Mừng ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21.6

21/06/2008 01:21 GMT+7

* Một gia đình đọc báo * Về đích trong ngày Báo chí cách mạng VN * Người nước ngoài làm báo ở VN * Ngân hàng Nhà nước trao kỷ niệm chương cho các nhà báo * Thăm và tặng quà tại khu di tích ra đời Hội Nhà báo VN Ngày hội vinh danh nhà báo tại TP.HCM

Một gia đình đọc báo

Từ hàng chục năm nay, có một gia đình độc giả yêu mến và luôn cất giữ những tờ Thanh Niên, coi đó là kỷ vật, là kho tàng kiến thức không thể thiếu trong cuộc sống.

Lần giở các số báo có diễn đàn "Nước Việt Nam nhỏ hay không nhỏ" - Ảnh: T.G

Chúng tôi tìm tới nhà chị Xuân trong con hẻm nhỏ ở khu phố 1, phường Bửu Long, TP Biên Hòa (Đồng Nai) lúc đầu giờ chiều. Nhà báo Thanh Toàn, Báo Đồng Nai vui vẻ giới thiệu: "Đọc Báo Thanh Niên hoài, giờ phóng viên Thanh Niên chính gốc tới thăm nè". Anh Toàn đã từng sát cánh với chị Xuân trong phong trào Đoàn - Hội khi còn trẻ và chính anh là người phát hiện ra "bà ấy sưu tầm Báo Thanh Niên nhiều năm nay". Chị Xuân cười rất tươi: "Vô nhà chơi, nhiều lúc đọc báo, thấy thương, thông cảm cánh phóng viên lắm".

Ngay từ đầu câu chuyện, chị Xuân đã chứng tỏ mình "nắm rất chắc" những thông tin, hơi thở thời sự của Thanh Niên. Từ diễn đàn "Nước Việt Nam nhỏ hay không nhỏ" đến các ký sự, chuyên mục thời sự chính trị xã hội nóng bỏng... chị Xuân kể ra làu làu. Yêu và nắm vững tờ báo mình yêu như vậy, bỗng chợt thoáng buồn: "Mấy hôm nay đọc báo, thấy bác Kiệt mất, buồn ghê...".

Chị tâm sự rất thật: "Giờ nghỉ làm Nhà nước rồi, tiền nong eo hẹp, chỉ đọc Thanh Niên thôi". Chị "quảng cáo" con gái mình hè nay lên lớp 9, chính là "phát thanh viên điểm báo" cho cả nhà. Cứ sáng sớm, má dọn hàng, ba uống cà phê, cô bé cầm tờ báo đọc to những bài chính quan trọng để cả nhà cùng nghe và bàn luận. Chị Xuân nhớ những thông tin chính trong đầu, tới buổi trưa, rảnh rỗi, chị giở ra xem lại.

Máy tính trùm mền, chị Xuân đọc và cất giữ Báo Thanh Niên theo truyền thống gia đình từ hàng chục năm nay

Hoan hỉ mang từ trong buồng ra những chồng báo lớn, chị Xuân khoe: "Nè, em thấy không, chị cắt báo ra, sắp xếp theo từng chuyên mục rõ ràng. Chính trị xã hội một bên nè, sức khỏe - đời sống một bên nè. Cần gì, cứ giở ra, lấy đọc lại". Chị Xuân bảo, để giữ lại nguyên tờ báo thì hơi khó. Chị có thói quen cắt rồi giữ lại những chuyên mục mình ưa thích và cảm thấy cần thiết, khi cần, tìm lại cũng dễ dàng. Dù cho bên cạnh đó là một dàn máy tính, kết nối internet đầy đủ nhưng chị Xuân bảo: "Đọc báo mạng không được, chị còn buôn bán tạp hóa, chạy ra chạy vô, không thể ngồi bấm máy được".

Có khi bận quá, cả tuần chị Xuân mới có thời gian gom báo, cắt lấy các chuyên mục mình cần rồi cất đi. "Ngày đọc, đêm ngẫm nghĩ từ từ. Thông tin và bản thân các bài báo đó rất có ích lợi cho mình và mọi người".

