Một khách hàng bị buộc trả 1,1 tỉ đồng cho nhà mạng

14/09/2017 20:39 GMT+7

Phiên xử phúc thẩm của TAND TP.HCM tuyên buộc bà Sỹ Truyền Hoàng Ngân trả gần 1,1 tỉ đồng tiền cước phí điện thoại cho VNPT.

Chiều 14.9, TAND TP.HCM xử phúc thẩm đã sửa bản án sơ thẩm của TAND Q.11 (TP.HCM), chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là Tập đoàn bưu chính viễn thông VN (VNPT), buộc bà Sỹ Truyền Hoàng Ngân (ngụ P.5, Q.11) trả gần 1,1 tỉ đồng tiền cước phí điện thoại cho VNPT.
4.380 cuộc gọi trong 6 ngày
HĐXX phúc thẩm nhận định, tại hợp đồng dịch vụ giữa hai bên, ngoài nội dung in sẵn trong hợp đồng còn có nội dung viết bằng tay như sau: "QT + RM". Đây được xem là chứng và được nguyên đơn, bị đơn thừa nhận.
Theo giải thích của nguyên đơn (VNPT), "QT" là mở dịch vụ cuộc gọi quốc tế và "+ RM" là cộng thêm dịch vụ Roaming (gọi chuyển vùng quốc tế). Bị đơn cũng thừa nhận mở dịch vụ gọi chuyển vùng quốc tế. Vì vậy, theo tòa cấp phúc thẩm, cấp sơ thẩm cho rằng hợp đồng các bên chưa ghi, ký kết dịch vụ để xác định hợp đồng không rõ ràng là "không có cơ sở".
Về kết quả giám định ngày 30.12.2016 của Bộ Thông tin - Truyền thông, theo tòa việc giám định đã được thực hiện đúng quy định. Theo đó, số điện thoại thuê bao trả sau 0918…524 của bà Ngân đã đăng ký dịch vụ "Call forward" (chuyển tiếp cuộc gọi) và bà Ngân nhận nhiều cuộc điện thoại trong cùng một thời gian, sau đó từ số điện thoại này của bà Ngân đã chuyển tiếp đến tổng đài hoặc thuê bao khác. Vì vậy, VNPT tính cước tại thời điểm từ ngày 1 - 6.7.2013 là hoàn toàn chính xác.
Đồng thời, toàn bộ 4.380 cuộc gọi liên quan được trưng cầu giám định, ghi nhận cước, giá thuế các thuê bao khác đến số 0918…524 là chính xác.
Tòa cũng nêu việc bị đơn không đồng ý với kết quả giám định nhưng không đưa ra chứng cứ chứng minh kết luận giám định không chính xác, đầy đủ nên tòa không yêu cầu giám định tư pháp bổ sung.
 Khách hàng phải biết, hiểu về dịch vụ
Theo HĐXX, “tòa sơ thẩm đi sâu vào phân tích dịch vụ Roaming để nói rằng khách hàng đăng ký dịch vụ nhưng không được VNPT giải thích rõ từ đó loại trừ trách nhiệm bà Ngân trả phí dịch vụ chuyển vùng cuộc gọi quốc tế, nhưng cấp sơ thẩm không làm rõ hai loại dịch vụ khác nhau đã được đăng ký là dịch vụ gọi quốc tế (QT) và Roaming (RM) được liên kết với nhau bởi dấu (+). Cước phát sinh trong vụ án này không phải từ dịch vụ RM mà từ cước dịch vụ chuyển vùng cuộc gọi quốc tế. Tại thời điểm ký kết hợp đồng, dịch vụ chuyển vùng cuộc gọi "Call forward" là dịch vụ được mở cùng với dịch vụ cuộc gọi”. Đối với dịch vụ cuộc gọi trong nước sẽ được chuyển cuộc gọi trong nước, trong trường hợp đăng ký cuộc gọi quốc tế sẽ chuyển dịch vụ chuyển vùng cuộc gọi quốc tế mà không cần phải yêu cầu hoặc đăng ký. Đây là dịch vụ được cung cấp bởi tất cả các mạng trong nước cũng như hầu hết các mạng trên thế giới. Tuy nhiên, không phải mọi cuộc gọi đến số thuê bao đang sử dụng đều được chuyển cuộc gọi mà người sử dụng cần cài đặt một số mã phù hợp, cách hướng dẫn thực thực hiện phổ biến trên phương tiện truyền thông, vì vậy ngay cả trong trường hợp bà Ngân không đăng ký dịch vụ RM, chỉ đăng ký dịch vụ chuyển vùng cuộc gọi quốc tế thì cước do chuyển vùng cuộc gọi quốc tế vẫn phát sinh nếu sử dụng. Nên trong trường hợp cụ thể này, bà Ngân đăng ký dịch vụ RM hay không thì không liên quan đến cước phát sinh chuyển cuộc gọi quốc tế. Việc đăng ký cuộc gọi quốc tế không cần phải đóng tiền, 5 triệu đồng ký quỹ là đảm bảo cho dịch vụ RM nên cấp sơ thẩm giải thích 5 triệu là ngưỡng cước chuyển vùng cuộc gọi quốc tế là không có cơ sở.
Theo tòa phúc thẩm, người sử dụng dịch vụ phải biết, hiểu về dịch vụ và phải chịu trách nhiệm.
TAND Q.11 từng xử sơ thẩm, bác đơn khởi kiện của VNPT
Theo HĐXX cấp sơ thẩm, VNPT được xác định là bên mạnh thế vì VNPT đương nhiên là bên có hiểu biết hơn so với bà Ngân về những vấn đề liên quan đến việc ký kết, sử dụng dịch vụ viễn thông; đồng thời là bên soạn thảo hợp đồng, vì vậy phải giải thích hợp đồng theo hướng có lợi cho bà Ngân và nguyên đơn phải chịu sự bất lợi.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.