Lãnh đạo TPBank khai gì với cơ quan điều tra trong đại án VNCB ?

18/01/2018 07:28 GMT+7

Hôm qua (17.1), TAND TP.HCM tiếp tục thẩm vấn bị cáo Phạm Công Danh (52 tuổi, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Xây dựng VN - VNCB, nguyên Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh - gọi tắt Tập đoàn Thiên Thanh) và đồng phạm tội “cố ý làm trái…” trong gói vay tín dụng tại TPBank 1.666,8 tỉ đồng, gây thiệt hại cho VNCB trên 1.740 tỉ đồng.

Theo đó, các luật sư (LS) đã xét hỏi nguyên Giám đốc khối khách hàng doanh nghiệp của TPBank Đinh Việt Cường và bị cáo Đặng Thị Bích Thủy (nguyên Phó giám đốc) để làm rõ trách nhiệm của các bị cáo.
Tại tòa, bị cáo Cường khai giữa năm 2013, Thủy báo cáo Nguyễn Việt Hà (nguyên Tổng giám đốc Quỹ Lộc Việt) có đề nghị cho các công ty vay vốn tại TPBank để đầu tư mua trái phiếu Tập đoàn Thiên Thanh và được bảo lãnh bằng tiền gửi của VNCB tại TPBank. Cường thấy an toàn nên chỉ đạo Thủy tiếp nhận hồ sơ để trình Ủy ban Tín dụng (UBTD) theo đúng quy trình cho vay của TPBank.
Sau khi cán bộ Khối khách hàng doanh nghiệp TPBank tiếp nhận hồ sơ vay vốn của 3 công ty, Cường ký tờ trình chuyển phòng thẩm định cùng hồ sơ các khách hàng để thẩm định xong thì trình hồ sơ và báo cáo thẩm định lên Hội đồng tín dụng và UBTD xem xét phê duyệt.
Sau khi được UBTD phê duyệt, hồ sơ được chuyển về phòng tín dụng ra thông báo xét duyệt tín dụng. Từ đó, Cường ký các hợp đồng tín dụng cho 3 công ty của Hà vay 470 tỉ đồng. Cùng hành vi, bị cáo Thủy ký 8 hợp đồng cho 8 công ty vay 1.196,8 tỉ đồng.
Cáo trạng nêu, Cường chỉ đạo các bị cáo là chuyên viên khách hàng, khối khách hàng doanh nghiệp tiếp xúc với các công ty xin vay vốn, làm tờ trình đề xuất cấp tín dụng theo số tiền tương ứng với số trái phiếu đầu tư đã được thống nhất trước với bị cáo Hà. Tuy nhiên, tại tòa, Cường khai tất cả thông tin là Cường nhận từ Thủy và Thủy mới là người làm việc trực tiếp với bị cáo Hà. Cường không bàn bạc, trao đổi, thỏa thuận với Danh, Phan Thành Mai, Hà nên cáo trạng nêu hành vi của Cường đồng phạm “cố ý làm trái…” với Danh, gây thiệt hại cho VNCB là không đúng.
LS của bị cáo Cường đã đề nghị xét hỏi người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank và ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch HĐQT TPBank, nhưng do cả 2 cá nhân này đều vắng mặt nên HĐXX cho phép LS công bố lời khai của ông Hưng và ông Phú tại tòa.
Theo đó, trong biên bản ghi lời khai tại cơ quan điều tra vào ngày 13.7.2016, ông Đỗ Minh Phú khai thời điểm cho vay gói tín dụng 1.666,8 tỉ đồng ông là Chủ tịch UBTD TPBank, cấp phê duyệt các khoản vay của 11 công ty vay vốn. Trả lời câu hỏi của cơ quan điều tra về việc 11 công ty vay vốn có đủ điều kiện vay tại TPBank hay không, ông Phú khai: “Tôi thấy hồ sơ cấp dưới trình lên 11 công ty đủ điều kiện vay vốn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về cho vay cầm cố bằng giấy tờ có giá”.
Ngoài ra, ông Phú còn khai 11 công ty vay vốn có đủ điều kiện theo quy định: có hồ sơ pháp nhân được thành lập đúng quy định; phương án kinh doanh là mua trái phiếu của Tập đoàn Thiên Thanh có lãi suất trái phiếu lớn hơn lãi suất cho vay của TPBank; tài sản đảm bảo là trái phiếu của Tập đoàn Thiên Thanh là trái phiếu có giá trị, có tính thanh khoản cao, đồng thời có cả tài sản đảm bảo là tiền gửi của VNCB tại TPBank.
Cũng theo ông Phú, trường hợp không có tiền gửi của VNCB tại TPBank làm tài sản đảm bảo thì TPBank vẫn cho 11 công ty vay mua trái phiếu của Tập đoàn Thiên Thanh, vì tin tưởng tập đoàn này có uy tín, trái phiếu của họ có giá trị, nhưng sẽ không phê duyệt cho vay với tỷ lệ 100% mà thấp hơn.
Tương tự, lời khai của ông Hưng được LS công bố tại tòa cũng thể hiện bị cáo Thủy là người báo cáo lên ông Hưng về nội dung có khách hàng cần vay vốn để đầu tư mua trái phiếu Tập đoàn Thiên Thanh, Công ty Trung Dung, tài sản đảm bảo là trái phiếu của Tập đoàn Thiên Thanh, tiền gửi của VNCB tại TPBank. Theo ông Hưng, với những tài sản đảm bảo an toàn như trên, ông yêu cầu Thủy làm đúng quy trình, thủ tục cho vay tại TPBank.
Hôm nay (18.1), phiên tòa tiếp tục với phần xét hỏi gói vay tại TP.Bank; đồng thời, HĐXX yêu cầu đại diện Ngân hàng Nhà nước và những người liên quan đến các mảnh đất của bị cáo Trầm Bê bị kê biên phải có mặt tại tòa để tham gia phần xét hỏi.
Tại phiên tòa hôm qua, đại diện Ngân hàng CB Bank (VNCB cũ) đề nghị 46 bị cáo; hơn 140 cá nhân được đề cập trong cáo trạng nhưng không bị xử lý hình sự, trừ 3 ngân hàng, tùy mức độ mà chịu trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại hơn 6.126 tỉ đồng cho CB Bank.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.