Lấp sông Đồng Nai làm dự án: Ảnh hưởng nghiêm trọng đến dòng chảy, môi trường

19/03/2015 00:00 GMT+7

Đó là nhận định của ông Hoàng Văn Bẩy, Cục trưởng Cục Quản lý nước (Bộ TN-MT), về dự án xây dựng khu đô thị Pegasus Residence của Công ty Toàn Thịnh Phát lấn sông Đồng Nai.

Đó là nhận định của ông Hoàng Văn Bẩy, Cục trưởng Cục Quản lý nước (Bộ TN-MT), về dự án xây dựng khu đô thị Pegasus Residence của Công ty Toàn Thịnh Phát lấn sông Đồng Nai.

Đại công trường lấp sông Đồng Nai đang được Công ty Toàn Thịnh Phát làm ngày làm đêm - Ảnh: chụp từ google map ngày 18.3
Ảnh Lê Lâm
Ông Hoàng Văn Bẩy cho biết Cục đang hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước. Theo đó, tại vùng trung du, nếu đoạn sông chảy qua khu dân cư thì hành lang cấm xâm phạm ít nhất là 10 m, nhiều nhất là 70 m nếu đang có sạt lở. Tại khu vực đồng bằng, hành lang cấm nhỏ nhất là 5 m, nếu đoạn sông có sạt lở thì tối thiểu là 50 m. Trong hành lang này sẽ không được xây dựng các công trình nhà cửa, bệnh viện, khai thác khoáng sản...
“Dự án xây dựng khu đô thị Pegasus Residence của Công ty Toàn Thịnh Phát sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến dòng chảy, môi trường trên sông Đồng Nai”, ông Bẩy nói.
“Chẳng khác nào một con đập thủy điện”
Trả lời PV Thanh Niên hôm qua, ông Vũ Văn Tú, Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão T.Ư, cho biết: “Chỉ biết thông tin về dự án trên báo Thanh Niên”. “Trong ngày 18.3, Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão T.Ư đã có thông báo đến cơ quan đại diện khu vực phía nam chủ động tiếp cận thu thập các thông tin và yêu cầu địa phương báo cáo vụ việc”, ông Tú nói.
Còn TS Vũ Ngọc Long, Viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam, đại diện khu vực phía nam của Mạng lưới sông ngòi VN (VRN), đã “lấy làm tiếc” về việc Đồng Nai cho phép lấp sông làm dự án. “Tôi rất lấy làm tiếc cho UBND tỉnh Đồng Nai vì trước đây họ đã ra sức bảo vệ dòng sông này trong vấn đề thủy điện Đồng Nai 6 và 6A thì nay họ lại làm ngược lại hoàn toàn. Đó là sự mâu thuẫn rất lớn mà tôi không thể hiểu. Công trình đó chẳng khác nào một con đập thủy điện. Chúng ta cần phải hiểu hai bên sông là một hệ sinh thái chứ không phải chỉ là bờ sông đơn thuần. Nó giống như một chiếc áo bảo vệ và cả chức năng như một hệ lọc để bảo vệ chất lượng nước, trong đó diễn ra sự trao đổi và lọc nước, khí, các sinh vật đất, động vật đáy, giữa bờ và đáy sông... Chính vì vậy, tác động đến bờ sông đầu tiên là tác động đến hệ sinh thái của dòng sông làm mất chức năng bảo vệ nguồn nước. Thứ hai là ven bờ sông có tài nguyên đa dạng sinh học mà những người sống ven sông phụ thuộc vào nguồn tài nguyên đấy chẳng hạn đánh bắt thủy sản ven sông”, TS Long nói.
Nguy cơ ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt
Theo ông Nguyễn Xuân Cầu, nguyên Giám đốc Công ty CP cấp nước Thủ Đức, hiện có trên 2/3 lượng nước sạch phục vụ sinh hoạt hằng ngày cho khoảng 10 triệu dân TP.HCM là từ nguồn nước sông Đồng Nai. “Việc UBND tỉnh Đồng Nai cấp phép lấp sông dẫn đến nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước sông Đồng Nai rất lớn nếu dân cư sống ở khu đô thị này xả thải trực tiếp xuống sông”, ông Cầu nhận định. Cùng lo lắng này, TS Ngô Hoàng Văn, Phó chủ tịch Hội Nước và môi trường TP.HCM, cho rằng nếu nước thải từ khu đô thị này xả trực tiếp ra sông Đồng Nai, nhất là gần trạm bơm, thì nguy cơ ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt càng lớn.
