Tây Nguyên với hơn 500.000 ha cà phê (mà dân ở đây quen gọi là cà) sắp vào vụ thu hoạch. Nhân công tại chỗ không đáp ứng đủ nên đến hẹn lại lên, người nghèo khắp nơi náo nức đổ về đây.
Những người xa xứ lên cao nguyên mưu sinh đến từ các tỉnh Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn phía Bắc xa xôi, từ các tỉnh miền Trung: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Quảng Ngãi, đất đai cằn cỗi, thiên tai hoành hành; rồi từ các tỉnh sông nước miền Tây: Bến Tre, Tiền Giang, Đồng Tháp, An Giang đang mùa nước nổi. Ở quê không có việc gì làm, họ kéo lên đây đi thu hoạch cà phê.
Dạo quanh bến xe Buôn Ma Thuột, Buôn Hồ suốt ngày lúc nào cũng thấy tấp nập những đoàn người xuống xe, đứng ngồi la liệt chờ người đến thuê.
Anh Nguyễn Văn Bình ở huyện Đại Lộc, Quảng Nam với khuôn mặt mệt mỏi sau thời gian dài trên xe đò kể về hoàn cảnh éo le của mình. Bão số 9 vừa qua xô nhà anh sập hoàn toàn, bao nhiêu tài sản trôi theo dòng nước lũ, cả cửa hàng tạp hóa vốn là cần câu cơm của gia đình cũng tiêu tan sau bão.
Hai con anh đang học lớp một và mẫu giáo phải gửi cho ông bà ngoại, vợ vào Bình Dương làm công nhân, còn anh theo bạn lên đây “Lần đầu tiên đi hái cà, không biết có làm được không, chỉ mong kiếm được ít tiền gửi về nhà nuôi con thôi!” - Anh Bình nói.
Anh Hùng ở Nghệ An cũng không khá gì hơn. Con gái anh mới được một năm tuổi đành gửi lại cho ông bà ngoại chăm sóc. Hai vợ chồng vào đây hái cà phê thuê, lưu lạc mỗi người mỗi nơi. Vợ anh lên tận Đắk Nông, còn anh được một gia đình ở thôn 5 xã Cưliê M’Nông, huyện Cư Mgar nhận vào làm việc.
“Vào đây, nhìn con gái của chủ nhà cũng trạc tuổi con gái mình được bố mẹ nó chăm sóc khiến tui nhớ con ở quê đứt ruột. Chẳng muốn đi nhưng nhà khổ quá, phải chấp nhận thôi!”- Anh than thở.
Trong đội quân làm thuê, dễ dàng bắt gặp những chàng trai, cô gái đang ở độ tuổi teen. Lâm, một thanh niên cũng ở huyện Yên Thành, Nghệ An năm nay mới bước sang tuổi 17 mà trông già như ba mươi.
Lâm kể về cuộc đời buôn ba làm thuê làm mướn của mình. Là con đầu trong một gia đình có bốn anh em, với năm sào ruộng không thể nào đủ chu cấp cho bốn miệng ăn. Lâm đành gác lại giấc mơ học hành của mình cuối cấp hai, theo mấy anh ở quê vào Sài Gòn tìm việc. Nhưng do chưa đủ tuổi nên không công ty nào nhận Lâm. Loanh quanh khắp nơi mới kiếm được chân rửa bát ở một nhà hàng ở quận 9.
Năm ngoái có người cùng quê rủ lên Tây Nguyên hái cà phê. Thế là đi! Hái hai tháng dư được ba triệu đồng đưa về cho gia đình. “Làm cả năm dưới Sài Gòn cũng chỉ dư từng đó chứ mấy”. Năm nay Lâm hăm hở lên. “Được cái mình làm quen công việc rồi giờ vào làm được chủ thương, không bị nạt như những lính mới” - Lâm kể.
Nguyễn Thị Hương ở Can Lộc, Hà Tĩnh năm nay mới 18 tuổi. Trượt đại học năm vừa rồi, nhà nghèo không có tiền để ôn thi lại có dì ruột trong này đang cần người hái cà nên em vào giúp.
