Làng thọ bách niên

19/02/2010 22:49 GMT+7

Ở một làng quê ven sông Hậu có cả chục cụ ông, cụ bà sống trên trăm tuổi mà vẫn minh mẫn, khỏe khoắn.

Bác sĩ cũng... sợ

Theo thống kê của UBND xã Nhơn Mỹ (H.Chợ Mới, An Giang), toàn xã  hiện có 89 cụ tuổi từ 85 đến 115, trong đó rất nhiều cụ sống trên 100 tuổi. Lúc trước, cao tuổi nhất là cụ bà Nguyễn Thị Thạnh, đã quy tiên cách đây hai năm ở tuổi 117. Hiện cụ ông Đoàn Văn Chấn là bậc lão niên cao tuổi nhất, năm nay đã bước sang tuổi 116. Cách đây 6 tháng, cụ Chấn bị ù tai, người hầu chuyện phải hét lớn cụ mới nghe rõ. Hai mắt cụ giờ cũng yếu lắm. Ông Đoàn Văn Tiễn, con trai út cụ Chấn, kể: “Nhà tui có chín anh em. Mấy ông anh mất hết rồi, nay còn mình tui là con trai ở lại phò ổng. Giữa năm 2008, tui đưa tía đi bệnh viện tỉnh khám mắt. Bác sĩ hỏi tía được bao nhiêu tuổi mà râu tóc bạc phơ nhìn đẹp lão quá. Tui nói ổng 114 tuổi. Nghe xong mấy ổng chắp tay xá: “Chú ơi, cỡ tuổi này là mắt quá... đát rồi, làm sao tụi con dám mổ?”.

Ông Tiễn nhớ lại, gần cuối năm 2007 đột ngột cụ Chấn bị sốt mê man, con cháu vội đưa đi bệnh viện. Bác sĩ xem CMND, lắc đầu bảo điều trị mấy mươi năm nhưng đây là lần đầu gặp bệnh nhân sống quá bách niên. Ông Tiễn nghe hiểu ý, nói cụ ông cao tuổi già yếu là đương nhiên, bác sĩ cứ điều trị có gì gia đình không phiền trách. Mà cũng lạ, sau khi nằm điều trị khoảng một tuần, từ đó tới nay cụ Chấn khỏe ru, ít ho hen nhảy mũi như mấy người già khác.

Có thể nói mấy chục năm qua, cụ Chấn là pho từ điển sống của cư dân xóm này. Những chuyện xưa tích cũ, khai hoang, khẩn đất từng thời ra sao cụ nhớ rành rọt và kể rất hóm hỉnh nên già trẻ gần xa nghe rất mê. Từ khi cụ ù tai, đau mắt, ông Tiễn gánh trách nhiệm thay cha kể chuyện xưa cho bầy trẻ nghe. “Ngày xưa, cụ cố tụi bây kể vùng này hoang vu lắm nghe. Rừng rậm nên rất nhiều chim thú, lúa sạ xuống bị chim chuột ăn hết nên dân tình đói lắm. Sông rạch thì mênh mông nhưng ghe xuồng không đi lại, buôn bán được bởi lục bình giăng kín sông... Hồi đó cụ cố đi làm thuê phát quang mở kinh lộ xuyên Hà Tiên - Châu Đốc, tới các rừng lau sậy, đụng rắn hổ mây khổng lồ bị đuổi cắn sém mất mạng...”. Rồi ông Tiễn thường kết thúc câu chuyện như thế này: “Ngày xưa, cụ cố sống đức độ nên được bà con tín nhiệm bầu làm Chánh Lễ, Kế Hiền rồi Đại Hiền ở đình thần Nhơn An. Mà thường ai làm tới chức Đại Hiền thì cao lắm bước qua tuổi 75, dù khỏe mạnh cũng bị bệnh theo ông theo bà. Nhiều người ngại chết yểu, còn cụ Chấn tỉnh bơ: Ối, hơi đâu mà lo, sống chết là chuyện thường”.


