Theo Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản tỉnh Quảng Ngãi (gọi tắt là Trung tâm đấu giá), gần 86 m3 gỗ, trong đó có hơn 58 m3 gỗ hương và hơn 27 m3 gỗ gõ (đều thuộc nhóm 2A) là vật chứng thuộc vụ án hình sự vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng mà Cơ quan CSĐT Công an Quảng Ngãi (PC46) đã khởi tố vụ án. Sau khi PC46 đề nghị trưng cầu định giá tài sản, ngày 31.1, Hội đồng định giá tài sản cấp tỉnh trong tố tụng hình sự gửi thông báo kết luận định giá tài sản với mức gỗ hương 20 triệu đồng/m3, gỗ gõ 14 triệu đồng/m3 đến PC46. Theo ông Võ Văn Rân, Phó giám đốc Sở Tài chính Quảng Ngãi, Chủ tịch hội đồng, mức giá trên là cơ sở để PC46 giải quyết những vấn đề liên quan đến tài sản trong tố tụng hình sự.
Dựa vào thông báo này, ngày 1.2, PC46 ký hợp đồng với Trung tâm đấu giá Quảng Ngãi bán đấu giá gần 86 m3 gỗ, giá khởi điểm gỗ hương là 20 triệu đồng/m3, gỗ gõ 14 triệu đồng/m3. Cũng trong ngày 1.2, Trung tâm đấu giá ra thông báo đăng ký và tổ chức bán đấu giá tài sản với thời hạn đăng ký từ ngày 1-7.2, thời gian bán đấu giá vào chiều 8.2 (tức 28 tết).
|
Theo quy định của Chính phủ về bán đấu giá tài sản, đối với tài sản bán đấu giá là động sản có giá khởi điểm từ 30 triệu đồng trở lên thì đồng thời với việc niêm yết, tổ chức bán đấu giá tài sản phải thông báo công khai ít nhất 2 lần, mỗi lần cách nhau 3 ngày trên các phương tiện thông tin đại chúng. Thời hạn thông báo công khai chậm nhất là 7 ngày trước khi tiến hành bán đấu giá. Quy định là vậy, nhưng khi thời hạn bán đấu giá chỉ còn 2 ngày, Trung tâm đấu giá Quảng Ngãi mới đăng ký thông báo phát trên Đài phát thanh - truyền hình Quảng Ngãi 2 lần vào chiều ngày 5 và sáng 6.2.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Võ Tấn Lựu, Giám đốc Trung tâm đấu giá Quảng Ngãi, biện minh: “Công việc cuối năm bận rộn quá nên anh em nhân viên quên. Cái này là thiếu sót của trung tâm”. Khi hỏi về thời gian bán đấu giá là do trung tâm ấn định, vậy tại sao không để sau Tết Nguyên đán mà lại vội vã tổ chức ngay trong chiều cuối năm âm lịch, ông Lựu phân bua: “Tranh thủ bán dứt điểm cho khỏe”.
Ông Võ Văn Rân cho rằng, việc đăng ký thông báo đấu giá tài sản trên các phương tiện thông tin đại chúng là công việc chuyên môn của nhân viên trung tâm này nên nói “quên” là không thể chấp nhận. “Thông báo sát sạt ngày như thế chẳng khác nào không muốn nhiều người biết cuộc đấu giá này”, ông Rân nói.
Vì vậy, trong phiên đấu giá vào chiều 8.2 chỉ có 4 doanh nghiệp (DN) tham gia đấu giá, trong đó có DN Khánh Hưng (Gia Lai). Điều khiến nhiều người hoài nghi về sự mập mờ, có “chân gỗ” trong phiên đấu giá này bởi cuộc đấu giá diễn ra hết sức “nhẹ nhàng”: ngay vòng 2 có hai DN “chào thua”; đến vòng 3 thêm một DN bỏ cuộc, chỉ còn DN Khánh Hưng trả giá cao hơn mức khởi điểm 100.000 đồng/m3 gỗ hương và 50.000 đồng/m3 gỗ gõ. Đương nhiên DN Khánh Hưng thắng cuộc, với giá cao hơn DN trả liền kề tổng cộng chỉ gần 4 triệu đồng.
Một chi tiết đáng lưu ý, Khánh Hưng cũng chính là DN liên quan đến vụ án hình sự mà PC46 đã khởi tố, nghĩa là số gỗ buôn bán bất hợp pháp của DN Khánh Hưng lại trở về… chính chủ.
Theo nhiều người chuyên kinh doanh gỗ, việc DN Khánh Hưng mua tài sản đấu giá gỗ hương và gõ với giá như trên là “trúng mánh” lớn, bởi trên thị trường gỗ hương khoảng 40-50 triệu đồng/m3, gỗ gõ khoảng 24 triệu đồng/m3.
Hiển Cừ
Bình luận (0)