Trong bộ đồ lao động nhuốm màu đất đỏ bazan, đưa tay lên quẹt những giọt mồ hôi sau một buổi cào cỏ mệt nhọc, Hương vẫn vui vẻ kể về dự định sẽ làm đối với những đồng tiền đẫm mồ hôi kiếm được sau mùa cà phê: “Em sẽ gửi mẹ để sang năm ra Vinh ôn thi lại đại học. Phải ráng học kiếm cái nghề thôi anh ạ! Làm thuê thế này cực lắm”.
|
Lạy trời đừng mưa
Người trồng cà phê trên cao nguyên này, từ lâu đã xem đội quân lao động theo mùa vụ như một phần không thể thiếu của mùa cà phê chín. “Nhà tôi có 20ha cà phê, vào chính vụ ít phải cần từ 25-30 lao động. Không có nhân công mà hái cà thì hai vợ chồng bươn sao nổi. May mà năm nào họ cũng vào đông nên mới thu hoạch kịp thời được” - Ông Nguyễn Văn Kỷ ở xã Ia Tiêm (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) cho hay.
Có nhân công trong nhà, những chủ vườn, chủ rẫy ở đây chưa hết nỗi lo. Cái lo lớn nhất của họ là trời mưa. Vào thời điểm này, trời chỉ cần đổ mưa, người làm công không đi làm được mà tiền công thì vẫn phải trả.
Theo anh Lê Văn Hải, thôn Bon-Bu-Bơ (xã Trường Xuân, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông), với 13ha cà phê anh đã thuê 18 người làm trong nhà, lo ăn, ở trả 1,5 triệu đồng/người/tháng. Từng đó người, chỉ cần trời đổ mưa không đi làm được là ngày đó anh mất gần cả triệu bạc- “Ở đây, những gia đình nào thuê người hái cà ở trong nhà, mỗi sáng đều nhìn lên trời thì thầm: Lạy trời hôm nay đừng mưa!”.
Mỗi lao động vào vụ hái cà phê đều được các chủ rẫy lo tất tần tật từ ăn, ở, quần áo lao động đến thuốc men khi đau ốm, và trả công từ 1,5 triệu - 1,8 triệu đồng/người/tháng nên dân nghèo khắp nơi ồ ạt đổ về đây.
Anh Lê Văn Bảy ở nông trường Đrao (huyện Cư Mga, tỉnh Đăk Lăk) có ba ha cà phê. Chưa vào vụ thu hoạch nhưng trong nhà anh đã nuôi năm người làm. “Bữa nay cà chưa chín, phải gần tháng nữa. Nhưng sợ vào thời điểm hái đại trà không bói ra nhân công nên tui phải điện thoại về quê nhờ kiếm người”.
Không riêng gì anh mà cả vùng này đều vậy. Gia đình nào cũng sốt sắng lo thêm vài miệng ăn, chưa hái cà chín rộ thì đào bồn, cào cỏ và hái cà chín bói. Từ đầu tháng 10 năm trước qua tới đầu tháng Giêng năm sau, xóm làng trang trại trở nên đông vui nhộn nhịp hơn hẳn.
|
Dịch vụ ăn theo mùa cà
Khi quả cà phê căng mọng trên cành ửng đỏ cũng là lúc các chuyến xe liên tỉnh bắt đầu hoạt động rầm rộ. Anh Vinh có hai xe chạy tuyến Đăk Lăk - Hà Tĩnh. Ngày thường, xe của anh chỉ chạy cầm chừng, nhưng vào mùa cà phê xe phải tận dụng hết công suất đưa đón người, chuyến nào cũng đầy ắp khách. “Dịp này và tết là ăn nên làm ra, còn ngày bình thường ế ẩm lắm. Tất cả các nhà xe quanh đây đều thế cả” - Anh tâm sự.
Tôi rảo một vòng xung quanh bến xe tỉnh Đăk Lăk, không cần phải đợi lâu đã có mấy anh chàng xe ôm vây quanh hỏi tới tấp. “Anh cần người hái cà phê phải không? Cứ để số điện thoại và địa chỉ lại đây, có là bọn em gọi hoặc chở đến tận nơi cho”.
Thì ra đội ngũ xe ôm cũng kiêm luôn việc tuyển người cho chủ. Mỗi lao động chở vào nếu chủ đồng ý thì ngoài tiền công chở, họ còn hưởng100.000 đồng tiền cò/người do chủ trả.
Cái chợ nhỏ trước cổng nông trường Đrao ngày thường chỉ lèo tèo vài người mua bán thì nay trở nên nhộn nhịp. Chị Nguyễn Thị Huệ bán thịt khoe: “Mấy bữa rày hàng bán chạy lắm, gấp 3-4 lần ngày thường. Dịp tết cũng không bằng đâu”. Các cô đi chợ vui vẻ cười nói với nhau: “Mùa thu hoạch cà đến rồi đó”.
Theo V.T / Tiền Phong
Bình luận (0)