“Vô tư” xâm nhập VN
Theo Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên - Môi trường), do những yếu tố khách quan về vị trí địa lý, địa hình, điều kiện khí hậu cùng quá trình hội nhập kinh tế quốc tế đã tạo nên nguy cơ xâm nhập của các SVNL xâm hại vào nước ta là rất cao. Thực tế, trong nhiều năm qua, một loạt SVNL xâm hại đã có mặt tại VN và gây ra những thiệt hại không nhỏ về kinh tế, môi trường.
Điển hình như cây mai dương có nguồn gốc từ châu Mỹ và xuất hiện đầu tiên tại ĐBSCL vào năm 1979, đến nay đã lan rộng khắp cả nước, phát triển mạnh ở vườn quốc gia Tràm Chim, Cát Tiên, Yook Đôn, hồ Biển Lạc, các hồ chứa Trị An và Đồng Mô - Ngải Sơn, hồ Hòa Bình, hồ Cấm Sơn, các sông hồ ở Quảng Trị, sông Đồng Nai. Chính phủ và các địa phương đã chi hàng tỉ đồng cho việc ngăn ngừa sự lan rộng, kiểm soát và loại bỏ cây này, nhưng vẫn chưa có giải pháp diệt trừ hiệu quả.
Ốc bươu vàng có nguồn gốc từ Nam Mỹ, được nhập vào nước ta từ năm 1975 chỉ vài cặp để nuôi trong bể xi măng, sau đó nông dân phát triển nuôi để làm thực phẩm, nhưng đã xâm nhiễm vào đồng ruộng, trở thành dịch hại trên nhiều loại cây trồng, đặc biệt là lúa và rau muống. Diện tích nhiễm ốc bươu vàng vào tháng 12.2006 đã lên tới trên 242 ngàn hecta. Đây là loài được xác định là dịch hại cây trồng nguy hiểm, gây thiệt hại mùa màng và đã mất rất nhiều kinh phí cho việc diệt trừ chúng. Tương tự, ốc sên châu Phi xâm nhập vào VN từ những năm 1960, đến nay đã trở thành sinh vật gây hại cho cây trồng suốt từ đồng bằng lên miền núi cao.
Bèo Nhật Bản, được nhập vào nước ta từ 1902 làm cảnh, hiện đã phát triển rộng khắp các thủy vực nước ngọt, che phủ mặt nước, làm giảm ôxy hòa tan trong nước và gây ra hiện tượng cá, các loài thủy sinh khác chết hàng loạt, cản trở hoạt động giao thông đường thủy và làm giảm khả năng phát điện, sức tưới tiêu và tăng kinh phí bảo trì các hồ chứa. Tôm he chân trắng, được nhập vào năm 2000 từ Mỹ, khả năng lan truyền dịch bệnh rất cao, đặc biệt là gây đốm trắng ở giai đoạn ấu trùng. Cá tỳ bà nhập vào 1970 để làm cảnh nhưng đã sổng ra ngoài các lưu vực khác nhau. Đây là loài ăn tạp nên có khả năng cạnh tranh và lấn át thức ăn, nơi ở của các loài bản địa.
Nổi lên gần đây là loài rùa tai đỏ, vốn đang phát tán nhanh chóng vì nhiều người vô ý thức mang thả hoặc phóng sinh ra ao hồ. Loài rùa này ban đầu được nhập vào để làm cảnh nhưng đã thoát ra ngoài tự nhiên và phát triển nhanh trong các thủy vực, gây hiện tượng cạnh tranh quyết liệt với loài rùa bản địa và làm tổn hại đến sinh thái thủy vực, đặc biệt là tính đa dạng sinh học. Ngoài ra, sâu róm thông xâm nhập vào VN từ những năm 1950, bắt đầu gây dịch ở Quảng Ninh, Hà Bắc, nay đã lan đến các tỉnh bắc Trung Bộ và gây ra những thiệt hại nghiêm trọng đối với rừng thông trồng, hiện đang có nguy cơ lây lan đến các tỉnh khác và công tác phòng trừ loài này đang gặp nhiều khó khăn.
Vì sao lọt lưới?
