Miền "đất chết" hồi sinh

29/04/2009 23:21 GMT+7

Cù Bai nằm bên dòng Sê Păng Hiêng thuộc xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) là "vùng đất chết" trên tuyến đường Trường Sơn ở miền tây Quảng Trị trong kháng chiến chống Mỹ. Nhưng như có phép mầu, bộ đội biên phòng cùng người Vân Kiều đã biến Cù Bai thành những cánh đồng phù sa màu mỡ và ươm lại màu xanh trên rừng núi đại ngàn...

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đầy hy sinh gian khổ, nơi đây, kẻ thù không chỉ dội xuống hàng ngàn tấn bom đạn, mà còn nhiều lần rải chất độc hóa học hòng hủy diệt toàn bộ sự sống trên mảnh đất này. Sau ngày đất nước hòa bình, do hậu quả chiến tranh nặng nề và cuộc sống của đồng bào Vân Kiều còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, cây rừng Cù Bai chưa kịp hồi sinh đã bị chính bàn tay con người chặt phá để đánh đổi từng bát cơm, manh áo. Những cánh rừng Cù Bai vì vậy tưởng chừng sẽ chẳng bao giờ có thể cầm được "máu". Thế nhưng... 

Trồng rừng trên  "đất chết"

Chuyện thật tình cờ, có một người ở miền xuôi, từng khoác áo lính. Sau khi giã từ binh nghiệp, trên dặm đường mưu sinh, khi vừa đặt chân đến Cù Bai anh đã tự nguyện gắn bó với vùng đất này. Anh là cựu chiến binh Lê Đình Hoan, quê ở xã Hải Thiện, huyện Hải Lăng. Lập nghiệp giữa thung lũng Cù Bai đầy nắng gió, không nỡ nhìn đồng bào phá rừng mà cuộc sống thì vẫn cứ mãi đói nghèo, lạc hậu và bế tắc, với một niềm tin thật trong sáng và giản dị, Hoan lặng lẽ đi tìm lời giải để góp phần hồi sinh cho đất và người nơi đây.    

Năm 1999, anh một mình lặn lội vào Gia Lai để tìm hiểu kỹ thuật trồng rừng. Và khi đã quyết định chọn cây bời lời và cây trầm gió, thay vì mua giống cây từ Gia Lai đưa ra Quảng Trị, anh bỏ ra hơn một năm để học hỏi kỹ thuật ươm cây, vì anh có suy nghĩ nếu cây giống được ươm ngay trên vùng đất Quảng Trị chắc chắn sẽ sinh trưởng tốt hơn do đã quen với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ngay từ khi nảy mầm. 

Ngày trở lại, anh mạnh dạn phá bỏ vườn hồ tiêu đang cho thu hoạch để lập vườn ươm. Nhưng vì buổi đầu còn thiếu kinh nghiệm nên tỷ lệ hạt nảy mầm chỉ đạt khoảng 20%. Dù vậy, anh vẫn chuyển số cây giống đầu tay vào trồng thử nghiệm tại Cù Bai. Đối với người Vân Kiều ở miền tây Quảng Trị nói chung, từ bao đời nay rừng chỉ là đối tượng để khai thác, vì thế chuyện trồng rừng thật xa lạ. Vậy là anh Hoan lại phải gõ cửa từng nhà để vận động bà con. Để bây giờ khi gặp già làng Hồ Thứ, ông vẫn cười và tự giãi bày: "Ngày ấy mình chưa tin đâu, ngay cả khi anh Hoan chủ động đưa cây giống và hướng dẫn kỹ thuật trồng, nhưng nay thì mình và dân bản tin rồi. Nếu không tin anh Hoan, không tin cây bời lời đỏ, làm sao cả bản Cù Bai có thể trồng được gần 300 ha". 

Sau khi những cây bời lời đỏ, cây trầm gió bám rễ trên vùng đất Cù Bai và được người dân tin tưởng chấp nhận, anh Hoan dốc vốn liếng tiếp tục ươm cây giống. Thật may mắn, lần này tỷ lệ nảy mầm của cây đạt gần 90%. Đây chính là cơ sở để anh biến ước mơ phủ xanh những quả đồi nham nhở hố bom hai bên bờ dòng Sê Păng Hiêng trở thành hiện thực. 