Tết nào nhà chị cũng có báo xuân - Ảnh: T.G

Có lần, người em chị Xuân ở xa có con nhỏ bị ốm, gọi điện đến hỏi. Chị Xuân kêu người em đến ngay. Rồi chị tìm giở xấp Báo Thanh Niên viết về sức khỏe, bài thuốc. Theo những thông tin từ báo, chị chỉ rõ cho em biết chính xác cháu bé bị bệnh gì. Rồi chị bắt người em phải đưa con đi viện ngay. Vài hôm sau, cháu bé khỏi bệnh. Chi Xuân chia sẻ kinh nghiệm: "Nói có sách, mách có chứng. Đôi khi mình nói, người ta chưa tin, cứ mang báo ra chỉ là họ chịu liền". Vậy nên quanh xóm, cứ có chuyện gì liên quan đến bệnh tật, sức khỏe là bà con tìm sang nhà chị Xuân. Nhờ "bài thuốc Báo Thanh Niên", họ quý lắm, tin liền, chữa được bệnh. Nhờ cách đó, gần đây, chị Xuân đã mách cho nhiều người trị được bệnh đậu mùa, đau lúc nhức mỏi cột sống. "Nè, không chỉ thế đâu, chị còn giữ lại những tờ báo giải đề thi, thông tin tuyển sinh, các cháu quanh đây cũng cần. Mai mốt con chị đi thi đại học, cho nó xem cũng bổ ích lắm", chị Xuân khoe...

Buổi chiều dần buông trên con hẻm nhỏ. Có một gia đình, có một bạn đọc thân thiết đã và sẽ gìn giữ Báo Thanh Niên theo một truyền thống như thế. Khi mà ở ngoài kia, thời đại thông tin bùng nổ với những đường truyền internet siêu tốc... Bỗng thấy lòng mình ấm lên.

Thiếu Gia

Ngân hàng Nhà nước trao kỷ niệm chương cho các nhà báo

Các ông Nguyễn Công Khế (người đầu tiên từ trái sang), Lê Hoàng (người thứ 3) nhận kỷ niệm chương - Ảnh: D.Đ.Minh

Ngày 20.6 tại TP.HCM, Ngân hàng Nhà nước VN (SBV) đã trao kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp ngân hàng VN" cho các nhà báo Nguyễn Công Khế - Tổng biên tập Báo Thanh Niên; Lê Hoàng - Tổng biên tập Báo Tuổi Trẻ và Phạm Hồng Thái - biên tập viên Báo Tuổi Trẻ. Cùng ngày tại Hà Nội, lãnh đạo SBV đã trao kỷ niệm chương cho nhà báo Phạm Quang Minh - Phó trưởng ban, Báo Thanh Niên và một số nhà báo khác. Đây là lần đầu tiên SBV trao kỷ niệm chương cho các nhà báo có nhiều đóng góp đối với ngành ngân hàng trong việc chuyển tải những chủ trương, chính sách, tình hình hoạt động của ngân hàng trong thời gian qua.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cũng đã tặng bằng khen cho nhà báo Nguyễn Công Khế về thành tích xuất sắc trong việc tổ chức thành công chương trình Duyên Dáng Việt Nam 20 tại London (Anh) nhân dịp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm chính thức Vương quốc Anh và Bắc Ai-len, và chương trình Duyên Dáng Việt Nam rất thành công tại Úc.

T.Xuân - N.Thông

Thăm và tặng quà tại khu di tích ra đời Hội Nhà báo VN

* Thêm 105 người mù nghèo được sáng mắt

Ngày 17.6, chương trình "Nguồn sáng cho đời" đợt 43 của Báo Thanh Niên đã được tổ chức tại tỉnh Thái Nguyên và cũng là lần thứ 2 chương trình đến với an toàn khu Định Hóa. "Nguồn sáng cho đời" lần này diễn ra liên tục trong vòng 10 ngày, bắt đầu từ 12.6 và do Đoàn Thanh niên của Bệnh viện Mắt Thái Nguyên đứng ra tổ chức. Với khoản tài trợ 60 triệu đồng của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, dự kiến sẽ có thêm 105 người mù nghèo được sáng mắt trở lại.

