Một số dự án chống ngập vốn đầu tư hàng trăm tỉ đồng, 'ngập vẫn hoàn ngập'

Trung Hiếu
Trung Hiếu
13/06/2019 15:37 GMT+7

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan lưu ý các dự án nâng đường chống ngập ở TP.HCM cần phải tính toán để tránh tình trạng nâng đường quá cao gây ngập cho nhà dân hai bên đường.

Sáng 13.6, Thường trực HĐND TP.HCM tổ chức phiên họp giám sát về tiến độ và hiệu quả triển khai các dự án chống ngập ở TP.HCM với sự chủ trì của Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ.

Tránh việc chống ngập bằng cách nâng đường quá cao gây ngập nhà dân 

Tại phiên giám sát, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan nêu tình trạng có những dự án chống ngập mang lại hiệu quả cho công trình này nhưng không hiệu quả cho công trình khác. Ví dụ như dự án chống ngập ở đường Kinh Dương Vương làm xong đường không ngập nhưng lại ngập nhà dân hai bên.
“Hôm qua Bí thư Thành ủy và Chủ tịch UBND TP.HCM có hỏi tôi là làm đường Nguyễn Hữu Cảnh thì đường không ngập nhưng nhà dân hai bên có ngập không? Muốn làm cần phải trả lời câu hỏi này”, ông Hoan nói và cho biết quan điểm của lãnh đạo TP.HCM là phải giải quyết hài hòa, lợi ích của các bên, nghĩa là “đường không ngập mà nhà dân hai bên cũng không ngập”.
Theo ông Võ Văn Hoan, khi làm các dự án chống ngập không chỉ đơn giản là giải bài toán cốt nền, là nâng cao đường mà trong quá trình làm phải nghiên cứu nhiều biện pháp tổng hợp để giải quyết bài toán “có thể ngập đường trong thời gian ngắn nhưng không thể ngập nhà dân”. Điều này để tránh tình trạng như người dân ở hai bên đường Kinh Dương Vương (Q.6) gặp phải.
Theo ông Hoan, với những chỉ tiêu đã thực hiện được về chống ngập thì khả năng TP.HCM khó hoàn thành được chỉ tiêu chống ngập đề ra chưa kể những điểm ngập mới phát sinh. “Hiện nay việc chống ngập ở TP.HCM chỉ dừng lại ở việc ứng phó, đối phó chứ chưa có tầm nhìn chiến lược để xây dựng những cơ chế, chính sách, quyết sách về lâu dài”, ông Hoan nói.
Có thời điểm dự án chống ngập ở đường Kinh Dương Vương nâng đường cao hơn nhà dân cả mét Ảnh: Phạm Hữu

Tại buổi giám sát, khi chất vấn lãnh đạo UBND TP.HCM và một số sở ban ngành liên quan đến chống ngập, một số đại biểu đặt vấn đề ở một số dự án chống ngập có vốn đầu tư lớn, tới hàng trăm tỉ đồng nhưng khi hoàn thành nơi đây vẫn ngập. Tiêu biểu là các dự án chống ngập ở đường Nguyễn Văn Quá (Q.12) hơn 160 tỉ đồng, ở đường Đỗ Xuân Hợp (Q.9) hơn 400 tỉ đồng.

Trước đó, trong phần báo cáo về chương trình, dự án chống ngập, ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó giám đốc Ban quản lý đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị TP.HCM, cho hay chương trình giảm ngập của TP.HCM trong thời gian qua đã đạt một số kết quả nhất định, góp phần cải thiện bộ mặt thành phố.

Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ phát biểu tại buổi giám sát Ảnh: Trung Hiếu

Đến thời điểm này các tuyến đường mà trước đây được xem là “rốn ngập” của TP.HCM không còn xuất hiện tình trạng ngập nước như: Khu vực vòng xoay Cây Gõ, đường Ba Tháng Hai, Lê Hồng Phong, Kỳ Đồng, Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, Trần Khắc Chân, Hai Bà Trưng, Phan Đình Phùng, Phan Xích Long, Đinh Tiên Hoàng, Bình Thới, bến xe Chợ Lớn, Nơ Trang Long, Xô Viết Nghệ Tĩnh (từ Hàng Xanh đến cầu Thị Nghè), Kinh Dương Vương, Lê Lai, Nguyễn Biểu, Nguyễn Văn Cừ, Cách Mạng Tháng Tám, Lý Thường Kiệt... 

Về xóa giảm ngập do mưa, ông Dũng cho biết năm 2008, TP.HCM tồn tại 126 điểm ngập nhưng đến đầu năm 2011 còn 58 điểm, cuối năm 2015 còn 40 tuyến đường ngập, đến cuối năm 2018 chỉ còn 18 tuyến đường trục chính bị ngập (giảm gần 86%).

Về xóa giảm ngập do triều, năm 2018 TP.HCM tồn tại 95 tuyến đường trục chính ngập do triều nhưng đến cuối năm 2018 chỉ còn 5 tuyến trục chính bị ngập (giảm hơn 94%).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.