Một ngày theo chân thanh tra công vụ

15/10/2007 00:04 GMT+7

Một ngày làm dân ở cửa "quan" mới thấy rằng chuyện người dân bị làm phiền với những thủ tục nhiêu khê, thái độ tắc trách, cửa quyền không phải là chuyện của riêng nơi nào và cũng mới ngộ ra rằng, muốn công chức "cười" vẫn là chuyện xa vời lắm.

"Phường" bận đi... đám tang

9 giờ kém 15 phút, thứ ba ngày 9.10 cùng rất nhiều người dân, tôi bước vào trụ sở UBND phường Cửa Đông (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Đưa ra giấy chứng minh thư, tôi dè dặt: “Chị cho chứng thực”. Cô cán bộ trực, còn khá trẻ không đeo biển (sau này tôi biết là cán bộ dân số) không ngước lên, phẩy tay: "Hết giờ nhận hồ sơ rồi, sang phường khác làm". Một bác đứng sau tôi hỏi với: "Chưa đến 9 giờ mà cô?". Lần này thì cô ngước lên, cau mày: "Chỉ nhận hồ sơ đến 8 giờ thôi. Mà hôm nay phường đi viếng đám tang hết rồi, không có người ký đâu". Rất nhiều gương mặt thất vọng quay ra.


Anh Nguyễn Huy Hoàng không hiểu mình phải viết đơn như thế nào để làm khai sinh cho con
10 giờ. UBND phường Chương Dương đông nghịt người. "Đến lượt ai đây?", tiếng cô cán bộ tư pháp khô khốc. "Chị ơi cho tôi làm khai sinh cho cháu", giọng người đàn ông nhỏ nhẹ. "Con thứ 3 à? Về viết đơn"- quyển hộ khẩu, giấy chứng sinh được ném trở lại. "Sao lại phải viết đơn ạ?", người đàn ông rụt rè hỏi. "Nhà nước có cho anh sinh con thứ 3 không? Về đọc lại Pháp lệnh dân số đi đã", vẫn không ngẩng lên, cô cán bộ nói sẵng. "Viết thế nào hả chị?", người cha bắt đầu lo. "Tôi có sinh con thứ ba đâu mà anh hỏi tôi", cô cán bộ bực bội thực sự. Anh Nguyễn Huy Hoàng, số 12 ngách 661/25 phố Bạch Đằng, phường Chương Dương quay ra lẩm bẩm: "Kiểu cách gì mà kỳ cục vậy!".

Gác 2 của trụ sở phường, tình trạng còn lộn xộn hơn, mấy chục cụ đứng chen chúc ngoài hành lang hẹp chờ lĩnh lương hưu trong khi cạnh đó một hội trường rộng, thoáng mát để không "chờ một cuộc họp". Cụ Đào Văn Hồng, 70 tuổi, cán bộ Ngân hàng Nhà nước nghỉ hưu cho biết: "Một tháng chỉ quy định phát lương hưu vào 2 ngày thôi, mà trước đây vợ được lấy hộ chồng, chồng lấy giúp vợ, nay thì của ai người ấy lĩnh, thành ra cứ phải đông đúc, chen chúc thế này". Một cụ ông bên cạnh chừng như đang mệt lắm nói thêm: "Bắt các cụ ngồi phơi nắng thế này, lỡ có ai ngất ra thì sao?".

Đây không phải là lần thứ nhất!

1. Cán bộ, công chức, viên chức khi làm việc tại công sở và trong thời gian thực thi nhiệm vụ, công vụ phải mặc trang phục đúng quy định chung và quy định của từng ngành, lĩnh vực; phải đeo thẻ công chức theo quy định; phải đeo phù hiệu của các lĩnh vực đã được pháp luật quy định; phải giữ uy tín, danh dự cho cơ quan, đơn vị, lãnh đạo và đồng nghiệp.

2. Trong giao tiếp tại công sở và với công dân, cán bộ, công chức, viên chức phải có thái độ lịch sự, hòa nhã, văn minh. Khi giao dịch trực tiếp, hoặc bằng văn bản hành chính hoặc qua các phương tiện thông tin (điện thoại, thư tín, qua mạng...) phải bảo đảm thông tin trao đổi đúng nội dung công việc mà cơ quan, đơn vị, tổ chức và công dân cần hướng dẫn, trả lời.

