Mối nguy nhà ống không lối thoát hiểm

05/04/2021 04:59 GMT+7

Vụ hỏa hoạn làm 4 người chết rạng sáng qua 4.4 ở Hà Nội một lần nữa cho thấy trong các vụ cháy công trình, lối thoát hiểm là cần thiết, đặc biệt là đối với các công trình nhà riêng kiến trúc dạng ống, nhưng thực tế vẫn chưa được quan tâm đúng mức.

Nỗi đau chết người vẫn tiếp nối
Theo Công an Q.Đống Đa (Hà Nội), khoảng 0 giờ 25 ngày 4.4, một vụ hỏa hoạn đã xảy ra tại nhà 311 Tôn Đức Thắng (P.Hàng Bột, Q.Đống Đa). Nhận thông tin, lực lượng chức năng đã huy động 6 xe chữa cháy cùng hàng chục chiến sĩ tới hiện trường dập lửa, cứu người. Đến khoảng 3 giờ 40 cùng ngày, đám cháy được dập tắt. Đến 4 giờ 30, lực lượng cứu hỏa tìm được 4 thi thể đã biến dạng tại khu vực tầng tum. Các nạn nhân gồm ông N.T.T, 81 tuổi; chị N.A.H, 40 tuổi, đang mang thai khoảng 3 tháng, là con gái của ông T.; anh Đ.H.V, 38 tuổi, chồng của chị H. và cháu Đ.H.T.M, 10 tuổi, con của anh V., chị H. Nhiều khả năng, khi xảy ra cháy các nạn nhân chạy lên tum tìm lối thoát nhưng không thể thoát ra.

Cả gia đình chết thương tâm vì cháy cửa hàng đồ sơ sinh ở Hà Nội

UBND Q.Đống Đa cho biết ngôi nhà xảy ra hỏa hoạn có dạng ống, cao 3 tầng, 1 tum, có mái lợp tôn hàn sắt, diện tích mặt sàn mỗi tầng khoảng 60 m2, mặt tiền rộng khoảng 3,2 m, nhà chỉ có một lối ra vào là cửa chính, không có lối thoát hiểm. Căn nhà được gia đình sử dụng để kinh doanh bỉm, sữa... cho trẻ sơ sinh ở tầng 1. Các tầng 2, 3 và tum dùng làm kho và sinh hoạt gia đình.
Đáng chú ý, trước khi vụ việc thương tâm này xảy ra, báo chí đã từng thông tin về nhiều vụ cháy trên cả nước, nhất là ở các đô thị mà hiện trường là công trình chỉ có một lối ra, vào duy nhất.

Lực lượng chức năng đưa thi thể các nạn nhân ra ngoài

Mối nguy tiềm ẩn trong mỗi ngôi nhà ống

Thời gian gần đây, an toàn cháy nổ, thoát hiểm, cứu nạn cứu hộ ở các nhà chung cư, cao tầng được xã hội quan tâm hơn. Tuy nhiên, những vụ hỏa hoạn thương tâm lại xảy ra ở các khu đô thị cũ với thiết kế nhà riêng dạng ống liền kề. Mỗi ngôi nhà dạng này thường chỉ có một lối ra vào là cửa chính và trở thành “cái bẫy” không lối thoát hiểm cho gia chủ khi gặp sự cố cháy nổ.

Mở lối thoát nạn là vấn đề cốt lõi

Đại tá Lê Văn Hiến, Phó trưởng công an Q.Đống Đa, cho biết Đống Đa là một quận đặc thù nội thành Hà Nội, có rất nhiều nhà ở kết hợp kinh doanh dạng nhà ống, trong số này rất nhiều nhà không có lối thoát nạn. Chính vì vậy, khi xảy ra cháy ở dạng nhà này luôn thường trực nguy cơ tử vong. Vì vậy, việc mở lối thoát nạn là vấn đề cốt lõi, những nhà ống không thể mở lối thoát nạn, nếu có thể, cần phối hợp với hàng xóm mở lối thông nhau để thoát nạn khi cần. Ngoài ra, các hộ gia đình cần trang bị bình chữa cháy, mặt nạ phòng độc và trang bị kỹ năng sinh tồn cho mình.
“Nếu xảy ra cháy, không tự dập được thì cần dùng mặt nạ chống độc hoặc khăn ướt trùm vào mặt để vượt qua đám cháy, thoát ra bên ngoài dù có bị bỏng. Không được chạy lên tum là nơi không lối thoát, vì lên đó là đường cùng, rất ít cơ hội sống sót, chết ngạt rất nhanh, 4 nạn nhân trong vụ cháy cửa hàng bỉm, sữa là ví dụ đau lòng”, đại tá Hiến nói.
Tại hầu hết các mặt phố lớn, đường ngõ của các quận Đống Đa, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng, Ba Đình... ở Hà Nội đều là những ngôi nhà như kể trên và hầu như không còn không gian để làm lối thoát hiểm. “Đất chật người đông, Hà Nội, chỗ nào chả vậy, ở còn chật nói gì đến lối thoát hiểm”, anh Nguyễn Minh Tuấn (40 tuổi) làm nghề xây dựng, chủ ngôi nhà có một lối ra vào gần hồ Hoàng Cầu (Q.Đống Đa), bộc bạch. Tại các khu đô thị mới được phát triển đồng bộ, hiện đại, cảnh quan đẹp ở quận: Thanh Xuân, Hà Đông, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Hoàng Mai… PV cũng ghi nhận nhiều dãy nhà liền kề có giá trị hàng chục tỉ đồng, nhưng đều không có lối thoát hiểm.
Theo một lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội, theo quy định hiện nay, chỉ có công trình riêng lẻ là khách sạn, nhà khách, nhà nghỉ 5 tầng trở lên hoặc có khối tích trên 5.000 m3 mới buộc phải có thiết kế phòng cháy, chữa cháy. Thực tế đất chật, người đông cũng khiến hầu hết các công trình nhà ở riêng lẻ trong khu dân cư đều chỉ chú trọng tận dụng diện tích cho công năng sử dụng, chưa tính toán đến phòng cháy chữa cháy, thoát nạn, cứu hộ.
Theo KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư VN, nhà ở riêng lẻ mặt đất cần có nhiều cửa. Ngoài cửa sổ, lỗ thoáng để thông khí, cần tính đến thiết kế lối thoát hiểm khi có sự cố. Người dân trong các khu dân cư chật hẹp càng cần quan tâm việc thoát hiểm. “Các tầng đều phải có lối mở ra ngoài, nếu sử dụng khung sắt để chống trộm cũng cần ô thoáng đóng mở được. Khi thiết kế nhà cũng cần có giếng trời cho thông thoáng, cũng là nơi để khói, hơi độc phát tán khi xảy ra cháy... Chủ sử dụng nên có sẵn phương án thoát hiểm khi gặp sự cố để tự bảo vệ mình trước khi lực lượng chức năng có mặt”, KTS Tùng khuyến cáo.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.