Trước việc ngày 18.3 xuất hiện một vài lập luận cho rằng UBND tỉnh Đồng Nai cho lấp sông làm khu đô thị ở vị trí bờ bị lở; việc thi công khu đô thị đồng thời xây kè bê tông sẽ khắc phục tình trạng lở của bờ sông, TS Vũ Ngọc Long phản bác: “Việc lấp sông như vậy sẽ tạo ra hiệu ứng nút cổ chai, làm thay đổi dòng chảy. Có nghĩa dòng chảy đang bình thường tự dưng bị hẹp lại sẽ làm ứ nước phía trên, còn phía dưới sẽ bị thiếu nước cục bộ vào mùa khô. Đặc biệt vào mùa mưa, phía trên không thoát nước được sẽ gây ngập úng. Nếu mực nước dâng cao hơn bình thường 0,5 m, kéo dài 2 - 3 ngày sẽ làm mọi thứ ở phía trên đảo lộn và gây ra hàng loạt vấn đề về môi trường. Những yếu tố như dân cư, công trình xây dựng, các dự báo về môi trường, thời tiết cũng phải thay đổi theo. Dòng sông có quy luật tự nhiên của nó là bên lở bên bồi. Nhưng sự lở - bồi đó không phải là cố định mà có thể năm nay bên này lở bên kia bồi, vài năm sau lại thay đổi. Nếu bây giờ mình bê tông hóa một bên thì quy luật tự nhiên bị phá vỡ, nước sẽ tấn công vào bờ bên kia gây xói lở, sụt lún. Hay nói một cách đơn giản là một dòng chảy có hai bên bờ đang ở dạng mềm, tự dưng có một bên bị cứng hóa thì dĩ nhiên nó sẽ tác động mạnh vào phía mềm và tình trạng này sẽ ngày càng gia tăng. Dòng nước khi va chạm phải khối bê tông cứng sẽ tạo ra phản lực và lực đó sẽ chuyển qua phía bên mềm. Tóm lại việc lở - bồi không phải là vĩnh viễn mà theo chu kỳ của nó. Do vậy nếu có ai đó đưa ra lý do là lấp ở điểm sạt lở không làm ảnh hưởng đến dòng sông là không thuyết phục về mặt khoa học”.
TS Long nhấn mạnh: “Họ nói là cải tạo nhưng mà cách làm thì rõ ràng là không phải. Họ dùng từ “cải tạo” bờ sông thì nghe rất nhẹ nhàng nhưng thực chất đó lại là hành động “lấp” dòng sông để xây dựng công trình đô thị hiện đại ven sông. Nếu cải tạo thì không được làm lòng sông hẹp đi”.
Phải tham vấn nhà khoa học, lấy ý kiến người dân
Cũng theo TS Long, ở VN sông Đồng Nai đứng thứ 3-4 về tầm quan trọng, chỉ sau sôngMê Kông và sông Hồng. Dòng sông này cung cấp nước sinh hoạt, hoạt động công nghiệp, sản xuất nông nghiệp cho Đồng Nai, TP.HCM và cả Bình Dương. Đầu nguồn của sông là Đắk Nông và Đắk Lắk là vùng đa dạng sinh học lớn nhất nước. Không còn con sông này thì TP.HCM khó mà phát triển được vì thiếu nước phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và phải chuyển sang lấy nước ở hồ Dầu Tiếng và giá thành sẽ rất đắt so với hiện nay. Nếu không có nước ngọt ở Đồng Nai chảy ra thì vùng Cần Giờ với hệ sinh thái nước lợ sẽ không còn nữa mà sẽ chuyển sang thành nước mặn...
PGS-TS Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (ĐH Cần Thơ), cố vấn của Mạng lưới sông ngòi VN, cũng cho rằng tỉnh Đồng Nai nên xem xét lại việc cấp phép cho doanh nghiệp (DN) lấp sông vì nhiều nguy cơ tiềm ẩn trước mắt và lâu dài, tác động đến dòng chảy và môi trường ở khu vực. “Vì sông Đồng Nai là tài sản thiên nhiên chung của toàn xã hội, nên UBND tỉnh cần lấy ý kiến phản biện rộng rãi từ các nhà khoa học độc lập, các DN và các tổ chức xã hội khác nhau, đồng thời thăm dò đánh giá người dân về dự án này về cả các mặt lợi ích và tác hại cho cộng đồng. Cần nhận thức rằng sông Đồng Nai là mạch máu chính của miền Đông Nam bộ, dòng sông có nhiệm vụ chính trong cấp nước sinh hoạt, tưới tiêu, giao thông thủy, điều hòa khí hậu, cảnh quan môi trường và cân bằng hệ sinh thái thủy sinh cho khu vực. Khi một đoạn của dòng chảy bị san lấp, thu hẹp thì sẽ làm thay đổi đặc điểm dòng chảy, việc tiêu thoát nước, giao thông sẽ khó khăn hơn. Các vị trí lấy nước để sinh hoạt có nguy cơ bị vẩn đục thêm, chưa kể khả năng xói lở cục bộ sẽ gia tăng. Nếu xem xét đến những tác động của biến đổi khí hậu như gia tăng nguy cơ các yếu tố khô hạn và lũ lụt, việc thu hẹp dòng chảy sông ngòi lại càng là điều cần hạn chế. Việc san lấp dòng chảy chẳng khác nào bó hẹp các mạch máu nuôi sống cơ thể vậy”, PGS-TS Lê Anh Tuấn nói.