Cụ Lượm thọ trên 100 tuổi - Ảnh: Thanh Dũng
Ở xã này, còn có nhiều cụ sống trên trăm tuổi, như cụ bà Lê Thị Khoắn (102 tuổi), cụ ông Nguyễn Văn Lượm (102 tuổi), Nguyễn Hữu Vinh (105 tuổi)... Riêng cụ Nguyễn Vương Hoành (104 tuổi), trước Tết do mắt mờ đi vấp chân ghế bị té hôn mê, vài ngày sau đã qua đời.

Bí quyết “cặp chuối”

Ông Đoàn Văn Tiễn nay tròn 80 tuổi, nhưng ai mới gặp lần đầu cũng tưởng ông chỉ khoảng 60. Chị thứ ba của ông là bà Đoàn Thị Viên nay đã 86 tuổi nhưng khỏe cùi cụi, đi thăm đồng lội bộ cả cây số là chuyện thường. Ông Tiễn rất vui vì năm nào người dân khắp nơi cũng ghé nhà ông chúc Tết, chụp hình với cụ Chấn với mong muốn trường thọ.

Hồi trẻ các cụ không hề được ăn sung mặc sướng, mà rất cực khổ, ăn uống thiếu thốn mọi bề. Cụ Chấn gia cảnh nghèo khó, quanh năm bám mặt ruộng đồng, phá rừng khai đất nuôi bầy con nhỏ nheo nhóc. Cụ Lượm tới tuổi 70 vẫn ra đồng cày ruộng, làm nương quần quật. Cụ Hoành nghèo quá đi làm thuê tới tuổi 32 mới có chút của đi hỏi vợ. Có vợ rồi sinh con, cuộc sống càng khó khăn. Cụ Mót đã xấp xỉ 90 mới giao việc ruộng vườn cho con, ngày ngày đạp xe gần chục cây số thăm con cháu, bạn già... Mỗi khi con cháu đòi chở đi, cụ nói: “Mắc mớ chi bây lo, tao đạp xe cho khỏe gân cốt mà”.

Nhiều người quả quyết dòng họ cụ Chấn sống lâu nhờ bí quyết “cặp chuối” - ngày nào sau bữa cơm con cháu cụ cũng ăn vài trái chuối tráng miệng. Ông Tiễn nghe chuyện chỉ cười hề hề, không xác quyết hay phủ nhận. Ông chỉ xác nhận một điều là tía con ông quanh năm sống vui vẻ, giúp đỡ mọi người xung quanh, thức ăn là tôm cá, rau cải tươi, uống nhiều nước trà. Khi có đám tiệc chỉ uống vài ly rượu chung vui, không bao giờ say. Còn cụ Lượm thì ăn chay từ niên thiếu, một năm tròn hiếm ai thấy cụ cầm ly rượu hay phó mặc công việc đồng áng cho vợ con. Ngày ngày cụ ra đồng vui thú điền viên, lúc hết mùa lúa thì chống xuồng đi các nơi sưu tập các loại thuốc nam cứu giúp người nghèo. Phần cụ Hoành cũng ít khi cầm ly rượu.

Dân làng bảo nhau, hiếm thấy ai chung tình như dòng họ cụ Chấn. Tướng tá cụ phương phi, sức khỏe tráng kiện, ngày ngày làm đồng cả chục công đất không biết mệt. Do vậy khi cụ bà đột ngột qua đời, ai cũng đoán cụ (lúc đó mới 48 tuổi, sức lực dồi dào) thế nào cũng đi bước nữa. Nhưng cụ cứ ở vậy thờ vợ cho đến nay. Em trai cụ Chấn là cụ Bảy cũng sớm vợ góa con côi, quyết lòng ở vậy nuôi con dù tướng mạo còn đẹp hơn cụ Chấn. Cụ Bảy cũng vừa mất ở tuổi 100. Riêng gia đình cụ Lượm thì dân xứ này ai cũng phục, ông bà ở với nhau hàng chục năm nhưng hiếm khi nào nghe họ cự cãi...

Ông Tiễn kể: “Tía tui nói ổng sống thọ là do chung tình với vợ và sống tốt với lối xóm nên bề trên thương, chứ chẳng có bí quyết gì ráo”. Nghe vậy, cụ Chấn cười giòn: “Ừ, chẳng có bí quyết gì ráo. Nhưng tao còn sống tới mấy chục năm nữa lận nghe !”.

Thanh Dũng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.