Ông Nguyễn Duy Hùng (thứ 4 từ phải sang) - Chủ tịch Công đoàn Tổng công ty Dầu khí Việt Nam - Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam trao biểu trưng số tiền tài trợ cho lãnh đạo Bệnh viện Mắt Thái Nguyên

Sau những đợt "Nguồn sáng cho đời" do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tài trợ tại Bà Rịa - Vũng Tàu và Thái Nguyên lần này, chương trình sẽ tiếp tục đến với những bệnh nhân của Thanh Hóa, Quảng Ngãi và Nam Định.

Cùng ngày, đoàn công tác xã hội của Báo Thanh Niên đã đến di tích nơi ra đời Hội Nhà báo Việt Nam tại xóm Roòng Khoa, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa và trao tặng 10 triệu đồng cho Trạm y tế xã Điềm Mặc. Số tiền này cũng được trích ra từ nguồn tài trợ 350.000.000đ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Tin, ảnh: Phan Lê Tùng

Về đích trong ngày Báo chí Việt Nam

Sau 21 ngày đêm xuyên Việt "đạp xe vì tuổi thơ" từ Hà Nội, Võ Phú Hùng về đích trước tượng đài Bác Hồ tại TP.HCM sáng 21.6.

Năm 2007, một mình Võ Phú Hùng đạp xe vòng quanh 64 tỉnh thành VN, theo quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh trong 129 ngày, với thông điệp "Vì một xã hội văn minh, tuổi trẻ Việt Nam, nói không với ma túy". Nay với thông điệp "Đạp xe xuyên Việt vì tuổi thơ Việt Nam", Võ Phú Hùng vượt qua 21 tỉnh thành dọc quốc lộ 1 trong 21 ngày và về đích trước tượng đài Bác Hồ tại TP.HCM vào sáng nay 21.6.

Võ Phú Hùng (thứ hai từ trái sang) xuất phát trước quảng trường Ba Đình, Hà Nội - Ảnh: Võ Phú Hùng cung cấp 

Thông qua weblog http://vophuhung.vnweblogs.com, thông tin về chuyến đi được liên tục cập nhật. Hồi 8 giờ sáng 1.6, Võ Phú Hùng xuất phát trước quảng trường Ba Đình, Hà Nội. Trung bình mỗi ngày (hoặc đêm) đạp 120 - 140 km, anh nhanh chóng có mặt tại một số tỉnh thành phía Bắc, rồi miền Trung và nay là Đông Nam Bộ. Trên đường từ Hà Nội đến Huế, anh đã gặp những tấm lòng cảm phục và từ sau cuộc giao lưu trong đêm thơ nhạc 8.6 Vì tuổi thơ xứ Quảng tại TP Tam Kỳ (Quảng Nam), anh bắt đầu những hoạt động thiết thực vì tuổi thơ.

Hôm 11.6 ở Quảng Ngãi, Võ Phú Hùng đã trao 10 triệu đồng học bổng của kỹ sư Nguyễn Xuân Châu (Công ty Drafting P/L, Úc) cho 30 em học sinh Phổ Cường và Phổ Khánh, đồng thời tặng tập truyện thiếu nhi của nhà văn Nguyễn Thị Bích Nga cho tủ sách Bệnh xá Đặng Thùy Trâm. Võ Phú Hùng rất vui vì sự kiện này, bởi trước đó, khi ở Hà Nội, anh đã đến viếng mộ chị Đặng Thùy Trâm, vấn an sức khỏe bà Doãn Ngọc Trâm (mẹ của chị Thùy Trâm), nay lại được đến Phổ Cường, quê hương thứ hai của chị Đặng Thùy Trâm.  Mới đây, 19.6 anh có mặt tại buổi giao lưu ở TP Phan Thiết, cùng tặng quà cho các em thiếu niên...

Dọc hành trình, hầu như Võ Phú Hùng hoàn toàn tự lo mọi mặt, tiết kiệm chi phí trong phạm vi có thể. Khuya 12.6, Võ Phú Hùng báo tin đang nghỉ lại ven quốc lộ 1 tại ngã ba Phú Tài (TP Quy Nhơn, Bình Định), tôi hỏi vì sao không vào thành phố theo những lời mời, anh bảo, không vào nhà trọ hoặc nhà người quen, do muốn chứng minh "đất nước mình an bình và rất an bình".

