Nghị định mới về xử lý vi phạm hành chính

19/12/2008 16:02 GMT+7

(TNO) Chính phủ vừa ban hành Nghị định (số 128/2008) Quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 và Pháp lệnh sử đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2008. Dưới đây nêu một số điểm mới của nghị định này.

Thủ tục xử phạt đơn giản (không lập biên bản mà ra quyết định xử phạt tại chỗ) được áp dụng với các trường hợp: Hành vi vi phạm bị áp dụng hình thức xử phạt là cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 10.000 đến 200.000 đồng; một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm mà mỗi hành vi này đều là phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 10.000 đến 200.000 đồng. Trước đây, mức này là đến 100.000 đồng.

Việc nộp tiền phạt có thể được thực hiện nhiều lần, với các điều kiện:

- Cá nhân bị phạt từ 10 triệu đồng trở lên; tổ chức bị phạt từ 100 triệu đồng trở lên.

- Được cơ quan có thẩm quyền xác nhận là đang gặp khó khăn đặc biệt về kinh tế (đối với cá nhân là UBND cấp xã; đối với tổ chức là cơ quan thuế).

Thời hạn nộp phạt nhiều lần không quá 12 tháng; số lần phạt không quá 3 lần; mỗi lần nộp không dưới 1/3 tổng số tiền phải nộp phạt; số tiền chưa nộp phạt phải chịu lãi suất không kỳ hạn.

Vấn đề ủy quyền xử lý vi phạm hành chính: Ngoài trường hợp quyết định tạm giữ người theo thủ tục hành chính thì việc ủy quyền chỉ được thực hiện khi cấp trưởng vắng mặt; các quyết định xử lý vi phạm hành chính khác đều có thể được ủy quyền cho cấp phó, với các điều kiện: ủy quyền bằng văn bản, xác định rõ phạm vi, nội dung, thời hạn ủy quyền.

Việc khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính vào ban đêm chỉ được thực hiện trong các trường hợp: có căn cứ cho rằng nếu không tổ chức khám ngay thì tang vật, phương tiện vi phạm sẽ bị tẩu tán, tiêu hủy; việc khám đang được thực hiện mà chưa kết thúc (đã bắt đầu từ trước 22 giờ mà đến 5 giờ sáng hôm sau chưa kết thúc).

Về biện pháp khắc phục hậu quả: ngoài các biện pháp quy định tại điểm a, b, c, d khoản Điều 12 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 8.3.2007, Nghị định nêu rõ, Chính phủ có thể quy định thêm các biện pháp khắc phục hậu quả khác và thẩm quyền quyết định áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả đó tại các nghị định của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước.

Nghị định cũng quy định trường hợp sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật để phát hiện hành vi vi phạm hành chính thì phải đưa nội dung này vào biên bản vi phạm hành chính. Trường hợp tại thời điểm cơ quan, người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính, người vi phạm không có mặt mà không có lý do chính đáng được coi là cố tình trốn tránh...

Nghị định 128/2008/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ 1.1.2009 và thay thế Nghị định 134/2003/NĐ-CP ngày 14.11.2003.

K.H

>> Công ty vàng Bồng Miêu bị xử lý do gây ô nhiễm
>> Ghi hình, phạt nóng nhiều xe vi phạm
>> Tháo dỡ “lô cốt”

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.