Hiện tại, Tổng cục Môi trường đang soạn thảo đề án “Ngăn ngừa và kiểm soát SVNL xâm hại ở VN đến năm 2015”. Mục tiêu đảm bảo 100% các loài SVNL ở VN được xác định cụ thể tên, nguồn gốc xuất xứ, đặc tính... khi nhập khẩu vào VN; đảm bảo các loài sinh vật du nhập vào VN từ các nguồn và các con đường được kiểm soát qua các quy trình nhập khẩu; đánh giá mức độ nguy hại ban đầu để kịp thời phát hiện, ngăn chặn sự xâm nhập và thiết lập quần thể của chúng. Trong thời gian tới, tất cả các cơ sở nuôi trồng, khảo nghiệm các loài ngoại lai phải được đăng ký với các bộ, ngành có liên quan; đảm bảo 100% các SVNL được nuôi trồng tại các cơ sở không phát tán ra môi trường xung quanh. |
Theo Tổng cục Môi trường, các loài SVNL xâm hại hầu như ít được chú ý đến ở VN cho đến nửa đầu thập niên 1990, khi dịch ốc bươu vàng bùng phát từ ĐBSCL đến đồng bằng Bắc Bộ. Từ đó, các loài SVNL xâm hại mới từng bước được nhìn nhận như một vấn đề thời sự đối với nước ta. Tuy nhiên, các nghiên cứu về SVNL xâm hại đến nay vẫn còn rất rải rác và chưa đầy đủ. Đến nay, vẫn chưa có cơ quan nào tiến hành đánh giá, thống kê đầy đủ về sự xâm nhập của các loài SVNL, nhất là những loài mới xâm nhập còn chiếm một diện tích nhỏ nhưng đang tiềm ẩn nguy cơ phát triển gây ảnh hưởng trực tiếp cho sản xuất nông nghiệp.
PGS-TS Nguyễn Đình Hòe, Trưởng ban Phản biện xã hội (Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường VN), phân tích: SVNL xâm nhập và gây hại đang là thực trạng đáng báo động. Chúng ta đã phân trách nhiệm trong việc giám sát, ngăn chặn SVNL xâm nhập đối với các bộ, ngành. Về luật, chúng ta cũng đã ban hành Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đa dạng sinh học, Pháp lệnh Giống cây trồâng vật nuôi… Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều năm qua, khâu thực hiện của các cơ quan quản lý nhà nước còn quá yếu. Các vụ việc như nhập rùa tai đỏ, chuột hamster… đều do báo chí phát hiện và lên tiếng. Khi dư luận nóng lên, các cơ quan liên quan mới xắn tay áo vào xử lý thì đã không kịp.
Ông Trần Đình Long - Chủ tịch Hội Giống cây trồng VN cũng đồng tình: “Nguyên nhân khiến SVNL vẫn “lọt lưới” vào VN là do chúng ta chưa có những văn bản hướng dẫn thi hành các điều luật cũng như những chế tài đối với từng hành vi cụ thể. Trong khi đó, nhận thức của cộng đồng về mối nguy hại của SVNL gây hại còn hạn chế, người dân và doanh nghiệp nhiều khi không biết cây trồng và vật nuôi ấy có hại hay không nên cứ nhập về trồng và gây nuôi. Việc quy định trách nhiệm đối với bộ ngành về giám sát và ngăn chặn đối tượng này hiện vẫn còn chung chung, khi xảy ra hậu quả thì vẫn là tập thể chịu trách nhiệm ”.
Bà Hoàng Thanh Nhàn - Trưởng phòng Bảo tồn loài, nguồn gien và an toàn sinh học thuộc Tổng cục Môi trường, cho biết: “Một khi SVNL đã bùng phát rồi thì xử lý chúng không hề đơn giản. Ốc bươu vàng là một ví dụ, dù đã có nhiều chương trình diệt trừ nhưng chỉ hạn chế được sự phát triển của chúng, chứ chưa trị dứt được. Do đó khâu phòng ngừa là rất quan trọng nhưng chúng ta lại đang yếu”.
Quang Thuần - Quang Duẩn
Bình luận (0)