Nghề làm thân cho... chó cắn

03/08/2014 09:10 GMT+7

Vì yêu chó, yêu nghề, xem việc tập luyện với chó là một cách để mưu sinh nên dù có mang nhiều vết cắn, đau đớn, thì hằng ngày những 'quân xanh' vẫn âm thầm đến những sân tập trong trường huấn luyện để 'làm thân cho chó cắn '.

Vì yêu chó, yêu nghề, xem việc tập luyện với chó là một cách để mưu sinh nên dù có mang nhiều vết cắn, đau đớn, thì hằng ngày những “quân xanh” vẫn âm thầm đến những sân tập trong trường huấn luyện để “làm thân cho chó cắn”.

Nghề làm thân cho ...chó cắn
Trong huấn luyện chó, làm “quân xanh” là một công việc nguy hiểm rất cao, thậm chí đến tính mạng - Ảnh: Lam Ngọc

Chưa tới 7 giờ sáng nhưng Trường huấn luyện chó nghiệp vụ PDS (cơ sở đặt tại P.An Phú Đông, Q.12, TP.HCM) đã inh ỏi tiếng chó sủa. Hàng trăm cái lồng sắt kiên cố được đặt sát nhau. Một vài con Rottweiler được nhốt ở ngay cửa ra vào, phía bên trái là những con chó Đức, chó Phú Quốc… chung một nét mặt hung hãn. Con lớn nhất có thể lên tới 60, 70 kg. Thấy người lạ, cả đàn chó nhao nhao như muốn phá tung lồng sắt nhảy ra ngoài. Anh Phan Thanh Long (chủ cơ sở) cho biết: “Những con chó này phần lớn mới được gửi tới trung tâm nên còn nguyên tính hoang dã. Chỉ cần một sơ ý nhỏ là có thể lãnh đòn ngay”.

“Đêm nào cũng mơ thấy chó rượt”

Trong bộ quần áo dày màu xanh khá dày, anh Hồ Sỹ Nam (29 tuổi, quê Nghệ An) xách túi đồ bảo hộ ra sân bắt đầu bài tập với những “học trò mới”.

Vừa nghe hiệu lệnh “chú ý”, một con Rottweiler hung tợn chạy bổ tới chồm lên người anh Nam. Sau một hồi vật vã, tay áo bảo hộ của anh Nam rách toạc. Vài móng vuốt in hằn trên da. Vẻ mặt nhăn nhó vì đau sau khi bị tấn công, anh Nam nói: “Mấy vết cào như thế này ngày nào cũng gặp 5 - 7 vết. Ngày mới vào nghề cũng sợ lắm. Sợ tới nỗi đêm nào cũng mơ thấy mình bị chó rượt, nhiều đêm liền mất ngủ vì ám ảnh bị chó cắn”.

 

Dù nhiều rủi ro, đôi lúc có đau đớn và mệt mỏi nhưng một ngày không nghe tiếng chó sủa là lại thấy nhớ. Lòng yêu nghề, yêu chó, cộng với có việc làm để mưu sinh, nghề này như gắn chặt với đời mình

Anh Nguyễn Bá Sĩ, 25 tuổi, quê Nghệ An

Chỉ vào những vết sẹo chằng chịt trên cánh tay, anh Nguyễn Bá Sĩ (25 tuổi, quê Nghệ An) tâm sự: “Những vết này do móng, răng hoặc trong lúc tập luyện giằng co với chó gây ra”. Anh Sĩ kể, lúc mới vào nghề còn ít kinh nghiệm, anh thường xuyên bị chó cắn, thậm chí có lần phải nhập viện.

“Ngày đầu tiên làm quân xanh tôi bị một con chó Rottweiler dồn vào góc tường. Thoát khỏi nanh vuốt chó lần đó, cứ nhìn thấy chó là tôi sợ. Lúc ấy tôi đã nghĩ mình sẽ bỏ của chạy lấy người nhưng rồi chẳng hiểu sao dần dần lại thấy mê và gắn bó luôn với nơi này”, anh Phạm Bá u (chủ cơ sở huấn luyện chó nghiệp vụ TP.HCM) góp chuyện với chúng tôi.

Trang phục bảo hộ cho những “quân xanh” chỉ là một bộ đồ dày, một chiếc mũ che mặt, nhưng với những bài tập săn đuổi để kích thích cho chó cắn mạnh và cần sự linh hoạt nên các “quân xanh” thường phải hóa trang thành kẻ trộm, cướp leo qua tường, hoặc chạy trốn để nhử mồi. Lúc này họ không thể sử dụng các dụng cụ bảo hộ. Vì thế, đây là bài tập nguy hiểm và ẩn chứa rủi ro nhiều nhất.

