Bài học từ Singapore và Bangkok
Điểm "nhấn" của chương trình đối thoại Nói và làm đầu năm 2008 diễn ra hôm qua 6.1 tại TP.HCM là sự có mặt và chia sẻ kinh nghiệm của 2 vị khách mời đặc biệt: ông Jimmy Chua Tin Chew, Tổng lãnh sự Singapore và ông Pravit Chaimongkol, Tổng lãnh sự Thái Lan, tại TP.HCM.
"Chắc các bạn ai cũng biết đến Singapore như một quốc gia tươi đẹp, thân thiện, mà như cách nói của chúng tôi là một đất nước vườn hoa. Nhưng để có được hôm nay, không phải một sớm một chiều, qua một đêm ngủ dậy là làm được. Chúng tôi đã nỗ lực suốt 20 - 30 năm qua, từ những năm của thập niên 1970, khi chúng tôi bắt đầu chiến dịch trồng cây, biến đảo quốc thành thành phố xanh. Tiếp theo, chúng tôi áp dụng cách tiếp cận tổng thể, quy hoạch sử dụng đất một cách hợp lý: khu nào công nghiệp, thương mại, dân cư... Rồi sự đầu tư rất đáng kể của Chính phủ vào việc thu gom và xử lý rác thải; xây dựng và hoàn thiện luật pháp cùng các quy định khác" - ông Jimmy Chua Tin Chew chia sẻ kinh nghiệm xây dựng Singapore trở thành thành phố văn minh lịch sự như ngày nay.
Lấy ví dụ trong lĩnh vực giao thông và môi trường, ông Jimmy Chua Tin Chew cho biết, Chính phủ Singapore đặc biệt quan tâm đến chất lượng không khí sạch. "Chúng tôi đưa ra tiêu chuẩn về khí thải của các phương tiện lưu thông, quy định loại xe nào được lưu thông trên đường, ban hành chương trình kiểm soát số lượng xe lưu thông và đưa ra chứng chỉ xe nào được lưu thông. Một người khi có sở hữu xe phải thông qua đấu giá để mua được chứng chỉ sử dụng xe. Số chứng chỉ này tương ứng với số xe Chính phủ quyết định cho lưu thông trên đường hằng tháng. Chưa hết, khi đi vào nội đô Singapore, đặc biệt trong giờ cao điểm, người sử dụng phương tiện cá nhân phải đóng thêm một khoản phí rất cao nữa. Tuy vậy, vấn đề lớn và quan trọng khác là chúng tôi xây dựng hệ thống giao thông công cộng rất tốt để mọi người có thể sử dụng" - ông Jimmy Chua Tin Chew nói.
Làm sao để các chính sách đi vào lòng dân, được người dân chấp thuận? Đại biểu HĐND TP.HCM Lê Nguyễn Minh Quang đặt câu hỏi và ông Chew trả lời: "Đối với tất cả các chính sách của chính phủ bao giờ cũng có luật lệ. Khi có luật lệ thì có cảnh sát để thực thi pháp luật. Ví dụ tại Singapore, việc xả rác chúng tôi phạt lần đầu 500 đô Singapore. Đó là một khoản tiền rất lớn. Nếu tái phạm chúng tôi còn bắt làm vệ sinh luôn chỗ thải rác ra. Nhưng chính sách và sự cưỡng chế luật pháp chỉ là một góc của vấn đề thôi. Giáo dục ý thức mới là quan trọng. Tôi còn nhớ vào ngày 15.12 vừa qua, Việt Nam thực hiện quy định đội mũ bảo hiểm khi đi xe gắn máy. 7 giờ sáng tôi đi ra đường, tôi thấy cứ 10 người thì 9 người đội mũ. Điều này làm tôi rất ngạc nhiên vì trước đây tôi hoài nghi không biết người Việt Nam chấp nhận quy định đội mũ bảo hiểm như thế nào. Rõ ràng, một khi các chính sách được giải thích rõ ràng, người dân hiểu thì họ chấp hành". |
Tương tự, ông Pravit Chaimongkol cho biết, để giao thông Bangkok được như hiện nay, Chính phủ Thái Lan cũng xác định điều đầu tiên là giáo dục ý thức tuân thủ pháp luật của người dân. Bangkok có diện tích 1.600 km2, nhưng hiện đang có 5 triệu ô tô và 2,2 triệu mô tô đăng ký, cho thấy mật độ phương tiện rất đậm đặc. "Người dân không tuân thủ pháp luật thì đi đâu cũng rất dễ xảy ra tai nạn. Tôi cũng nhất trí về tầm quan trọng của giáo dục, đặc biệt là giáo dục thiếu niên và các em nhỏ trên ghế nhà trường" - ông Pravit Chaimongkol nói.
