Mua sắm trang thiết bị y tế còn lãng phí

22/07/2017 06:35 GMT+7

“Chúng tôi tiếc vì chỉ mới kiểm toán được một phần rất nhỏ, nếu đủ thời gian, điều kiện cho phép, đánh giá toàn diện thì còn nhiều vấn đề khác”, ông Cao Tấn Khổng, Phó tổng kiểm toán Nhà nước, cho biết.

Ngày 21.7, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) họp báo thông báo kết quả kiểm toán năm 2016 và kết quả thực hiện kết luận kiến nghị kiểm toán năm 2015. Trong đó, một vấn đề thu hút quan tâm của báo giới là kết luận kiểm toán tại một số bộ, ngành, đặc biệt là công tác mua sắm, quản lý, sử dụng trang thiết bị y tế năm 2015, được công bố một phần tại kỳ họp Quốc hội mới đây đã gây phản ứng từ lãnh đạo một số bệnh viện và cả Bộ Y tế.
Ông Trần Khánh Hòa, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, cho biết những kết luận và kiến nghị của KTNN đưa ra đều dựa trên những bằng chứng hợp lý, hợp pháp, trước khi công bố đã có sự trao đổi với các đơn vị được kiểm toán và có lập biên bản xác nhận. “Đến nay, KTNN chưa nhận được bất cứ văn bản chính thức nào từ các đơn vị bệnh viện hay Bộ Y tế nêu ý kiến phản hồi không chấp nhận về kết quả kiểm toán”, ông Hòa nói.
Đề cập thêm về kết quả kiểm toán chuyên đề công tác đầu tư, mua sắm, quản lý và sử dụng trang thiết bị y tế giai đoạn 2013 - 2015, ông Nguyễn Văn Tân, Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành 3, nhận định công tác quản lý giá của Bộ Y tế còn hạn chế, có tình trạng lãng phí vì chưa có cơ sở dữ liệu giá vật tư, hóa chất theo từng loại như giá nhập khẩu, giá sản xuất trong nước, giá trúng thầu… Ngoài ra, tình trạng giá vật tư, hóa chất chỉ được phê duyệt chung chung, dẫn đến giá chênh lệch lớn, giá trúng thầu nhiều trường hợp chênh tới 50% hoặc vài lần so với giá kế hoạch.
Trong khi đó, ông Trần Minh Khương, Kiểm toán trưởng khu vực 12, đơn vị đã kiểm toán tại 3 sở y tế và các bệnh viện tuyến tỉnh của Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum giai đoạn 2013 - 2015 dẫn chứng thêm: “Tại Gia Lai, chúng tôi kiểm toán một số gói thầu thì thấy kết quả chung là giá trúng thầu cao hơn giá nhập khẩu khoảng 2,53 lần. Một số thiết bị có giá bán so với giá nhập khẩu cao từ 4 - 7 lần, có thiết bị cao hơn tới hơn 20 lần như thiết bị monitor có giá mua 114 triệu đồng nhưng giá nhập khẩu chỉ 5,3 triệu đồng”.
Kết quả kiểm toán nêu rõ việc phê duyệt giá kế hoạch giữa các bệnh viện hầu hết là khác nhau cho một loại vật tư, hóa chất của cùng một nhà cung cấp và có sự chênh lệch rất lớn giữa giá được phê duyệt cao nhất và thấp nhất. Một số vật tư có loại gấp 6,7 lần như 1 cái kim cánh bướm tại Bệnh viện Việt Đức 1.090 đồng thì ở Bệnh viện Chợ Rẫy 7.350 đồng; có loại gấp 4,8 lần như 1 dây truyền huyết thanh tại Bệnh viện Bạch Mai 3.675 đồng nhưng Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức lên tới 18.000 đồng; hóa chất có loại gấp 5,8 lần giữa các bệnh viện...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.