Để đồng bào có điều kiện phát triển kinh tế rừng trong khi không có nguồn vốn mua cây giống, anh Hoan đưa ra giải pháp cấp cây giống cho bà con với cam kết sau khi rừng cây cho khai thác lần đầu, phần lợi nhuận thu được sẽ chia đôi. Với cách làm này, hàng trăm hộ gia đình ở Cù Bai, Xà Lỳ, A Xóc, Sê Pu, Tà Păng (xã Hướng Lập) và các bản Trăng, Xa Đưng, Cà Tiêng, Tà Rùng (xã Hướng Việt) đã vượt qua trở ngại ban đầu để trở thành chủ nhân của những khu rừng bời lời đỏ từ 5 - 7 ha. Hiện nay, cả hai xã Hướng Việt và Hướng Lập đã trồng được trên 500 ha cây bời lời đỏ.

Cù Bai hôm nay...

Ngày trước, khu đất già làng Hồ Thứ dựng ngôi nhà sàn như bây giờ chỉ là một bãi đất hoang. Vì đất đai cằn cỗi, dân bản chẳng biết làm gì ngoài việc dùng làm bãi thả rong trâu bò. Thế nhưng giờ đây bốn phía ngôi nhà sàn đều là ruộng lúa xanh tốt, xen kẽ ao cá. Ở những khoảng đất cao sát ngôi nhà, Hồ Thứ trồng cỏ, bời lời, hồ tiêu, trầm gió... 

Gia đình già làng Hồ Thứ chỉ là một trong số nhiều hộ dân ở bản Cù Bai đang từng ngày đổi thay. Đã qua lâu lắm rồi cái thời người dân Cù Bai lũ lượt kéo nhau lên núi "phát, cốt, đốt, trỉa" gieo trồng cây lúa rẫy, nhưng đến mùa thu hoạch cũng chỉ đủ ăn vài ba tháng, rồi sau đó lại chạy ăn từng bữa. Giờ đây chẳng cần phải đi đâu xa, mọi người vẫn có cơm trắng quanh năm mà lại nhàn hạ. Người Vân Kiều ở Cù Bai đã tự tìm thấy lối đi ngay dưới chân mình! 

Ngoài sự nỗ lực, người Vân Kiều ở Cù Bai đã may mắn được những người lính biên phòng tận tình giúp đỡ. Chính những người lính quân hàm xanh đã kề vai sát cánh, góp phần mang lại sự đổi thay nhận thức, việc làm và cả trong từng bữa ăn của đồng bào. 

Noi gương những người như già làng Hồ Thứ, Hồ Xừng, hơn 80 hộ dân ở Cù Bai đã trồng được 300 ha bời lời đỏ, chăn nuôi hơn 500 con trâu, bò và gieo cấy trên 20 ha lúa nước 2 vụ. Trưởng bản Hồ Đào tâm sự, mai đây khi công trình thủy lợi Cù Bai hoàn thành đưa vào sử dụng thì diện tích lúa nước 2 vụ của bản sẽ còn tăng lên hơn 80 ha. 

Khi cuộc sống không còn nặng gánh nỗi lo thiếu đói, mọi người không còn phải leo dốc, vượt rừng hàng chục cây số mỗi ngày để kiếm cái ăn, chị em phụ nữ càng có thêm điều kiện để chăm lo đến cuộc sống gia đình, nhất là đối với con trẻ. So với các xã bắc Hướng Hóa, có thể nói Cù Bai là đất học của người Vân Kiều, cả bản hiện có 8 người học đại học, 2 cao đẳng, 30 em đang học tại trường nội trú tỉnh và huyện, có 100% trẻ con trong độ tuổi đều được đến trường. 

Sau 34 năm đất nước hòa bình, người Cù Bai hôm nay ban ngày đi làm, tối thong thả xem ti-vi, nghe radio hay cùng trò chuyện bên bếp lửa hồng... Cuộc sống tưởng chừng bình dị, mộc mạc nhưng là ước mơ từ bao đời của người Vân Kiều trên đỉnh Trường Sơn. 

Phan Thiên Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.