Chính phủ Thái Lan cũng quy định và áp dụng nghiêm mức thưởng - phạt trong giao thông, đồng thời đề ra các quy định để khối doanh nghiệp tư nhân, nhất là doanh nghiệp sản xuất xe ô tô, sản xuất ra loại xe giảm được mức độ ô nhiễm môi trường. "Quan trọng nhất là những người sử dụng đường. Họ phải tôn trọng những người đang tham gia lưu thông cũng như luật pháp. Ngay khi rời khỏi nhà là mình đã liên hệ và giao lưu với những người khác. Điều đó đòi hỏi phải biết tôn trọng lẫn nhau, biết sống với nhau" - ông Pravit Chaimongkol nhấn mạnh.
Có cách nào để người lưu thông không bóp kèn inh ỏi khi đi ngoài đường? Một khán giả hỏi và ông Pravit trả lời: "Theo tôi vấn đề là tuân thủ pháp luật, tuân thủ quy định về giao thông. Nếu mình đi đúng tuyến, đúng luồng thì không phải bóp kèn. Còn ở đây (TP.HCM - PV) tôi có cảm tưởng lái xe như đang đi bộ. Đang ngồi trên xe, muốn rẽ phải, rẽ trái thì rẽ, chẳng đưa ra tín hiệu gì cả".
Kỳ vọng vào lớp trẻ
Để xây dựng nếp sống văn minh ở thành phố, Chủ tịch HĐND TP.HCM Phạm Phương Thảo cho rằng cần phải làm "trường kỳ, liên tục" và phải mất nhiều năm nữa mới thấy hiệu quả. Trong năm 2008, thành phố chỉ tập trung làm chuyển biến ở 3 lĩnh vực: chấp hành luật pháp giao thông, giữ gìn vệ sinh môi trường và cải thiện văn hóa ứng xử nơi công sở. "Mỗi ngành, mỗi cấp, mỗi người đều phải vào cuộc quyết liệt mới mong chuyển biến được tình hình. Ngành giáo dục phải đưa vào chương trình giáo dục từ trong nhà trường cho các em học sinh, sinh viên; ngành văn hóa thông tin phải đẩy mạnh tuyên truyền và đặc biệt CSGT phải tuần tra, xử phạt quyết liệt hơn. Chúng ta đặt trọng tâm vào đối tượng là những người trẻ, hy vọng những người trẻ góp phần quan trọng làm bộ mặt thành phố ngày càng văn minh, hiện đại hơn" - bà Thảo nói.
Xử phạt nghiêm là một trong những biện pháp nâng cao ý thức của người dân (ảnh: M.Đ - H.Nam) |
Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo Huỳnh Công Minh cho biết sẽ đẩy mạnh giáo dục, cải cách phương pháp giáo dục môn đạo đức công dân. Tuy vậy, ông Minh cũng kiến nghị cần có cơ chế phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội để đảm bảo hiệu quả giáo dục cao nhất. "Nhiều em học, làm bài thi về pháp luật giao thông rất tốt, nhưng khi ra đường lại vi phạm, có thể do những tác động trực quan ngoài xã hội" - ông Minh nói. Nhìn nhận thực tế này, ông Lê Nguyễn Minh Quang đại biểu HĐND TP.HCM, đề nghị CSGT phạt thật nghiêm ngay từ những hành vi cố tình chen lấn khi lưu thông trên đường, như đi sau nhưng len lên đậu trước để giành đường, lấn tuyến...
Thượng tá Võ Văn Vân, Phó trưởng Phòng CSGT đường bộ, Công an TP.HCM, cho biết trong năm 2007, CSGT đã phạt hơn 1,3 triệu vụ vi phạm với số tiền 131 tỉ đồng. "CSGT luôn quán triệt tinh thần xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Chúng tôi cũng đang đẩy mạnh các biện pháp xử phạt qua hình ảnh thu được từ camera, tăng cường tuần tra để tạo tâm lý cho người lưu thông rằng luôn có lực lượng chức năng giám sát" - ông Vân nói. Liên quan đến thái độ của CSGT khi làm nhiệm vụ, ông Vân cho biết Công an thành phố đã và đang tập huấn cho lực lượng CSGT về văn hóa ứng xử, giao tiếp để xây dựng một lực lượng vừa thực thi nghiêm pháp luật, vừa thân thiện trong giao tiếp. "CSGT từng mở những lớp Nụ cười CSGT để tập huấn tác phong, cách ứng xử và chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục công việc này" - ông Vân nói.
Đức Trung
Bình luận (0)