Ngày làm việc thứ 2 của HĐND TP Hà Nội: Điều chỉnh tăng giá nước và vé xe buýt

11/07/2007 12:04 GMT+7

Sáng nay 11/7, HĐND Thành phố nghe UBND Thành phố trình Tờ trình về một số cơ chế chính sách nhằm thúc đẩy mạnh việc thực hiện xã hội hóa trong một số lĩnh vực dịch vụ đô thị, y tế, văn hóa, giáo dục. Hà Nội được đánh giá là một trong những địa phương đi đầu về xã hội hóa.

Ở lĩnh vực dịch vụ đô thị, thành phố đã triển khai thực hiện cơ chế đấu thầu, cung ứng các sản phẩm dịch vụ đô thị (thay cho cơ chế giao thầu như trước đây). Sở GTCC đã phối hợp với các ngành xây dựng phương án cung ứng các sản phẩm dịch vụ đô thị như duy trì thoát nước, hệ thống chiếu sáng, công viên, vườn thú, cây xanh, vườn hoa, vỉa hè, vận tải hành khách công cộng...

Trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, Ban Chỉ đạo xã hội hóa thành phố đã thẩm định Kế hoạch đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục đào tạo đến năm 2010, trong đó đề xuất 3 đề án: Chuyển đổi loại hình các trường mầm non nông thôn ở những xã khó khăn của các huyện ngoại thành sang loại hình công lập, đối với các trường ở những nơi có điều kiện thuận lợi từng bước chuyển sang loại hình dân lập, tư thục; chuyển đổi 15 trường mầm non bán công, thí điểm bán công sang loại hình công lập tự chủ, tự chịu trách nhiệm; thí điểm chuyển đổi trường Trung học Bán công Kỹ thuật Tin học ESTIH sang tư thục.

Về lĩnh vực Y tế, Sở Y tế đã xây dựng 3 đề án huy động vốn đầu tư trang thiết bị cho các bệnh viện U bướu 67 tỷ đồng, bệnh viện Thanh Nhàn 110 tỷ đồng, bệnh viện mắt Hà Nội 8,6 tỷ đồng. Hiện thành phố có 3.727 cơ sở hành nghề y, dược tư nhân đang hoạt động.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Thị Thanh Hằng, những gì mà Hà Nội làm được còn chưa tương xứng với tiềm năng phát triển. Mục tiêu xã hội hóa đang bị “bủa vây” bởi rất nhiều khó khăn khách quan và chủ quan như: nhận thức của một số ngành, cấp, bộ phận cán bộ, nhân dân về xã hội hóa chưa đầy đủ; việc ban hành cơ chế chính sách còn chưa sát với thực tiễn; một số lĩnh vực xã hội hóa đòi hỏi vốn đầu tư ban đầu lớn...

"Xã hội hóa nhằm huy động các nguồn lực của xã hội không có nghĩa là giảm bớt sự đầu tư của nhà nước, thậm chí nhà nước còn phải tăng cường đầu tư vào nhiều lĩnh vực khó", bà Hằng phát biểu.

Đơn cử ngành y tế, giáo dục có những mảng đầu tư đòi hỏi vốn lớn và mang tính phục vụ công ích nếu không có sự đầu tư của nhà nước chắc chắn sẽ không có doanh nghiệp nào đám đầu tư. Và mục tiêu mà xã hội hóa đặt ra là nhằm huy động nguồn lực toàn xã hội, tạo điều kiện để toàn xã hội, đặc biệt là các đối tượng chính sách, người nghèo được thụ hưởng thành quả giáo dục đào tạo, y tế, văn hóa, thể dục thể thao ở mức độ ngày càng cao.

Tiếp theo báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế ngân sách, các đại biểu đã thảo luận về dự thảo Nghị quyết bàn về cơ chế chính sách đẩy mạnh xã hội hóa.

Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Minh (tổ Thanh Xuân) thắc mắc về dịch vụ đô thị trong khu đô thị mới có điều chỉnh trong Nghị quyết của HĐND hay không? Đại biểu Phạm Thị Thành (tổ Từ Liêm) cho rằng cần đưa ra để làm cho rõ các vụ việc như vũ trường New Century và trách nhiệm của các cơ quan hữu trách.

Hai lĩnh vực được các đại biểu rất quan tâm là giáo dục và y tế. Qua ý kiến của đại biểu có thế thấy tâm lý lo ngại khi chuyển đổi mô hình từ công lập sang ngoài công lập…

Đến gần cuối giờ trưa nay các đại biểu vẫn tiếp tục thảo luận sôi nổi về cơ chế chính sách xã hội hóa. Do vẫn còn nhiều ý kiến thảo luận nên Thường trực HĐND đã đề nghị UBND hoàn thiện phần cơ chế chính sách về xã hội hóa để buổi họp cuối cùng sẽ thông qua Nghị quyết.

Tăng giá giữ xe đạp, xe máy, giá nước, giá vé xe buýt

Một tờ trình khác khá quan trọng mà UBND trình bày trước HĐND Thành phố sáng nay là Các đề án thu phí, lệ phí thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND Thành phố (HĐND Thành phố có thẩm quyền quy định 28 khoản phí và 11 khoản lệ phí).

Căn cứ vào tình hình thực tế, UBND Thành phố trình HĐND sửa đổi, bổ sung 5 quy định thu phí đã ban hành; 8 quy định thu phí xây dựng mới và 12 quy định thu lệ phí mới trên địa bàn thành phố.

Mức thu phí giữ xe đạp, xe máy được đề nghị điều chỉnh theo hướng tăng như sau: Phí giữ xe đạp ban ngày 1.000 đồng/lượt (ban đêm 2.000 đồng/lượt),  xe máy ban ngày 2.000 đồng/lượt (ban đêm 3.000 đồng/lượt). Phí giữ xe đạp theo tháng 25.000 đồng/tháng; xe máy 45.000đ/tháng.

Trong sáng nay HĐND TP quyết định điều chỉnh giá nước sạch. Các đại biểu đã thống nhất tăng giá theo phương án 1 do UBND TP đệ trình. Nghĩa là tăng mức giá nước sinh hoạt tối thiểu từ 2.800đ/m3 lên 3.200đ/m3 cho 16m3 đầu tiên. "Mức giá nước sinh hoạt tối thiểu tăng không nhiều (14%) và vẫn thấp hơn chi phí sản xuất lưu thông nước sạch (3.438 đồng/m3) nên không gây biến động lớn đối với đời sống của nhân dân thủ đô", chủ tọa kỳ họp phát biểu sau khi các đại biểu thống nhất tăng giá nước sinh hoạt theo phương án 1. Dự kiến, giá nước mới bắt đầu áp dụng từ quý IV/2007.

Cũng trong sáng nay, HĐND TP còn quyết định điều chỉnh giá vận chuyển hành khách công cộng bằng xe buýt. Giá vé dành cho đối tượng học sinh - sinh viên sẽ tăng từ 25.000 đồng lên 35.000 đồng cho vé tháng đi 1 tuyến, giá vé liên tuyến tăng từ 50.000 đồng lên 70.000 đồng. Giá vé dành cho đối tượng thông thường sẽ tăng từ 50.000 đồng lên 75.000 đồng cho vé tháng 1 tuyến, giá vé liên tuyến tăng từ 80.000 đồng lên 120.000 đồng.

Đối với giá vé lượt, vẫn giữ ổn định ở mức 3.000 đồng nhằm khuyến khích những hành khách đi lại không thường xuyên có cự ly từ 5km trở lên sử dụng xe buýt.

Phương Liên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.