Đăng Ngọc Khoa

Người nước ngoài làm báo ở Việt Nam

Đối với những người nước ngoài đang cộng tác tại một số tờ báo của Việt Nam thì ngày 21.6 là một điều mới mẻ, thú vị.

Robyn James, biên tập viên đang công tác tại tòa soạn Báo Thanhnien Daily chia sẻ, cô đã từng làm phóng viên hơn 10 năm tại những công ty truyền thông lớn như: AAP, Dow Jones, Bloomberg, tuy nhiên đây là lần đầu tiên cô được tham dự ngày hội đặc biệt này. "Nghề báo là một nghề thú vị bởi nó cho cơ hội gặp gỡ những người thú vị, khám phá những lĩnh vực mới. Tuy nhiên nó cũng đòi hỏi sự xông pha, và thậm chí không ngại nguy hiểm. Khi còn làm cho AAP, để có một bài viết "đáng đọc" tôi đã không ít lần phải tham dự những phiên tòa căng thẳng hoặc vào tận trại giam để có được những thông tin xác thực nhất. Vì vậy nếu trong 365 ngày có một ngày được dành riêng để tôn vinh nghề báo thì đó là điều hoàn toàn xứng đáng", Robyn James nói. Còn với biên tập viên Radhanath Ranadan, người đã từng làm việc tại Vietnamnews 7 năm, và đang công tác tại Thanhnien Daily từ năm 2006 cho biết: "Thật sự thì ở Việt Nam tôi chưa từng làm phóng viên, và vì vậy đó không phải là một ngày quá đặc biệt với những người nước ngoài làm báo tại Việt Nam như tôi. Điều thú vị là vào ngày đó văn phòng làm việc của chúng tôi có rất nhiều hoa, và quà từ các nơi gửi tới. Ở nước tôi không có ngày hội đặc biệt cho các ngành nghề. Nhưng ở Việt Nam có nhiều ngày hội đặc biệt để tôn vinh nghề, thì rõ ràng ngày tôn vinh những người làm báo về những đóng góp của họ cho xã hội là một điều công bằng".

Các BTV nước ngoài làm việc tại Thanhnien Daily -   Ảnh: Hữu Thọ

Với Jane Smith, phóng viên một tạp chí tiếng Anh, đã từng làm việc tại Việt Nam 2 năm thì phóng viên là một nghề vô cùng đặc biệt. Chị đã từng đến vịnh Hạ Long, thăm Hà Nội, đi du lịch Sa Pa, phỏng vấn cả hai huấn luyện viên đội tuyển quốc gia Việt Nam, ông Alfred Riedl và Calisto,... Với chị, "nghề báo cho tôi thấy nhiều khía cạnh của xã hội và con người Việt Nam, cho tôi cơ hội tiếp cận sâu hơn với nền văn hóa của đất nước này - một điều vô cùng thú vị mà những công việc khác khó có thể mang lại".

Rico, phóng viên ảnh tự do hiện đang cộng tác với khá nhiều tạp chí tại TP.HCM cho biết: "Tôi từng là phóng viên ảnh suốt 18 năm tại Philippines. Chúng tôi vẫn thường tổ chức khá nhiều cuộc họp mặt các phóng viên ảnh để những người trẻ và những người làm việc lâu năm chia sẻ kinh nghiệm. Khi đến Việt Nam tôi thật sự thích thú ngày lễ đặc biệt này. Người làm báo có công mang lại những tin tức, những sự kiện đang xảy ra cho người đọc. Nó cho ta cái nhìn tổng quan về xã hội mà ta đang sống, cả trong nước và quốc tế. Đó là một đóng góp không nhỏ. Thật thú vị khi biết rằng vào ngày này, có những cuộc thi đặc biệt dành cho người làm báo như: bóng đá, đua xe đạp, triển lãm ảnh... nhưng vì làm việc ở đây chưa đầy một năm nên khi biết thì đã trễ. Tôi đã bỏ lỡ cuộc thi ảnh vừa qua. Nhưng chắc chắn năm tới tôi sẽ tham gia đấy!".

Thanh Vân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.