Sự im lặng khó hiểu
Sau khi Báo Thanh Niên phản ánh những bất ổn xung quanh việc UBND tỉnh Đồng Nai cấp phép cho Công ty Toàn Thịnh Phát lấp một diện tích sông quá lớn để xây dựng khu đô thị, dư luận, đặc biệt là tại Đồng Nai, tỏ ra rất lo lắng và bất bình.
Tiếp xúc với PV Thanh Niên, hầu hết người dân bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dự án đều cho biết mình chưa một lần được chính quyền thông báo về việc triển khai dự án cải tạo bờ sông Đồng Nai đã “treo” mấy chục năm qua. Khi Toàn Thịnh Phát đùng đùng kéo máy móc, phương tiện xuống lấp sông, người dân vẫn cứ tưởng tỉnh đang chỉnh trang, cải tạo cảnh quan sông Đồng Nai để khu vực này trở thành một công viên, khu vui chơi công cộng cho người dân. Giờ đây, khi đã “vỡ” ra mọi sự, người dân có quyền yêu cầu những người có trách nhiệm của Đồng Nai giải thích thỏa đáng về quyết định này. Tuy nhiên, các cơ quan có thẩm quyền, UBND tỉnh Đồng Nai lại cứ lảng tránh, im lặng.
Một sự im lặng khó hiểu.
Thanh Niên đã rất cố gắng liên lạc, hẹn làm việc với lãnh đạo Sở Xây dựng, lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai nhưng vẫn không có kết quả. Khi PV Thanh Niên trực tiếp gặp được ông Nguyễn Thanh Lâm, Phó giám đốc Sở Xây dựng tỉnh vào ngày 13.3, ông này yêu cầu gửi câu hỏi để “sẽ chuẩn bị và trả lời ngày 16.3”. Đúng hẹn, PV Thanh Niên đến nhưng vẫn chỉ nhận được cái “lắc đầu” và thái độ khó chịu của ông Lâm. Chúng tôi tiếp tục liên lạc với chủ tịch, các phó chủ tịch UBND, lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh Đồng Nai, nhưng cũng đều bị từ chối hoặc thoái thác với các lý do “bận”, “đang họp”…
Cách ứng xử của tỉnh Đồng Nai càng khiến dư luận bức xúc hơn. Hàng loạt vấn đề nghiêm trọng được các nhà chuyên môn, cơ quan chức năng nêu ra về các tác động xấu đến dòng chảy, môi trường, nguồn nước sinh hoạt của nhiều triệu người dân, vì sao UBND tỉnh Đồng Nai lại đi đến quyết định cấp phép dự án này... vẫn chưa thể có câu trả lời từ những người có trách nhiệm.
“Chúng tôi không được tham vấn”
Ông Bùi Cách Tuyến, Thứ trưởng Bộ TN-MT, kiêm Phó chủ tịch Ủy ban Bảo vệ lưu vực sông Đồng Nai, khẳng định ông chỉ biết vụ việc qua báo chí. “Họ (UBND tỉnh Đồng Nai - PV) làm độc lập. Chúng tôi không được tham vấn. Với tư cách là Phó chủ tịch Ủy ban Bảo vệ lưu vực sông Đồng Nai, tôi không biết và với tư cách là Thứ trưởng Bộ TN-MT tôi cũng không hay về dự án này. Tôi chỉ biết việc này qua báo chí”, ông Tuyến nói và cho biết sẽ tìm hiểu kỹ vụ việc.
Ông Lê Thanh Cung, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ lưu vực sông Đồng Nai, khẳng định: “Đến giờ này tôi không nhận được bất kỳ thông tin, báo cáo nào về vụ việc mà chỉ biết thông tin qua báo Thanh Niên phản ánh”.
Đại diện Bộ Xây dựng cho biết, theo quy định đối với những dự án phát triển khu đô thị có quy mô dưới 20 ha thì thẩm quyền phê duyệt thuộc UBND tỉnh. Tuy nhiên, theo nguyên tắc chung, việc phê duyệt dự án đều phải tuân theo đúng quy hoạch đã được duyệt trước đó. Về dự án rộng hơn 84.000 m2 trong đó có 77.200 m2 là lấp mặt sông để xây dựng của Công ty Toàn Thịnh Phát, Bộ Xây dựng không đồng tình với việc UBND tỉnh ưu đãi miễn quy định buộc chủ đầu tư phải dành 20% quỹ đất để làm nhà ở xã hội vì như vậy là không đúng quy định của luật.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.