Ngăn chặn xã hội đen chi phối đấu giá

25/10/2016 06:27 GMT+7

Nhiều quy định mới của dự án luật Đấu giá tài sản có tính khả thi cao nhưng không chắc chắn các quy định này có thể triệt tiêu hoàn toàn nạn cò mồi, xã hội đen.

Đây là tâm tư của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Hoàng Thị Thu Trang, Phó cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Nghệ An tại phiên thảo luận sáng 24.10 của QH về dự án luật Đấu giá tài sản.
“Quân xanh, quân đỏ” diễn ra nhức nhối
Cá biệt ở Nghệ An có trường hợp đã dùng súng để đe dọa, chi phối, làm ảnh hưởng đến kết quả bán đấu giá, thu lợi bất chính đồng thời vô hiệu hóa các quy định của pháp luật của nhà nước gây hoang mang cho người dân
ĐBQH Hoàng Thị Thu Trang,
Phó cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Nghệ An

Theo ĐB Trang, thực tiễn việc bán đấu giá tài sản, đặc biệt là bất động sản hiện nay đang bị chi phối bởi các nhóm đối tượng “cò, xã hội đen”. Các nhóm này mặc dù không tham gia trực tiếp nhưng bằng mọi cách uy hiếp người đấu giá. “Cá biệt ở Nghệ An có trường hợp đã dùng súng để đe dọa, chi phối, làm ảnh hưởng đến kết quả bán đấu giá, thu lợi bất chính đồng thời vô hiệu hóa các quy định pháp luật của nhà nước gây hoang mang cho người dân”, bà Trang nói, và cho rằng cần có những quy định cụ thể về trách nhiệm của chính quyền địa phương và các tổ chức bán đấu giá trong việc bảo vệ các phiên đấu giá, nhất là các phiên đấu giá tài sản có giá trị lớn.
Theo ĐB Trang, trình tự thủ tục dự thảo lần này có bước đột phá để ngăn chặn tình trạng thông đồng “quân xanh, quân đỏ” đang diễn ra nhức nhối hiện nay, trong đó có các quy định liên quan đấu giá viên. Tuy nhiên, để tổ chức một phiên đấu giá còn có sự tham gia tích cực của một lực lượng khác đi kèm như thư ký, chuyên viên... “Đây có thể là nhóm có khả năng vi phạm rất lớn nhưng chưa được đề cập, đề nghị dự luật bổ sung tiêu chuẩn, các hành vi cấm và các quy định khác liên quan”, ĐB Trang kiến nghị.
Trước đó, báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, cho biết Ủy ban Thường vụ QH đã chỉnh lý lại một số quy định liên quan theo hướng quy định chặt chẽ hơn trình tự, thủ tục đấu giá tài sản... để ngăn chặn tình trạng “quân xanh, quân đỏ”, tránh gây thất thoát cho ngân sách nhà nước.
Kiểm soát đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm
Về tài sản đấu giá, ĐB Hoàng Quốc Thưởng (Hải Dương) đề nghị bổ sung thêm tài sản các doanh nghiệp có từ 30% vốn nhà nước trở lên. Lý do là hiện nay tất cả các tập đoàn kinh tế lớn như điện lực, than khoáng sản, hàng không, dầu khí, bia, rượu, thuốc lá... đã và đang cổ phần hóa, phần nhà nước vẫn còn trong đó, hằng năm bán tài sản, thanh lý tài sản do thay đổi dây chuyền sản xuất, vật tư phế liệu là rất lớn. Nhưng điều đáng nói là nhiều doanh nghiệp là chủ tài sản đã tự tổ chức bán mà không qua đấu giá nên có thể dẫn tới thất thoát, tiêu cực.
ĐB Hoàng Văn Cường (Phó hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế Quốc dân, TP.Hà Nội) không đồng tình việc giao cho Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng VN (VAMC) thực hiện việc đấu giá tài sản giống như các tổ chức khác khi bán nợ xấu. “Khi chúng ta bán tài sản dù nợ xấu thì đây cũng là tài sản nhà nước, cũng giống như các tổ chức khác. Do vậy, khi chúng ta bán phải thực hiện thông qua các tổ chức đấu giá. Nếu giao cho VAMC cơ quan vừa quản lý tài sản nợ xấu vừa bán nợ xấu, điều này không khác gì chúng ta tạo ra sự không bình đẳng là những cơ quan quản lý tài sản thì không được bán nhưng riêng VAMC được bán”, ĐB Cường nói.
Phát biểu cuối phiên họp, Phó chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển cho biết do vấn đề đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm khoản nợ xấu còn ý kiến khác nhau lớn nên Ủy ban Thường vụ QH sẽ chỉ đạo Ủy ban Kinh tế phối hợp với Ban Thư ký của QH xin ý kiến các vị ĐBQH về vấn đề này trước khi trình QH biểu quyết thông qua luật.
Chiều qua (24.10), QH thảo luận về dự luật Tín ngưỡng, tôn giáo. Dự thảo luật quy định, tên gọi của tổ chức, tôn giáo đăng ký hoạt động tôn giáo không trùng với tên các tổ chức đã được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo hoặc công nhận tổ chức tôn giáo, tên tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội hoặc tên các danh nhân, anh hùng dân tộc. Theo nhiều ĐB, quy định này vẫn chưa chặt chẽ vì định nghĩa chính xác về danh nhân vẫn còn nhiều tranh cãi. “Hiện nay nước ta vẫn chưa có danh sách chính thức về các danh nhân. Do vậy, việc quy định dự thảo có thể gây khó khăn cho việc áp dụng”, ĐB Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) nêu quan điểm.
ĐB hòa thượng Thích Bảo Nghiêm (Hà Nội) đánh giá cao dự thảo luật lần này đã thay thế nhiều quy định về cơ chế "xin - cho" trước đây bằng hình thức đăng ký hoặc thông báo. Để luật thêm hoàn thiện, hòa thượng Thích Bảo Nghiêm kiến nghị cần có quy định một tổ chức, bộ máy của cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo, tín ngưỡng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.