Tại hội nghị trực tuyến Bộ Y tế tổ chức với 63 điểm cầu trên cả nước về tăng cường phòng, chống dịch Covid-19 diễn ra sáng 16.4, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định tới đây, phòng chống dịch “nóng” nhất là biên giới Tây Nam và khu vực Tây Nam bộ.
Không có ngoại lệ cho việc cách ly
Nhấn mạnh các địa phương có đường biên giới cần thực hiện cách ly tốt người nhập cảnh, vì đây là khâu quan trọng trong chống dịch, ông Long lưu ý: “Không có ngoại lệ cho việc cách ly. Nếu chúng ta lơ là, để ca bệnh lọt trong cộng đồng, đặc biệt là các ca nhiễm biến chủng mới lây lan nhanh”.
Theo ông Long, các địa phương cần tăng cường tầm soát, giám sát, phát hiện các ca nhiễm; đồng thời lên kế hoạch xét nghiệm tại khu vực nguy cơ, đối tượng có nguy cơ. “Như vừa qua, Campuchia, Thái Lan đã phát hiện ca bệnh tại các khu giải trí, nơi tập trung đông người. Chúng ta cũng vậy, phải chú trọng xét nghiệm các khu vực nguy cơ, những nhân viên làm việc tại các khu vực có nguy cơ”, ông Long phát biểu và đề nghị các địa phương cần sẵn sàng kịch bản khi có dịch; xét nghiệm phải có phương án nâng công suất, xét nghiệm nhanh; có kịch bản cách ly rộng khi có nhiều trường hợp cần cách ly; và phải tính đến cả phương án hậu cần cho khu dân cư được cách ly.
Tại hội nghị, đại diện Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 (BCĐ) tỉnh Kiên Giang cho hay: “Vừa qua, gần 4% người nhiễm Covid-19 trong số người về, đều được cách ly. Có ngày về 10 người thì dương tính cả 10”. Từ thực tế này, BCĐ tỉnh Kiên Giang đề xuất Bộ Y tế ưu tiên bổ sung vắc xin cho các tỉnh bên giới như Kiên Giang, tăng cường vật tư xét nghiệm; hỗ trợ thêm máy móc xét nghiệm cho tỉnh này.
811.000 liều vắc xin Covid-19 do COVAX có thời hạn sử dụng ngắn. Trước ngày 5.5, các địa phương phải tiêm xong 811.000 liều này. Không được để liều vắc xin nào phải hủy vì các địa phương không tiêm. Nếu không tiêm, Bộ Y tế sẽ thu hồi vắc xin và thông báo rộng rãi
Bộ Y tế
|
Tăng tốc tiêm vắc xin Covid-19
Về tiến độ tiêm vắc xin Covid-19, PGS-TS Dương Thị Hồng, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, cho biết nhiều tỉnh đã kết thúc tiêm đợt 1. Đợt 2 lượng vắc xin đã về nhiều hơn (811.000 liều) và các đợt tiếp theo sẽ về nhiều hơn nữa. Do nguồn cung hạn chế nên hầu hết vắc xin có hạn sử dụng ngắn, trung bình trong 6 tháng, nhưng lô vắc xin đợt 2 hạn sử dụng chỉ còn dưới 2 tháng khi Việt Nam nhận được vắc xin, hôm đầu tháng 4. Do đó, theo bà Hồng, các địa phương cần khẩn trương phê duyệt kế hoạch và triển khai tiêm vắc xin Covid-19.
Cảnh báo nguy cơ bỏ lọt ca bệnh không triệu chứng khiến dịch lây lan, bùng phát trong cộng đồng, Phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) Nguyễn Trọng Khoa cho hay trong các bệnh nhân Covid-19 đang điều trị, gần 80% không triệu chứng, 20% biểu hiện nhẹ, chỉ 1% bệnh nhân thở ô xy. “Dù các ca bệnh nhẹ nhưng tuyệt đối không chủ quan. Cần lưu ý không để lọt ca bệnh trong cộng đồng”, ông Khoa khuyến cáo.
Theo ông Khoa, cần rà soát, dự trù trang thiết bị, găng tay, khẩu trang y tế, kít xét nghiệm, phương tiện phòng hộ cá nhân. “Nguy cơ dịch trở lại rất cao, dù chưa biết địa phương nào sẽ xảy ra dịch, đặc biệt sau kỳ nghỉ lễ dài, đi lại nhiều dịp 30.4”, ông Khoa khuyến cáo.
Đề xuất giảm thời gian cách ly với người nhập cảnh có “hộ chiếu vắc xin”Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết đang đề xuất Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 thay đổi phương án cách ly với người nhập cảnh đã có “hộ chiếu vắc xin”. Theo đó, người nhập cảnh đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin sẽ cách ly tập trung và xét nghiệm lần đầu ngay sau nhập cảnh; xét nghiệm lần 2 vào ngày cách ly thứ 6. Nếu âm tính trong lần xét nghiệm thứ 2 sẽ được cách ly tại nhà hoặc nơi cư trú thêm 7 ngày. Lần xét nghiệm thứ 3 được thực hiện vào ngày cuối trong chuỗi cách ly. Nếu cả 3 lần xét nghiệm âm tính, người nhập cảnh được kết thúc cách ly.
Theo đề xuất này, tổng thời gian cách ly áp dụng cho người có “hộ chiếu vắc xin” là 14 ngày, trong đó, 7 ngày tập trung, 7 ngày tại nhà hoặc nơi lưu trú.
Liên Châu
|
Bình luận (0)