Lão nông điều tra sai phạm trên cao tốc 34.000 tỉ đồng

Hiển Cừ
Hiển Cừ
21/10/2018 08:00 GMT+7

Suốt 4 năm qua, một lão nông luôn thường trực tại gói thầu A3 , đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, tìm chứng cứ sai phạm để phanh phui cách làm ăn gian dối của nhà thầu.

[VIDEO] Ai phải trả tiền sửa chữa cao tốc 34.000 tỉ "mới đi đã hỏng"?
Đó là ông Phạm Tấn Lực (59 tuổi), ở thôn Phú Lễ 2, xã Bình Trung, H.Bình Sơn (Quảng Ngãi).
Những bức ảnh… biết nói
Gói thầu A3 tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi dài 10,6 km do nhà thầu Giang Tô thi công. Tổng giá trị gói thầu này khoảng 1.360 tỉ đồng từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB). Liên quan dự án này, đoạn chạy qua địa phận Quảng Ngãi, ngày 1.10 UBND tỉnh Quảng Ngãi có văn bản gửi Bộ GTVT với nội dung: kể từ ngày dự án được thông xe đến nay, VEC không phối hợp với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Ngãi và các địa phương giải quyết các tồn tại liên quan như công tác bồi thường, vấn đề an sinh, việc hoàn trả lại đường thi công...
Trước đó, vào tháng 6.2018, UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng ra văn bản việc VEC hoàn trả các tuyến đường trên địa bàn tỉnh còn rất chậm, có đoạn tuyến hoàn trả nhưng vật liệu không đảm bảo chất lượng.
Trong căn nhà nhỏ đang bị xuống cấp nặng nề, nhìn ông Lực dáng người nhỏ thó tỉ mẩn “giới thiệu” hàng ngàn bức ảnh mà ông đã chụp trên tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, đoạn chạy qua H.Bình Sơn, trong nhiều năm qua, khiến chúng tôi thật sự bất ngờ. “Những bức ảnh này chính là bằng chứng về cách thi công gian dối của nhà thầu Giang Tô (Trung Quốc)”, ông Lực nói và cho biết trong hành trình đi tìm lẽ phải, ông đã trải qua không ít nhọc nhằn, vất vả, thậm chí đe dọa đến tính mạng.
Sau 4 năm phục vụ trong quân ngũ, năm 1983 ông Lực trở về quê nhà lam lũ với ruộng vườn. Cuộc sống gia đình khốn khó nên ông làm đủ nghề để mưu sinh, lo cho con cái ăn học nhưng cái ăn, cái mặc vẫn thiếu trước, hụt sau. “Tháng 7.2014, được nhà thầu thi công gói thầu A3 nhận vào làm bảo vệ cơ giới ngoài hiện trường với mức lương 4 triệu đồng/tháng, tôi mừng như bắt được vàng vì đối với nhà nông đây là số tiền quá lớn”, ông Lực thổ lộ.
Cật lực trên công trường suốt 12 - 16 tiếng/ngày đêm nhưng ông Lực vẫn tích cực làm việc theo đúng nhiệm vụ của mình. Trong thời gian rảnh rỗi, ông lấy xe máy chạy lòng vòng để xem anh em kỹ sư, công nhân làm việc. Dù không phải là người rành việc thi công đường giao thông, nhưng với kinh nghiệm nhiều năm làm xây dựng, nên ông Lực phát hiện nhiều bất cập, cách làm dối của nhà thầu tại gói thầu A3 như: nhiều đoạn có nền chân đất yếu nhưng chỉ bóc lớp phong hóa một cách qua loa, sử dụng vật liệu không đảm bảo chất lượng để thi công nền đường… “Cái lý ở đời là ăn cây nào phải rào cây nấy, nhưng thấy họ làm bậy quá nên tôi không chịu được phải góp ý. Dù vậy, nhà thầu đều bỏ ngoài tai”, ông Lực ấm ức.
Thấy không thể nói suông, ông Lực tìm mua một máy ảnh kỹ thuật số với giá 2,8 triệu đồng để ngày đêm lặng lẽ đi chụp lại những gì ông thấy “chướng tai gai mắt” trong quá trình thi công tuyến cao tốc qua quê hương mình. Không những thế, ông còn có những người dân quê bộc trực, những công nhân thẳng tính là “đội ngũ cộng sự” giúp thu thập nhiều bức ảnh đắt giá.
“Không kể buổi trưa hay ban đêm, hễ nghe họ gọi là tôi đi ngay. Nhiều khi lấy xe máy ra thì hết xăng, hết tiền đành phải đổ xăng nợ, sau cả tuần mới trả. Có lần ra công trình bị người của nhà thầu ngăn cản nhưng tôi phản ứng dữ dội: dân có quyền biết, có quyền kiểm tra, giám sát hiện trường, không có quy định nào cấm việc này. Nghe vậy, mấy ổng mới chịu thua”, ông Lực nhớ lại.
Không chỉ tốn công, tốn sức, ông Lực còn bỏ ra số tiền dành dụm được để rửa ra hàng ngàn bức ảnh làm bằng chứng về sai phạm của nhà thầu.
Những bức ảnh biết nói mà ông Lực chụp khi thi công gói thầu A3

