Luật Công chứng qua 2 ngày có hiệu lực: Rắc rối từ phía cơ quan công quyền!

02/07/2007 23:24 GMT+7

Lẽ ra, cảnh người dân phải chen chúc và chờ đợi tại các phòng công chứng (PCC) đã chấm dứt hẳn kể từ hôm 1.7 - thời điểm Luật Công chứng (cùng với nhiều đạo luật mới khác) có hiệu lực. Tuy nhiên theo ghi nhận của nhóm PV Thanh Niên, vì nhiều lý do, trong hai ngày qua các PCC tại Hà Nội và TP.HCM vẫn chưa thể… hạ nhiệt!

Hà Nội: Dân chưa nhiều người biết, chính quyền lúng túng

Lúc 8 giờ sáng qua 2.7, tại PCC số 1 (phố Bà Triệu) vẫn có rất đông người dân đến với ý định sao y bản chính là các loại bằng tốt nghiệp, giấy khai sinh, thậm chí cả CMND... mặc dù tấm biển chỉ dẫn rằng, kể từ ngày 1.7, PCC sẽ không nhận chứng thực bản sao, việc này được thực hiện tại UBND xã, phường... được treo ở cửa từ hàng tháng trước đó.

Chị Võ Phương Thảo (ngụ tại đường Tô Ngọc Vân, Tây Hồ, Hà Nội) - cầm trên tay tới 30 bản photo các loại giấy tờ cần chứng thực để cho 1 người con và 2 người cháu chuẩn bị đi xin việc "không hiểu tại sao hôm nay người ta (PCC số 1 - PV) lại không công chứng" cho chị. Khi được giải thích rằng công việc của chị yêu cầu là "chứng thực" chứ không phải "công chứng" và theo quy định mới, có thể về UBND phường để yêu cầu chứng thực, chị Thảo tỏ ra thất vọng: "Sao phức tạp thế! Từ trước đến nay tôi quen làm ở PCC rồi, giờ không biết liệu phường họ có làm cho không?".

Lúc 14 giờ cùng ngày, tại UBND phường Quang Trung (quận Đống Đa), cửa Phòng tư pháp (TP) mở rộng nhưng vắng hoe, cô cán bộ TP còn trẻ tên là Thu Hà mừng rỡ khi thấy chúng tôi bước vào. "Từ sáng tới giờ mới có mỗi một bác đến đề nghị chứng thực bản phô-tô hộ khẩu thôi, chưa thấy có vướng mắc gì chị ạ", Hà nói. Phó chủ tịch UBND phường Phạm Thị Nga đưa ra lời giải thích: "Chắc tại trụ sở chúng tôi ở trong ngõ sâu quá nên người dân không đến làm".

Một cán bộ Sở TP Hà Nội đề nghị giấu tên cho biết: "Sáng nay Sở có tổ chức mấy đoàn kiểm tra ngày đầu thực hiện Nghị định 79 tại một số phường trong nội thành thì thấy rằng cũng có một số nơi làm tốt nhưng rất nhiều nơi lúng túng, thậm chí có nơi cán bộ TP còn đuổi dân sang phường khác vì chưa biết phải làm thế nào". Ông này cho biết, chiều nay (3.7) các đoàn kiểm tra tiếp tục làm việc tại các xã ngoại thành để trực tiếp hướng dẫn và giải đáp thắc mắc cho địa phương.

Sở TP Hà Nội cũng đã có văn bản gửi Bộ TP đề nghị giải đáp phòng TP cấp quận, huyện có được phép chứng thực bản sao từ các loại giấy tờ song ngữ hay không? Người yêu cầu chứng thực phải ký trước mặt người chứng thực, vậy nếu người yêu cầu chứng thực không biết chữ, không biết ký thì có được điểm chỉ không? Người yêu cầu chứng thực vì lý do sức khỏe hoặc lý do khác không thể đến trụ sở để yêu cầu chứng thực thì người chứng thực có được ký ngoài trụ sở không... Nhưng hiện tại Bộ chưa có văn bản trả lời. Ngoài ra, Sở TP Hà Nội cũng đề nghị tăng biên chế cho xã, phường nhằm giảm sức ép công việc cho cán bộ TP.

TP.HCM: "Vướng" con dấu

Sáng 2.7, các PCC tại TP.HCM vẫn đông nghẹt khách hàng như thường lệ. Tại PCC số 2, một khách hàng cho biết chị đến thực hiện công chứng bản dịch từ tiếng Việt sang tiếng Anh, hoàn toàn không biết có Nghị định mới về chứng thực vì nhân viên tiếp nhận vẫn thụ lý bình thường. Trao đổi với PV Thanh Niên, công chứng viên Phan Văn Cheo, Trưởng PCC số 1 cho biết, Sở TP vừa có văn bản yêu cầu các PCC vẫn tiếp tục công chứng theo quy định của Nghị định 75/2000/NĐ-CP, chờ UBND TP.HCM ban hành Chỉ thị triển khai thực hiện quy định mới!

Theo ghi nhận của chúng tôi tại một số UBND xã, phường, công việc sao y, chứng thực vẫn không có gì thay đổi do đã được triển khai thực hiện công việc chứng thực từ trước khi có nghị định mới. Riêng đối với các Phòng TP thuộc UBND cấp huyện thì vẫn "án binh bất động" vì vướng "con dấu".

Cụ thể, theo quy định mới thì Phòng TP cấp huyện có quyền: "Chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản bằng tiếng nước ngoài; Chứng thực chữ ký của người dịch trong các giấy tờ, văn bản từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt hoặc từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài; chứng thực chữ ký trong các giấy tờ, văn bản bằng tiếng nước ngoài; Trưởng phòng, Phó trưởng phòng TP cấp huyện thực hiện chứng thực các việc theo quy định tại khoản 1 Điều này và đóng dấu của Phòng Tư pháp". Bộ TP cũng có công văn nói rõ: "Những nơi mà Phòng TP cấp huyện chưa có con dấu thì khẩn trương làm con dấu để thực hiện việc chứng thực theo quy định của nghị định".

Tuy nhiên, từ khi thành phố triển khai cải cách hành chính theo mô hình "một cửa, một dấu" thì con dấu của Phòng TP đã bị thu hồi nên nay bị "vướng".

Tuyết Nhung - Lê Nga

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.