thần phản biện khoa học, những nguyên tắc và giá trị cốt lõi của quỹ chính là nhân tố quan trọng góp phần thúc đẩy tiến bộ xã hội tại Mỹ. Các phân tích sắc bén trong các nghiên cứu, kiến nghị và sáng kiến của các bạn có thể là tài liệu tham khảo cho các quốc gia trong tiến trình hội nhập toàn cầu hóa.
Tôi hy vọng các nghiên cứu này cũng sẽ là một nguồn thông tin tham khảo bổ ích cho những nỗ lực của chúng tôi trong việc xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, hành động và luôn đồng hành cùng người dân và doanh nghiệp, là một đối tác toàn diện của Mỹ không những của ngày hôm nay mà trên cả chặng đường dài phía trước.
Trong chuyến thăm Mỹ, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trích dẫn câu nói của Tổng thống F.Roosevelt: “Khi tin là có thể thì bạn đã đạt được một nửa thành công”. Hôm nay, với niềm tin và quyết tâm cùng chung tay xây dựng khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung và quan hệ Việt - Mỹ nói riêng, tôi xin có một vài chia sẻ cùng quý vị:
Cơ hội và thách thức đối với hòa bình,an ninh và phát triển ở châu Á - Thái Bình Dương
Khu vực châu Á - Thái Bình Dương bao gồm các nền kinh tế hàng đầu như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, khối ASEAN và nhiều nền kinh tế năng động khác, chiếm trên 55% GDP toàn thế giới, đang có nhiều cơ hội về hợp tác thương mại, đầu tư, tăng cường kết nối chuỗi cung ứng, gia tăng các chuỗi giá trị trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0…
VN đã và đang hợp tác có trách nhiệm với các nước trong khu vực, cùng góp sức để biến cơ hội thuận lợi thành động lực tăng trưởng mạnh mẽ đồng thời hóa giải những thách thức như tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, nguy cơ khủng bố, cực đoan, xu hướng đơn phương áp đặt sức mạnh, sức ép gia tăng từ sự khan hiếm tài nguyên và nhu cầu tìm kiếm các nguồn nguyên liệu mới, vấn đề đói nghèo, gia tăng dân số, các mối đe dọa an ninh phi truyền thống và các diễn biến phức tạp, khó lường trên biển Hoa Đông, Biển Đông…
Đó đều là những thách thức mà không một cường quốc hay quốc gia nào có thể đủ sức giải quyết một cách đơn lẻ, hay chỉ giải quyết dựa trên các lợi ích đơn phương, cục bộ.
Đó cũng chính là thách thức buộc các nước phải hình thành các cơ chế hợp tác dựa trên cơ sở pháp luật quốc tế, bảo đảm sự cân bằng, hài hòa lợi ích giữa các bên và thúc đẩy xây dựng cấu trúc khu vực mở, có sự tham gia của tất cả các nước, lớn cũng như nhỏ, trong cũng như ngoài khu vực dựa trên nguyên tắc gìn giữ hòa bình, ổn định, hợp tác bình đẳng, phù hợp với mục tiêu phát triển và thịnh vượng chung của toàn khu vực.
Châu Á - Thái Bình Dương đang dần trở thành một trung tâm quyền lực mới có vai trò rất quan trọng trong việc hình thành trật tự thế giới mới trong tương lai; như thượng nghị sĩ John McCain từng nói: Mỹ công nhận rằng hầu hết lịch sử của thế kỷ 21 sẽ được viết trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Một kỷ nguyên hòa bình và an ninh chưa từng có cho phép hàng trăm triệu người Á châu thoát nghèo và vươn lên.
Chúng tôi tán thành quan điểm này, đồng thời hoan nghênh các quốc gia, đối tác, trong đó có Mỹ đóng góp vai trò tích cực trong việc bảo đảm các nguyên tắc an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế.
Chúng tôi đánh giá cao việc Chính phủ, các tầng lớp chính khách, học giả Mỹ ủng hộ việc giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước LHQ về luật Biển 1982, tôn trọng tiến trình ngoại giao và pháp lý, không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực, không thay đổi nguyên trạng, không quân sự hóa, thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử các bên trên Biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ quy tắc COC.
tin liên quan
Thông điệp của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trên tờ Washington TimesVới những bước tiến to lớn đạt được hơn 20 năm qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam - Hoa Kỳ hoàn toàn có cơ sở để tin tưởng quan hệ hai bên sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ 20 năm tới.
Phát triển quan hệ đối tác toàn diện Việt - Mỹ
VN chủ trương phát triển các mối quan hệ hợp tác toàn diện, lâu dài, tôn trọng độc lập chủ quyền, hợp tác cùng có lợi với Mỹ.
