Ngập lụt kinh hoàng ở miền Trung

11/12/2018 06:40 GMT+7

Mưa lớn gây ngập lụt kinh hoàng ở miền Trung, nhiều nơi bị cô lập. Hàng ngàn hộ dân nằm trong diện ngập nặng ở TP.Tam Kỳ, H.Phú Ninh, H.Núi Thành (Quảng Nam) phải di dời, lánh nạn.

Nước ngập tới mái nhà
[VIDEO] Đi vào rốn lũ Quảng Nam: Nước ngập tận cổ, nhà chỉ còn thấy nóc
Hôm qua (10.12), địa bàn Quảng Nam bị ngập cục bộ nhiều nơi. Tại TP.Tam Kỳ, hàng loạt tuyến đường nước ngập sâu 1 - 1,2 m; người dân phải sử dụng ghe thuyền nhỏ để di chuyển.
Tại các xã: Tam Đàn, Tam An (H.Phú Ninh), Bình Trung, Bình Tú, Bình Nguyên... (H.Thăng Bình), nhiều nhà dân nước ngập tận nóc. Địa phương và các ngành chức năng đã phải di dời hàng ngàn hộ dân nằm trong diện ngập nặng ở TP.Tam Kỳ, H.Phú Ninh, H.Núi Thành đến các nơi khô ráo để lánh nạn. Riêng TP.Tam Kỳ di dời hơn 1.300 hộ dân trong số gần 4.000 ngôi nhà bị ngập.
“Từ trước tới nay chưa có trận ngập lụt nào lớn như thế này. Trận này còn lớn hơn cả trận ngập lụt lịch sử năm 1999”, ông Bùi Văn Tiên (50 tuổi, ở xã Tam Đàn, H.Phú Ninh), một người dân nằm trong diện phải di dời, cho biết.
Nhiều khu vực tại H.Phú Ninh nước ngập sâu từ 1 - 1,5 m
Nhiều khu vực tại H.Phú Ninh nước ngập sâu từ 1 - 1,5 m
Theo ông Hồng Quốc Cường, Chủ tịch UBND H.Thăng Bình, địa phương đã điều động nhiều ca nô và phương tiện vào các vùng bị ngập nặng để di dời dân. Tuyến QL1 qua H.Thăng Bình ngập sâu, phương tiện lưu thông qua địa bàn Quảng Nam phải rẽ lên đi theo tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.
“Mưa đang tiếp diễn, nước nguồn đổ về, có khả năng lũ sẽ tiếp tục dâng cao. Đợt lũ này khá bất thường, đột ngột”, ông Cường nhận định.
[VIDEO] Ca nô, xuồng cao su chạy trên quốc lộ 1A ở Quảng Nam vì ngập quá nặng
Nhiều nhà dân ở xã Tam Đàn (H.Phú Ninh) ngập gần tới mái
Nhiều nhà dân ở xã Tam Đàn (H.Phú Ninh) ngập gần tới mái
Nhiều khu dân cư bị lũ chia cắt
Tại Quảng Ngãi, do hồ chứa nước Núi Ngang (thuộc địa bàn H.Đức Phổ) xả nước điều tiết lũ với lưu lượng 142 m3/giây nên đến chiều 10.12 mực nước trên con sông này ở mức 5,65 m, trên báo động 3 là 0,15 m khiến nhiều vùng hạ du ngập chìm trong biển nước. UBND H.Đức Phổ thống kê có hơn 1.000 nhà dân ở các xã Phổ Ninh, Phổ Minh, Phổ Văn và Phổ Thuận bị ngập gần 1 m.
Cô Nguyễn Thị Tiệm, Hiệu trưởng Trường mầm non Hành Dũng (H.Nghĩa Hành), cho biết nước lũ kéo về, cứ rút rồi lên nhanh vài lần, làm cả trường không trở tay kịp. Trong đêm 9.12, lũ từ thượng nguồn đổ về sông Phước Giang ngập hai bên bờ và tràn vào trường gây ngập sâu 1 m. Nước “ngâm” ngôi trường cả đêm; đến 6 giờ ngày 10.12 mới rút. Ông Bùi Đình Thời, Phó chủ tịch UBND H.Nghĩa Hành, nói nếu mưa lũ tiếp tục diễn biến phức tạp, sẽ cho học sinh nghỉ học.
Mưa lớn cũng làm nhiều tuyến đường các huyện miền núi ở Quảng Ngãi bị sạt lở nghiêm trọng, gây ách tắc giao thông. Tại huyện miền núi Ba Tơ, tuyến đường Ba Dinh - Ba Giang bị sạt lở với khối lượng đất đá hàng ngàn mét khối. Tuyến đường từ TT.Ba Tơ đi Ba Trang có 8 điểm sạt lở, trong đó có 3 điểm sạt lở nặng. Tuyến đường 628 (Thanh An - Long Môn, thuộc huyện miền núi Minh Long) có 10 điểm sạt lở...
Ông Dương Văn Tô, Giám đốc Sở NN-PTNT, Phó ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi, cho rằng mưa lũ diễn ra trong những ngày qua tại địa bàn Quảng Ngãi nói riêng cũng như khu vực miền Trung nói chung không trái quy luật, thậm chí năm ngoái đến cuối tháng 12 dương lịch vẫn còn mưa lũ.
[VIDEO] Dân Bình Định chặt cây ngăn đường vì nước lũ tràn về gây ngập sâu
