Mổ xẻ ngành y tế Đà Nẵng

26/12/2015 08:17 GMT+7

Một cuộc họp mổ xẻ những điểm mạnh, điểm yếu, những khó khăn của ngành Y tế Đà Nẵng vừa được UBND TP.Đà Nẵng tổ chức.

Một cuộc họp mổ xẻ những điểm mạnh, điểm yếu, những khó khăn của ngành Y tế Đà Nẵng vừa được UBND TP.Đà Nẵng tổ chức.

Ngành y tế Đà Nẵng còn thiếu về nhân lực, trang thiết bị - Ảnh: Diệu HiềnNgành y tế Đà Nẵng còn thiếu về nhân lực, trang thiết bị - Ảnh: Diệu Hiền
Với mục tiêu tạo điều kiện tốt nhất cho lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nhân dân, lãnh đạo UBND TP.Đà Nẵng khẳng định sẽ tháo gỡ mọi khó khăn cho tất cả 29 đơn vị của ngành y tế Đà Nẵng. “Khó ở đâu cứ thẳng thắn nói ra, TP sẽ tạo điều kiện giải quyết sớm nhất!”, Phó chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Đặng Việt Dũng khẳng định.
Tại cuộc họp, ông Đặng Việt Dũng một lần nữa chỉ đạo ngành y tế phải nắm bắt được nhu cầu thực tế của từng đơn vị, để có đề xuất kịp thời. “Tại sao 2 năm liên tục (2014, 2015) ngành y tế đều chi dư tiền vài tỉ, trả lại cho phía tài chính, trong khi trang thiết bị các đơn vị thì thiếu đủ thứ. Cần chấm dứt tình trạng bên dưới sốt ruột mà cấp trên không chịu mua!”, ông Dũng yêu cầu.
Thiếu nhân lực, thiết bị...
Đó là bài toán nan giải mà đa số các ý kiến của 29 đơn vị y tế “than” với lãnh đạo TP. Hầu hết các Trung tâm y tế quận, huyện trên địa bàn đều thiếu bác sĩ, vì bác sĩ không muốn về tuyến quận, huyện để công tác, cho dù có chế độ chính sách ưu đãi như thế nào vẫn không tuyển được. Trạm y tế quận, huyện thiếu đã đành, các bệnh viện chuyên khoa cũng kêu thiếu bác sĩ, như Bệnh viện Tâm thần, Bệnh viện Lao, Bệnh viện Phục hồi chức năng... Trung tâm giám định pháp y, Trung tâm cấp cứu 115, Trung tâm Y tế dự phòng, Chi cục Dân số... cũng thiếu nhân lực. Ngay cả Sở Y tế, cơ quan chủ quản, bà Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc sở cho hay cơ quan này cũng đang thiếu thốn nhân lực!
Bên cạnh đó, các đơn vị y tế trên địa bàn Đà Nẵng cũng thiếu trang thiết bị hoặc trang thiết bị đã cũ nhưng không được bảo hành bảo trì. Như Bệnh viện Ung bướu, hiện trang thiết bị được đầu tư nhiều nhưng lại không đồng bộ, thiếu trước hụt sau rất nhiều; nhiều trang thiết bị hết thời gian bảo hành nhưng chưa có chính sách bảo trì, duy tu. Các Trung tâm y tế quận, huyện cũng thiếu thiết bị chuyên sâu. Ngoài ra, nhiều cơ sở y tế xây dựng quá lâu đã xuống cấp như: Bệnh viện Da liễu đã xây dựng 13 năm chưa được duy tu, sửa chữa; Trung tâm y tế Q.Thanh Khê nhiều khoa phòng dột nát, bệnh nhân đến khám thấy e ngại nên xin chuyển lên tuyến trên; Bệnh viện Ung bướu mới xây nhưng các khoa như Y học hạt nhân, Kiểm soát chống nhiễm khuẩn... đều bị dột nước, xuống cấp không đảm bảo công tác khám chữa bệnh... Trung tâm cấp cứu 115 trạm Q.Hải Châu thì luôn hoạt động với công suất cao, nhưng phải “ở nhờ” tại một góc của Bệnh viện Đà Nẵng...
Ngành y tế đã được ưu ái
Trong khi ngành Y tế than khó về mọi mặt, thì lãnh đạo TP và các sở: KH-ĐT, Tài chính, Nội vụ... đều khẳng định, các sở đã tạo mọi điều kiện tốt nhất cho ngành y tế TP. “Y tế của Đà Nẵng ngày càng tiến bộ với nhiều kỹ thuật cao, là điều đáng mừng, nhưng đồng thời cũng là thách thức lớn của ngành y tế. Bởi cùng với sự phát triển đó, sự tín nhiệm của bệnh nhân các tỉnh, thành miền Trung càng lớn, nên phải điều trị cho số lượng bệnh nhân rất đông từ các nơi đổ về, cũng là gánh nặng về kinh tế cho TP.Đà Nẵng. Nhưng, với tinh thần nhân văn, chúng ta vẫn phải đầu tư và hỗ trợ về y tế cho các tỉnh, thành khác. Vì vậy, phải dốc sức đầu tư, tạo mọi điều kiện tối ưu cho y tế TP”, ông Đặng Việt Dũng khẳng định.
Đại diện Sở Tài chính cũng cho biết mọi yêu cầu, đề xuất của ngành y tế về tài chính đều nhận được sự đồng thuận cao. “Ngành y tế đề xuất bao nhiêu kinh phí hoạt động năm đều được chấp thuận các khoản, như năm 2016, yêu cầu 20 tỉ đồng, thì thống nhất chi 20 tỉ đồng”, vị đại diện này nói thêm. Ông Võ Công Chánh, Giám đốc Sở Nội vụ TP.Đà Nẵng cho rằng, mọi điều kiện tối ưu để tuyển nhân lực ngành y tế đều được tạo điều kiện tốt nhất. “Chỉ cần lãnh đạo Sở Y tế có đề xuất về tuyển dụng lao động, đưa sang Sở Nội vụ thì trong vòng 1 tuần đã được giải quyết. Ngành y tế được tạo rất nhiều điều kiện, riêng biên chế bác sĩ ở các đơn vị không bao giờ tinh giảm, cứ 1 về hưu là được tuyển thêm 1. Như kinh phí đào tạo cho cán bộ toàn TP năm 2016 là 16 tỉ, riêng ngành y tế là 950 triệu đồng, cao nhất trong các ngành. Điều đó cho thấy sự quan tâm tích cực đối với ngành y tế”, ông Chánh nói thêm. Riêng việc nhiều đơn vị không tuyển được bác sĩ, ông Chánh đề nghị ngành y tế nên xây dựng chính sách ưu đãi riêng, tăng mức hỗ trợ để sớm trình lên HĐND TP để có thể tuyển được nhân lực, tránh tình trạng thiếu nhân lực y tế như hiện nay. “Cùng với sự ưu ái của các ngành, lãnh đạo Sở Y tế cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng, hoạch định kế hoạch lâu dài, không phải chắp vá như hiện nay, thiếu đâu kêu đó! Phải có lộ trình cụ thể, mức độ đầu tư tổng quan thì mới có thể hoàn thiện được tổ chức ngành y tế. Có kế hoạch tổng quan để lãnh đạo TP xem xét, có kế hoạch đầu tư dài hơi hơn cho ngành”, ông Dũng chỉ đạo.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.