Là một quốc gia châu Á - Thái Bình Dương, VN có vùng biển tiếp giáp với 6 nước ASEAN và với Trung Quốc, có thể nói với VN, việc bảo đảm các nguyên tắc tự do hàng hải, hàng không phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước LHQ về luật Biển 1982, trên Biển Đông là rất quan trọng. Hơn ai hết, chúng tôi khát khao, thấu hiểu những giá trị hợp tác vì hòa bình và thịnh vượng chung trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế. Chúng tôi tin rằng trên phương diện địa chiến lược, VN và Mỹ là những đối tác cùng chia sẻ các giá trị và nguyên tắc làm nền tảng và cơ sở quan trọng cho gìn giữ hòa bình, hợp tác phát triển khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Về hoạt động thương mại: Nền kinh tế hai nước mang tính bổ sung cho nhau nhiều hơn là cạnh tranh. VN nhập khẩu từ Mỹ máy bay Boeing, động cơ điện, thiết bị y tế công nghệ cao, dược phẩm… Trong năm 2016, VN đã nhập gần 1,5 triệu tấn ngô, đỗ tương, lúa mì, 0,5 triệu tấn bông… và ngược lại chúng tôi xuất khẩu sang Mỹ những mặt hàng tôm, cá tra, rau quả, đồ gỗ, hàng may mặc, giày dép… mà người dân Mỹ ưa dùng. Năm 2016 trao đổi thương mại hai nước đạt gần 50 tỉ USD. Tốc độ xuất khẩu của Mỹ vào VN những năm gần đây tăng mạnh, lên đến 77%, có mặt hàng tăng 10 lần. Trong chuyến thăm này, hai bên đã ký các thỏa thuận trị giá tới 15 tỉ USD, chủ yếu là xuất khẩu thiết bị, máy móc của Mỹ để đưa vào đầu tư, sản xuất kinh doanh tại VN.
Về hoạt động đầu tư: Đến nay, Mỹ có 850 dự án đầu tư vào VN với tổng vốn trên 10 tỉ USD (xếp thứ 9/116 nước). Nhiều doanh nghiệp Mỹ đầu tư thành công tại VN và đã tăng vốn, mở rộng quy mô, coi VN là điểm đến hấp dẫn.
Những cải cách gần đây của VN đang mở ra nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư Mỹ và ngược lại sự phát triển lớn mạnh của cộng đồng doanh nghiệp VN trong những năm gần đây cũng sẽ mở ra những triển vọng mới về dòng vốn của VN đầu tư sang Mỹ - thị trường đầu tư kinh doanh có sức hấp dẫn bậc nhất thế giới.
Về giáo dục: Mỹ và VN đang triển khai nhiều dự án hợp tác chung, đặc biệt là việc thành lập Đại học Fulbright VN theo mô hình đại học tự chủ, phi lợi nhuận, chất lượng cao, hướng đến việc tăng cường khả năng hội nhập nền giáo dục đại học VN theo những chuẩn mực tiên tiến của thế giới. Bên cạnh đó, những cựu du học sinh VN cùng với khoảng hơn 21.000 sinh viên VN hiện đang du học tại Mỹ không chỉ đóng góp quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế VN mà còn là cầu nối cho mối quan hệ hợp tác và giao lưu hiểu biết giữa Chính phủ và nhân dân hai nước, góp phần xây dựng tương lai tươi sáng cho quan hệ hai nước chúng ta.
Về du lịch: Trong năm 2016 đã có khoảng 0,6 triệu khách Mỹ đến VN, hiện có gần 50 triệu người VN quen dùng dịch vụ Google, Facebook, YouTube… Không chỉ phim bom tấn của Mỹ Kong: Đảo đầu lâu có nhiều cảnh quay tuyệt đẹp tại VN mà chính đạo diễn Jordan Vogt-Roberts đã chính thức trở thành người nước ngoài đầu tiên được bổ nhiệm làm Đại sứ du lịch của VN.
Về an ninh quốc phòng: Trên cơ sở tập trung thực hiện tốt các thỏa thuận hợp tác an ninh, quốc phòng đã ký, hai bên tiếp tục phối hợp triển khai hiệu quả công tác thực thi pháp luật, phòng chống tội phạm, hợp tác an ninh mạng, đặc biệt là chống tội phạm an ninh mạng và phòng chống khủng bố dưới các hình thức, hợp tác nâng cao năng lực của lực lượng thực thi pháp luật trên biển…
Bên cạnh đó, hai bên tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ hợp tác toàn diện trên nhiều lĩnh vực bằng việc tăng cường trao đổi, tiếp xúc cấp cao, xây dựng lòng tin, mở rộng cơ chế đối thoại, hợp tác đa dạng về chính trị, an ninh quốc phòng, giáo dục đào tạo, văn hóa xã hội, thúc đẩy du lịch, giao lưu nhân dân, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu… Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực nhân đạo để góp phần giải quyết hậu quả chiến tranh, nhất là hợp tác tẩy độc dioxin, rà phá bom mìn, tìm kiếm MIA và tìm kiếm bộ đội VN mất tích trong chiến tranh.
Chúng tôi hoan nghênh Tổng thống Trump nhận lời mời dự Hội nghị cấp cao APEC; đây không chỉ là tín hiệu tốt với châu Á - Thái Bình Dương mà còn là cơ hội quan trọng để Mỹ phát huy vai trò, ảnh hưởng tích cực tại khu vực, tạo bước phát triển mới cho hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư với khu vực này.
Cuối cùng, như lời Tổng thống Thomas Jefferson của các bạn từng nói: “Với xu hướng, hãy bơi theo dòng; với nguyên tắc, hãy vững như bàn thạch”. Tôi tin tưởng sâu sắc rằng, mối quan hệ đối tác phát triển toàn diện giữa Mỹ và VN chính là một xu hướng hợp tác quan trọng và mỗi chúng ta sẽ giữ vững lập trường, kiên định nguyên tắc của mình để hợp tác bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, hai bên cùng có lợi vì sự phát triển và thịnh vượng của hai quốc gia và vì một ASEAN, khu vực châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, hợp tác và phồn vinh.
Xin trân trọng cảm ơn.
Cùng nhau tiến về trước
Ngô Minh Trí (thực hiện)
|
Bình luận (0)