Lật tẩy gian dối
Cầm trên tay bức ảnh chiếc xe tải chở đầy đất đá để đắp nền đường, những đoạn đường sử dụng vật liệu kém chất lượng hay bãi đất thải của công trình không có hạt đất nào, ông Lực nói: “Bằng chứng đây chứ đâu”.
Suốt một năm rưỡi cất công điều tra, thu thập chứng cứ, ông Lực mới viết đơn gửi các cơ quan chức năng tố cáo những sai trái của nhà thầu Giang Tô trong việc thi công gói thầu A3. “Lúc đầu nhiều người dân còn e ngại, cho rằng việc làm của tôi sẽ chẳng đi đến đâu, nên lá đơn đầu tiên chỉ mình tôi đứng tên. Nhưng sau đó thấy nhà thầu cố tình làm sai nên nhiều người cùng tham gia”, ông Lực chia sẻ.
Trong đơn, ông Lực cùng nhiều người dân H.Bình Sơn liệt kê hàng loạt sai phạm của nhà thầu: ngày 5.4.2016 tại Km 106+800 và khu vực Bàu Sen, nhà thầu Giang Tô cho xe ủi qua loa trên mặt còn đầy cây cối, ăn gian bóc lớp đất phong hóa rồi cho đổ vật liệu không đạt chuẩn; ngày 6.4.2016 xe tải chở toàn đất đen, đá to mà dự án không cho sử dụng đem vào đoạn Km 106 để thi công; tại Km 101 - 102, nhà thầu phụ của Giang Tô thi công cũng cho bóc lớp đất phong hóa rất mỏng để ăn gian khối lượng, sau đó sử dụng đất lẫn sỏi sạn cục to nhưng chủ đầu tư và tư vấn giám sát chỉ buộc đào đổ đi vài xe để che mắt rồi tiếp tục thi công vật liệu kém; việc lu lèn nền đường dù đổ đất dày cả mét nhưng chỉ lèo tèo vài chiếc xe lu, thời gian lu quá ngắn…
“Tôi được biết khối lượng đất dùng đắp đoạn gói thầu A3 gần 2 triệu m3 nhưng nhà thầu mua các mỏ có giấy phép chỉ khoảng hơn 600.000 m3. Vậy thử hỏi nhà thầu lấy đâu ra lượng đất còn lại để đắp nền đường và lượng đất phong hóa bóc ra đổ đi đâu?”, ông Lực nghi vấn.
Bị dọa giết vẫn không lùi bước
Sau khi cùng với người dân viết đơn tố cáo và nhiều lần bắt tại trận những phi vụ mờ ám, nhà thầu tìm cách “làm thân” với ông Lực. Ông kể, cuối năm 2016 đầu 2017, nhà thầu Giang Tô ngỏ lời đề nghị chỉ cần ở nhà chơi nhưng vẫn được trả 5 - 6 triệu đồng/tháng hoặc nhiều hơn thế. Đổi lại, ông Lực phải im lặng, không tố cáo nữa, nhưng ông nhất quyết từ chối.
Theo ông Lực, nếu nhận tiền của nhà thầu, tính ra mỗi năm cũng gần cả trăm triệu, cuộc sống gia đình sẽ đỡ vất vả đi rất nhiều. Biết vậy, nhưng lương tâm không cho phép, bởi lẽ theo ông tiền của nhà thầu Giang Tô trả cũng là đồng tiền mồ hôi, nước mắt của người dân.
“Mình là công dân phải có trách nhiệm với đất nước, chứ không phải vì tiền mà làm ngơ cho hành vi gian dối để rồi đất nước mang nợ, con cháu đời sau phải gánh, trong khi đó công trình thì chất lượng kém, hư hỏng phải sửa chữa gây tốn kém nhiều hơn”, ông Lực nói và cho biết thêm, kể từ thời điểm đó đến nay, dù đã nghỉ làm việc cho nhà thầu Giang Tô nhưng ông nhiều lần bị xã hội đen đe dọa. “Mới đây, có hai thanh niên lạ mặt đến nhà hăm dọa, sau đó điện thoại nói: tôi biết nhà ông rồi, trước sau gì tôi cũng cắt cổ”, ông Lực cho biết.
Dẫu có bị đe dọa đến tính mạng nhưng ông Lực vẫn quả quyết không lùi bước trước những sai trái của nhà thầu thi công gói A3, bởi sau khi tố cáo và trưng ra những bằng chứng nhưng nhà thầu không sửa sai mà còn làm nhiều việc gian dối hơn. Tuy nhiên, những lá đơn, tin nhắn, những cuộc điện thoại mà ông Lực gửi đến cơ quan chức năng, người có chức trách của dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, thì chủ đầu tư là Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc VN (VEC) chỉ quyết định từ chối giám đốc thi công nhà thầu Giang Tô, còn phần lớn đều rơi vào im lặng.
“Thấy nhà nước bỏ tiền ngàn tỉ làm cao tốc qua quê hương, người dân rất mừng nhưng điều buồn nhất là những sai phạm khi thi công công trình mà dân phản ánh thì chẳng thấy ai ngó ngàng”, ông Lực chua chát nói.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.