Ngăn chặn tiêu cực trong việc cho nhận con nuôi quốc tế

23/08/2008 16:09 GMT+7

Tại Hội nghị tổng kết 3 năm thực hiện Hiệp định hợp tác về con nuôi giữa VN và Hoa Kỳ, tổ chức hôm qua 22.8 tại Hà Nội, việc trục lợi trong hoạt động cho - nhận con nuôi đã được đem ra "mổ xẻ"...

Theo báo cáo của Cục Con nuôi quốc tế, Bộ Tư pháp, từ khi Hiệp định hợp tác con nuôi VN - Hoa Kỳ có hiệu lực (1.9.2005) đến nay, số trẻ làm con nuôi tại Hoa Kỳ tăng lên hằng năm: năm 2005-2006 là 250 trẻ, năm 2007 là 970 trẻ; từ đầu năm 2008 đến nay là 380 trẻ, chưa kể khoảng 200 hồ sơ đang được giải quyết.

Mới đây, sau khi phía Hoa Kỳ quyết định không gia hạn hiệp định, 134 nghị sĩ Hoa Kỳ (trong đó có những nghị sĩ nổi tiếng như Barack Obama, John D.Rockefeller IV, Hillary Rodham Clinton...), hàng trăm hiệp hội, tổ chức nuôi con nuôi Hoa Kỳ, cùng 8.460 người dân Hoa Kỳ đã ký tên đề nghị tiếp tục chương trình hợp tác con nuôi này. Hiện nay, trong 69 tổ chức nuôi con nuôi nước ngoài được Bộ Tư pháp cấp phép hoạt động tại VN, có 42 tổ chức con nuôi Hoa Kỳ.

Nhưng bên cạnh kết quả nhân đạo, vấn đề gây bức xúc trong dư luận thời gian gần đây là có một số cán bộ trung tâm bảo trợ, nuôi dạy trẻ mồ côi đã trục lợi trong hoạt động cho - nhận con nuôi. Ông Vũ Đức Long, Cục trưởng Cục Con nuôi quốc tế, phân tích: "Việc dùng tiền mặt cùng với cơ chế tài chính mềm dẻo của phía các tổ chức con nuôi Hoa Kỳ, cộng với cơ chế quản lý tài chính rất lỏng lẻo của một số địa phương VN đã tạo ra lỗ hổng đáng lo ngại trong việc dùng tiền mặt để hỗ trợ trực tiếp cho trẻ. Đây chính là mảnh đất béo bở cho sự móc ngoặc, thông đồng giữa tổ chức con nuôi và cơ sở nuôi dưỡng trẻ và cho việc tham nhũng, trục lợi vượt ra khỏi tầm kiểm soát của các cơ quan công quyền. Vấn đề hóc búa này chỉ có thể được giải quyết bằng cơ chế mới nhằm đảm bảo tối đa nguyên tắc minh bạch tài chính và kiểm soát từ phía các cơ quan công quyền".

Ông Vũ Đức Long cho rằng, để giải quyết vấn đề tiêu cực trong việc cho nhận con nuôi quốc tế rất cần một cơ chế phù hợp. Ông Long cho biết VN đang đệ trình cơ chế mà nhiều nước đang áp dụng, theo đó, các tổ chức nuôi con nuôi nước ngoài sẽ không được tiếp xúc trực tiếp với các đơn vị nuôi trẻ em bỏ rơi ở VN. Bên nuôi trẻ và bên có nhu cầu nhận trẻ sẽ gửi hồ sơ và được ráp nối bởi Cục Con nuôi quốc tế. Qua cơ quan này, các trung tâm cũng sẽ được nhận tiền từ các tổ chức để duy trì hoạt động nhưng họ sẽ không biết đó là tiền từ tổ chức nào và sẽ tránh được tình trạng "đi đêm" giữa hai bên...

Bà Lê Thị Hoàng Yến, Phó cục trưởng Cục Con nuôi quốc tế, quan ngại: "Trước tình trạng có hồ sơ trẻ bị làm giả, chúng tôi rất lo ngại khi cho một hồ sơ nào đi. Có những hồ sơ rất đầy đủ nhưng có biểu hiện bất thường, ví dụ như số trẻ bỏ rơi được phát hiện ở địa phương tăng đột biến, một số hồ sơ có sự trùng lặp đến đáng ngờ. Về mặt lý, chúng tôi rất khó bắt bẻ, nhưng trong tâm thì không thấy yên tâm, có điều gì đó không bình thường. Nếu hồ sơ có xác nhận của cơ quan công an, chúng tôi rất tin tưởng. Nhưng như ở Nam Định, gần như 100% hồ sơ đều qua công an, rất đau lòng là trong đó lại có hồ sơ giả".

 Thanh Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.