“Luật” của răng nanh

Hôm chúng tôi đến, vừa vén áo để lộ các vết thương ở bụng, anh Nguyễn Đình Hoàng (23 tuổi, quê Nghệ An) tâm sự: “Làm cái nghề mang thân ra cho chó cắn thì thương tích là chuyện thường. Ai không bị thương nhiều coi như chưa học được nhiều. Vài tháng trước, trong lúc huấn luyện mấy con chó cũng đã khá thân vậy mà chỉ một giây lơ là tôi phải lãnh liền năm nhát cắn. Trong đó có một nhát hiểm làm tôi xém mất luôn… của quý. Đến nay vết thương vẫn còn để lại sẹo”.

 

Cảnh khuyển tương lai

Trung tâm huấn luyện chó nghiệp vụ PDS hiện chăm sóc khoảng 650 con chó. Trong đó khoảng 400 con là do khách gửi vào huấn luyện, số còn lại là chó của trung tâm nuôi.

Còn Trung tâm huấn luyện chó nghiệp vụ TP.HCM hiện có khoảng 100 con chó trong đó khoảng một nửa là do khách gửi huấn luyện. Sau một thời gian huấn luyện, những con chó có nghiệp vụ tốt sẽ được tuyển chọn phục vụ cho lực lượng công an, số còn lại được sử dụng vào mục đích kinh doanh khi khách có nhu cầu. “Quân xanh” tại các trung tâm huấn luyện hầu hết là bộ đội xuất ngũ, một phần được các trường tuyển chọn từ thanh niên ở các địa phương. 

Thường thì khi thực hiện các bài huấn luyện, chó sẽ được rọ mõm khá cẩn thận. Nhưng trong khi giằng co, rọ mõm vẫn có thể bị tuột, dễ gây ra những sự cố đáng tiếc. Gần đây nhất, trong bài tập tấn công “quân xanh”, anh Lê Văn Tùng (ngụ Q.12) đóng giả làm cướp và bị một con chó nặng khoảng 50 kg đuổi theo quật ngã. Đang giằng co thì rọ mõm bị tuột, lúc này con chó Ngao Tạng vốn hung dữ đã cắn liên tiếp vào người anh Tùng.

Thực tế, chuyện “quân xanh” bị chó tấn công phải đi cấp cứu hoặc khâu nhiều mũi ở đây không hiếm. “Chó tuy thông minh nhưng nó cũng chỉ là con vật, nó không biết lựa chỗ để cắn. Nên khi bị đòn thì chỉ chịu đựng”, anh Phan Thanh Long tâm sự.

Hơn hai mươi năm gắn bó với nghề huấn luyện chó anh Long đã chứng kiến không ít câu chuyện bi hài về những “cuộc chiến” giữa “quân xanh” và chó. Anh kể, năm 2012 anh nhận lời bán cho khách ở Bình Phước một con chó Ngao Tạng. Sau khi khách đặt cọc 10 triệu đồng, anh tiến hành huấn luyện chó chủ yếu với các bài tập tấn công nhằm mục đích giữ tài sản. Ngày giao chó, anh cùng một nhân viên xuống Bình Phước. Chủ nhà đòi thử chó trước khi nhận. Không có dụng cụ bảo hộ, “quân xanh” không sẵn sàng, thế là anh và nhân viên của mình quyết định “đánh tay bo”. Sau khi mượn được sợi dây thừng của  chủ nhà, anh cột chặt rọ mõm và buộc dây vào cổ chó để điều khiển từ xa. Lúc đầu anh cột mõm chó thật chặt. Nhưng đuổi theo “quân xanh” mà con chó không thể phát ra tiếng sủa… nên chủ nhà không đồng ý. Để chiều lòng người mua, anh Long phải nới lỏng rọ mõm. Thế là sau một lúc tấn công, rọ mõm của con chó tuột, sợi dây thừng cũng bị đứt. Con chó như một cái máy xông tới cắn liên tiếp lao vào người “quân xanh”. Hậu quả, anh Long phải khâu 36 mũi. Tay và đùi nhiễm trùng sưng tấy nhiều tháng sau mới hết.

“Dù nhiều rủi ro, đôi lúc có đau đớn và mệt mỏi nhưng một ngày không nghe tiếng chó sủa là lại thấy nhớ. Lòng yêu nghề, yêu chó, cộng với có việc làm để mưu sinh, nghề này như gắn chặt với đời mình”, anh Sĩ bộc bạch.

Với những lý do như thế mà những “quân xanh” đã đến với nghề là cố bám. Và càng bám lâu thì họ lại càng thêm yêu cái công việc khó khăn này.

Lam Ngọc

>> Huấn luyện chó phát hiện ung thư
>> Nghề huấn luyện chó nghiệp vụ: Lắm thú vị nhiều hiểm nguy  

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.