Tại Bình Định, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho biết từ tối 9.12 đến sáng 10.12, nước lũ dâng cao khiến nhiều khu vực tại các huyện Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Phù Cát, Tuy Phước, TP.Quy Nhơn... bị ngập sâu; nhiều xã ở phía đông các huyện này bị lũ chia cắt.
Sáng 10.12, nước lũ đã tràn qua QL1 gây ngập sâu 0,5 m ở đoạn đi qua địa bàn xã Mỹ Hiệp (H.Phù Mỹ) khiến các phương tiện lưu thông rất khó khăn và nguy hiểm. Hơn 238.000 học sinh tỉnh Bình Định đã nghỉ học. Tính đến chiều cùng ngày, tỉnh Bình Định còn 2.194 nhà bị ngập nước, 5 nhà sập, 6.828 ha lúa mới gieo sạ bị ngập hoặc hư hỏng... Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định đã có văn bản đề nghị Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tạo điều kiện giúp đỡ cho 9 tàu cá (tổng cộng 72 ngư dân) của tỉnh vào trú tránh đảo Hải Nam (Trung Quốc).
Khu vực các tàu cá này hoạt động ở bắc Biển Đông bị ảnh hưởng của gió mùa đông bắc, có gió to, sóng lớn. Hiện tỉnh Bình Định đã có tàu cá BĐ 97837 TS bị chìm (8 người trên tàu được cứu an toàn) và 1 ngư dân bị rơi xuống biển mất tích là ông Trần Văn Cu (42 tuổi, ở xã Hoài Hải, H.Hoài Nhơn), thuyền viên tàu cá BĐ 96652 TS.
Sạt lở đường sắt và nhiều tuyến đường du lịch
Hôm qua, khoảng 50 công nhân được huy động tại Km 865+730 thuộc tuyến đường sắt bắc - nam đoạn đi qua P.An Sơn (TP.Tam Kỳ, Quảng Nam) để khắc phục sự cố sạt lở. Đoạn đường sắt bị sạt lở kéo dài khoảng 20 m. Hiện đoạn đường sắt này vẫn đảm bảo sự thông suốt cho các chuyến tàu. Tuy nhiên, các đoàn tàu được cảnh báo nên chạy rất chậm... Sạt lở cũng đe dọa các tuyến du lịch lên bán đảo Sơn Trà ở 2 nhánh lên trạm ra đa và khu bãi Đa; xuất hiện sạt lở đường vào chùa Hương Sơn, Q.Ngũ Hành Sơn (TP.Đà Nẵng).
Công ty CP đường sắt Nghĩa Bình cũng cho biết tuyến đường sắt bắc - nam bị sạt lở, hư hỏng tại 3 điểm ở đoạn từ ga Bồng Sơn đến ga Vạn Phú (thuộc địa bàn H.Hoài Nhơn, Bình Định) vào tối 9.12. Ngay trong đêm, ngành đường sắt đã đình chỉ việc chạy tàu qua khu vực trên, đồng thời khẩn trương huy động lực lượng tổ chức khắc phục. Đến trưa 10.12, tàu đã qua lại được tại những điểm này nhưng tốc độ không quá 5 km/giờ.
Bên cạnh đó, nhiều địa phương tại Quảng Trị cũng chịu thiệt hại nặng sau lũ: 449 nhà bị ngập cục bộ (từ 0,5 - 2 m); 5.710 con gia cầm bị chết và cuốn trôi; hơn 164 ha mặt nước hồ cá nước ngọt bị vỡ, tràn; hàng loạt kênh mương, đê tại H.Vĩnh Linh sạt trôi, hư hỏng; bờ sông qua khu dân cư ở xã Triệu Long (H.Triệu Phong) tiếp tục sạt lở; kè Thành cổ Quảng Trị bị sạt 2 đoạn dài 100 m...
Bác tin Quảng Nam ngập lụt do thủy điện xả lũ
Ngày 10.12, ông Lê Trí Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, đã ký công văn đề nghị Bộ Công thương chỉ đạo Cục Điều tiết điện lực tách 4 nhà máy thủy điện: Sông Tranh 2, A Vương, Sông Bung 4, Đắk Mi 4 ra khỏi thị trường phát điện cạnh tranh để thực hiện tích nước hồ theo quy định. Theo UBND tỉnh Quảng Nam, mặc dù mưa lớn diễn ra suốt 3 ngày (8 - 10.12), nhưng các hồ chứa thủy điện nói trên vẫn bị thiếu hụt hơn 787 triệu m3, là lượng nước thiếu hụt nghiêm trọng nhất từ trước đến nay. Theo ông Lê Trí Thanh, chỉ còn 5 ngày nữa là đến thời hạn cuối của mùa lũ theo quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn, vì vậy để đảm bảo nguồn nước cấp cho sinh hoạt và sản xuất của nhân dân vùng hạ du sông Vu Gia - Thu Bồn trong năm 2019, bắt buộc các hồ chứa thủy điện phải tích nước, không phát điện. UBND tỉnh Quảng Nam cũng khẳng định, đến cuối ngày 10.12, không có chuyện các hồ chứa thủy điện trên hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn xả lũ, khiến hạ du ngập nặng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.