3. Cán bộ, công chức, viên chức không được trốn tránh, đùn đẩy trách nhiệm khi nhiệm vụ, công vụ do mình thực hiện gây ra hậu quả ảnh hưởng đến hoạt động của cơ quan, đơn vị mình hoặc của cơ quan, đơn vị, tổ chức khác hoặc vi phạm tới quyền lợi chính đáng, danh dự và nhân phẩm của công dân.

4. Cán bộ, công chức, viên chức không được cố tình kéo dài thời gian hoặc từ chối sự phối hợp của những người trong cơ quan, đơn vị mình hoặc cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan và của công dân khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ.

(Trích "Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức làm việc trong bộ máy chính quyền địa phương" của Bộ Nội vụ)

Một phút sau khi phát hiện có "Thanh tra công vụ" (Thanh tra liên ngành Tư pháp - Nội vụ kiểm tra việc thực hiện Nghị định 79/CP của TP Hà Nội tổ chức) đang làm việc tại phường mình, các cán bộ "một cửa" của phường Chương Dương đã lập tức mời công dân Nguyễn Huy Hoàng vào bàn tiếp dân, hướng dẫn cho anh viết đơn trình bày việc sinh con thứ 3 và làm giấy khai sinh tức thì cho cháu Nguyễn Hà Kiều Anh con anh. Trên gác 2, các cụ hưu trí được mời vào hội trường, có ghế ngồi, có quạt mát và có cả nước uống. "Nhờ có các anh các chị (Thanh tra công vụ - PV) đến mà chúng tôi mới được đối xử thế này", cụ Đào Văn Hồng vẫn còn ấm ức.

Cán bộ tư pháp H. được mời lên làm việc. "Tại sao em lại trả lời công dân như thế? Trách nhiệm của em là phải giải thích cho họ tại sao lại cần phải làm đơn và làm đơn như thế nào cơ mà?", ông Phạm Thanh Cao, Trưởng phòng Bổ trợ tư pháp (Sở Tư pháp Hà Nội) hỏi. "Em xin lỗi, đông khách, nhiều việc quá nên em cáu", cô H. biết lỗi. Ông Cao vẫn nhẹ nhàng nhưng cương quyết: "Em biết em sai gì không? Thứ nhất, tiếp dân mà em không đeo thẻ - vi phạm quy chế; thứ hai, thái độ tiếp dân như thế là không được. Mà tôi nhắc laiå, đây không phải là lần đầu tiên em phạm lỗi này, 2 lần trước khi đi kiểm tra tôi cũng đã nhắc em tiếp dân phải niềm nở, tận tình, nhưng lần này thái độ của em còn tệ hơn 2 lần trước".

Chẳng biết rồi Thanh tra công vụ kiến nghị xử lý như thế nào với công chức phường Chương Dương về "sự cố chẳng may bị phát hiện", nhưng chắc chắn một điều rằng công dân phường này chí ít có một ngày được đón tiếp tại trụ sở UBND phường theo đúng nghĩa.

Đoàn thanh tra công vụ trở lại UBND phường Cửa Đông khi đồng hồ đã điểm 11 giờ. Lãnh đạo phường bối rối vì sự cố buổi sáng, mong "đoàn thanh tra bỏ qua". Ông Lưu Tiến Minh, Sở Nội vụ yêu cầu phường phải thực hiện nghiêm túc quy chế tiếp công dân: "Việc hiếu là quan trọng nhưng nếu vào ngày làm việc, buộc phải cử người trực để giải quyết công việc". Ông cũng yêu cầu phường Cửa Đông "phải bỏ ngay quy định chia lịch giải quyết công việc (chỉ chứng thực tối đa 500 bản sao/ngày; giải quyết hồ sơ địa chính thứ hai, thứ tư; khai sinh, hộ tịch thứ ba, thứ năm...)". "Tất cả mọi yêu cầu của người dân đều phải được giải quyết trong giờ làm việc, bất kể ngày nào", ông Minh khẳng định.

Tuyết Nhung

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.